Khai mở thêm những hợp tác mới giữa Việt Nam và Trung Quốc

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ trở thành mốc son mới trong quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đồng thời khai mở thêm những hợp tác mới giữa hai nước.

Mới đây, Việt Nam lần đầu tiên làm chủ công nghệ tiên tiến loại bỏ khối u không cần dao mổ bằng cách sử dụng sóng siêu âm hội tụ cường độ cao. Anh hùng Lao động, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế là người đã đưa công nghệ US - HIFU của Trung Quốc về Việt Nam. Giờ đây, người bệnh có thể điều trị các bệnh lý như u xơ tử cung, u lạc nội mạc tử cung hay thậm chí là ung thư vú, gan, tụy, xương… mà không cần mổ.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Thiện An chia sẻ: “Khi tôi sang Trùng Khánh (Trung Quốc), tôi thực sự ngỡ ngàng với công nghệ US - HIFU này. Không chỉ mình tôi mà cả thế giới ngưỡng mộ công nghệ mổ không dùng dao, không nhìn thấy máu này. Ngoài ra, còn có rất nhiều kỹ thuật rất cao rất đáng được học tập và chúng tôi sẽ cố gắng kết nối với các nhà khoa học ở Trùng Khánh để đưa các kỹ thuật cao của Trung Quốc về áp dụng cho Việt Nam nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh”.

Giáo sư Lian Zhang, Giám đốc Bệnh viện Hifu Trùng Khánh, Trung Quốc cho hay: “Công nghệ US - HIFU được coi là phát minh xuất sắc của y học thế giới - phẫu thuật không xâm lấn bằng cách sử dụng công nghệ. Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng hữu nghị, chúng tôi hy vọng những kỹ thuật tiên tiến nhất của Trung Quốc sẽ giúp đỡ được nhiều bệnh nhân Việt Nam chiến thắng căn bệnh ung thư. Công nghệ giờ đây chính là cây cầu gắn kết hai nước chúng ta”.

Từ “công xưởng thế giới”, giờ đây Trung Quốc vươn lên trở thành trung tâm công nghệ. Hợp tác về khoa học, đổi mới sáng tạo sẽ là trụ cột hợp tác mới Việt Nam - Trung Quốc.

Hiện có khoảng 24.000 lưu học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Trung Quốc và chỉ tính riêng trong năm 2024 có khoảng 1.500 sinh viên Trung Quốc sang Việt Nam học tập. Tại chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc các thời kỳ” vừa diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm, lưu học sinh, sinh viên được khẳng định chính là sứ giả kết nối tình hữu nghị và mở ra tương lai tươi sáng cho quan hệ Việt - Trung.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc chia sẻ: “Những thống kê về công nghệ cao thì Trung Quốc cũng là nước dẫn đầu. Hiện nay Trung Quốc đang có những tiền đề để phát triển rất nhanh. Như chỉ đạo của Đảng, của Tổng Bí thư Tô Lâm là hợp tác các nước để phát triển công nghệ thì chúng ta cần tăng cường hợp tác với Trung Quốc”.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: “Sau hơn 45 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, với vị trí thứ ba thế giới về đầu tư cho nghiên cứu phát triển và dẫn đầu thế giới về số lượng bằng phát minh sáng chế. Tiềm năng, không gian hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là hết sức to lớn. Việt Nam sẵn sàng làm sâu sắc hơn nữa hợp tác khoa học công nghệ với Trung Quốc, trong đó mong muốn Trung Quốc tăng cường hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ về vốn trong lĩnh vực này để tạo nền tảng vững chắc khi Việt Nam và Trung Quốc đều bước vào kỷ nguyên mới, thời đại mới phát triển phồn vinh, thịnh vượng của hai dân tộc”.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình diễn ra trong “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025”, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước được kỳ vọng sẽ khai mở thêm nhiều cơ hội hợp tác mới. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của đồng chí Tập Cận Bình trong năm 2025, cũng là chuyến thăm Việt Nam lần thứ tư của ông trên cương vị lãnh đạo cao nhất Trung Quốc; đặc biệt là lần thứ hai trong cùng một nhiệm kỳ đại hội - một biệt lệ chưa từng có. Điều này thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân đồng chí Tập Cận Bình đối với việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Việt Nam.

“Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng của hai Đảng, hai nước; có ý nghĩa chiến lược, tác động lâu dài đến sự phát triển của quan hệ Việt - Trung trong bối cảnh hai nước đều đang bước vào kỷ nguyên mới, thời đại phát triển mới. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam rất mong đợi và kỳ vọng chuyến thăm sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp, nâng tầm hợp tác thực chất giữa hai nước theo hướng ngày càng chất lượng, hiệu quả, bền vững; thúc đẩy tạo ‘điểm sáng’ về hợp tác trình độ cao, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, Trung Quốc có thế mạnh như đường sắt khổ tiêu chuẩn, thương mại nông sản, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, kinh tế số, kinh tế xanh... đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Dự kiến trong chuyến thăm, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương hai bên sẽ ký kết khoảng 40 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Hai Tổng Bí thư sẽ cùng dự lễ khởi động hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc, chương trình giao lưu hữu nghị nhân dân và lễ khởi động Hành trình đỏ cho thanh niên, sinh viên.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/khai-mo-them-nhung-hop-tac-moi-giua-viet-nam-va-trung-quoc-322100.htm
Zalo