Khai phá 'mỏ vàng' du lịch Lạc Sơn

Cách thủ đô Hà Nội khoảng 80km, với vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ, huyện Lạc Sơn được xem là trọng điểm du lịch Hòa Bình với nhiều dự án thu hút du khách đến tham quan, khám phá thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa độc đáo của địa phương...

Cách thủ đô Hà Nội khoảng 80km, với vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ, huyện Lạc Sơn được xem là trọng điểm du lịch Hòa Bình với nhiều dự án thu hút du khách đến tham quan, khám phá thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa độc đáo của địa phương. Tận dụng lợi thế tự nhiên và văn hóa địa phương, huyện Lạc Sơn đang nỗ lực không ngừng để phát triển du lịch, mang lại những giá trị kinh tế vượt trội và bền vững.

Trong hành trình khám phá du lịch vùng cao Lạc Sơn, không thể không nhắc tới Bãi Bùi, thuộc xóm Khộp (xã Ngọc Lâu). Điểm nhấn trên bãi cỏ may rộng 5ha này là hơn 60 cây trau cổ thụ xanh tốt. Dưới tán cây trau cổ thụ, bà con xóm Khộp phát quang cây cỏ, dùng dây thừng buộc các xích đu và kê bàn ghế bằng gỗ để bán hàng cho khách đến tham quan.

Anh Bùi Văn Phương, một trong hai hộ dân mở sạp bán hàng ở Bãi Bùi chia sẻ: “Trong những năm gần đây, Bãi Bùi đón khá nhiều du khách đến tham quan, có những đoàn khách đến cắm trại và nghỉ lại qua đêm. Nhận thấy tiềm năng về phát triển du lịch, gia đình tôi đã mở quán bán hàng phục vụ khách. Sau khi vào tắm mát ở thác Mu thì Bãi Bùi là địa điểm du khách không thể bỏ qua khi lên vùng cao Lạc Sơn.”

Từ lâu, thác Mu (xã Tự Do) đã trở thành một trong những địa điểm "hot” nhất tại huyện Lạc Sơn trong những ngày hè oi ả. Con thác cao, làn nước trong xanh, mát lành là món quà thiên nhiên ban tặng cho bà con vùng cao ở nơi này. Sức hút của thác Mu đã mở ra hướng phát triển du lịch đầy tiềm năng, đáp ứng nhu cầu của du khách và phát triển dịch vụ homestay của bà con ở xã Tự Do.

Chị Quách Thị Hạnh, chủ một cơ sở homestay ở xóm Mu cho hay: “Mùa hè là thời điểm thác Mu đón nhiều du khách nhất. Trong đó có những đoàn khách nước ngoài đi theo tour, còn lại đa số là du khách trong nước. Hai năm trở lại đây, lượng khách tăng đột biến, có nhiều hôm, gia đình đón trên 200 khách. Du lịch đã và đang đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình tôi và người dân địa phương.”

Từ lâu, Đồi Thung (xã Quý Hòa) đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn với nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường. Đồi Thung mang đặc trưng khí hậu của vùng cao nguyên, với cảnh sắc thiên nhiên yên bình cùng môi trường sinh thái trong lành, bốn mùa xanh tươi, có nhiều tiềm năng để trở thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lý tưởng. Bên cạnh đó, đồi Thung còn có hệ rừng già bát ngát với thảm thực vật vô cùng phong phú đặc biệt, rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Với sự thay đổi lớn về nhận thức, tư duy và cách làm du lịch của chính quyền huyện Lạc Sơn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch, đại dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp của Tập đoàn Sun Group sắp được hình thành trên khu vực đồi Thung, xã Quý Hòa. Dự án có quy mô lên 184ha, tổng vốn đầu tư lên tới 5.300 tỷ đồng, quy mô dân số trên 10.000 người đang được triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm 2026. Mục tiêu của dự án là tận dụng lợi thế tự nhiên và văn hóa địa phương để tạo ra một điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Mới đây, Lễ hội "Chợ phiên - Nét đẹp vùng cao” do huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình tổ chức đã có 5 vạn người tham dự thu hút kinh tế ở các vùng cao, cũng như phát huy bản sắc của đồng bào dân tộc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn Bùi Văn Dương cho biết: “Chợ phiên – Nét đẹp vùng cao” là một trong những sự kiện thường niên quy mô lớn nằm trong chuỗi hoạt động “Tuần lễ văn hóa du lịch tỉnh Hòa Bình” nhằm giới thiệu, quảng bá nét đẹp sinh hoạt văn hóa độc đáo, đặc sắc trong các chợ phiên của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình đến với du khách trong và ngoài tỉnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, phục vụ nhân dân.

Đồng thời, tích cực giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp về phong tục tập quán, về ẩm thực, về các hoạt động sinh hoạt văn hóa đặc sắc, về trang phục truyền thống… của đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Hoạt động cũng góp phần tích cực trong việc thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch, giới thiệu quảng bá sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tới du khách.

Lễ hội không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, thúc đẩy kết nối giao thương xuất khẩu... mà còn giúp củng cố các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng các dân tộc. Việc giao lưu, trao đổi hàng hóa và văn hóa giữa các dân tộc tại đây đóng góp vào sự phát triển bền vững cùng tinh thần đoàn kết của địa phương.

Năm nay là năm đầu tiên huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Lễ hội ruộng bậc thang và phiên chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Lễ hội đã thu hút hàng nghìn người dân và khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Đến với lễ hội du khách được đắm chìm vào những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là nền văn hóa Mường. Du khách được trải nghiệm một hành trình với nhiều cung bậc khác nhau tại lễ hội.

Lễ hội ruộng bậc thang Miền Đồi với các hoạt động phong phú như: phiên chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu huyện Lạc Sơn năm 2024. Qua đó, nhằm thúc đẩy các sản phẩm địa phương, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Lạc Sơn.

Phiên chợ gồm 13 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tiêu biểu đặc sắc của địa phương đã từng được xuất khẩu sang thị trường quốc tế như: Tinh bột nghệ Nhưng Vần; Mật ong Thành An; Ớt rẽ Phú Lương và nhiều sản phẩm độc đáo trong vùng: Gạo nếp trứng khe Miền Đồi; Hạt dổi Chí Đạo; Gà đồi Hương Nhượng; Thịt chua Lạc Sơn.

Điểm nhấn của lễ hội là vẻ đẹp hùng vĩ của ruộng bậc thang Miền Đồi vào mùa lúa chín. Qua đó, nhân dân và du khách thập phương được tham quan, trải nghiệm cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng cho xã Miền Đồi. Bên cạnh đó còn là cơ hội để tìm hiểu về văn hóa dân tộc Mường như: Lễ mừng cơm mới, diễn tấu cồng chiêng Mường cùng các hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường huyện Lạc Sơn.

Những năm gần đây, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng phục vụ du lịch ở huyện Lạc Sơn có cải thiện rõ rệt. Từ nhiều nguồn vốn huy động, huyện đã hoàn thành đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường 12B, đường tỉnh tuyến C, đường tỉnh 436, 437...

Nhiều tuyến đường huyện, liên xã, xóm được bê tông hóa thuận lợi cho du khách đến tham quan. Nhờ đó, các điểm du lịch tự nhiên, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng trên địa bàn, như: thác Mu - xã Tự Do, Bãi Bùi - xã Ngọc Lâu, Vườn hoa xứ Mường - xã Vũ Bình, ruộng bậc thang các xã Quý Hòa, Miền Đồi… ngày càng thu hút nhiều du khách.

Bên cạnh phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, tạo điều kiện tổ chức hoạt động lễ hội tại các địa phương, huyện chú trọng công tác quảng bá du lịch gắn với phát huy bản sắc văn hóa. Các hình thức truyền thông, quảng bá đa dạng, như: gian hàng trưng bày triển lãm; phối hợp Cục Văn hóa (Bộ VH,TT&DL), cơ quan báo chí T.Ư làm phim, viết phóng sự về văn hóa - du lịch địa phương với các điểm đến đặc sắc; phối hợp các cơ quan báo chí tuyên truyền, giới thiệu danh thắng, các khu di tích lịch sử - văn hóa và các lễ hội truyền thống của địa phương.

Trên địa bàn huyện Lạc Sơn hiện có 2 khách sạn được gắn sao, 24 cơ sở lưu trú, 17 nhà nghỉ cộng đồng. Một số khu, điểm du lịch được đầu tư hạ tầng khang trang, như: thác Mu (xã Tự Do); di tích đình Cổi (xã Vũ Bình); đình Khói (xã Ân Nghĩa); đền cây Si (thị trấn Vụ Bản); di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến (xã Thượng Cốc); đình Khênh (xã Văn Sơn)… Cùng với đó, hệ thống bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, các trạm phát sóng phủ khắp các điểm di tích, khu, điểm du lịch đảm bảo thuận tiện cho việc thông tin liên lạc, tra cứu thông tin.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lạc Sơn Bùi Văn Kía cho biết: sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 26/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lạc Sơn nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, hoạt động du lịch địa phương trên đà khởi sắc, với lượng khách đến tham quan, trải nghiệm ngày càng tăng. Hàng năm, ngoài khách nội địa, một số điểm du lịch cộng đồng thuộc 2 chi hội du lịch xã Tự Do và xã Quyết Thắng thu hút được hàng nghìn lượt khách quốc tế khám phá.

Mục tiêu của huyện đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao của khu vực và cả nước dựa trên tiềm năng khoáng nóng chất lượng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, môi trường trong lành, có hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Bắc và bản sắc văn hóa độc đáo; hoạt động du lịch tạo việc làm cho 2.400 lao động, trong đó có 800 lao động trực tiếp. Theo đó, huyện tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh quảng bá tiềm năng du lịch, ưu tiên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch với điểm nhấn du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch cộng đồng; tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn.

15:15 22/12/2024

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khai-pha-mo-vang-du-lich-lac-son.html
Zalo