Khai mạc Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng tiếp nối thành công của AIPA 41, Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ đạt kết quả cao nhất.
Chiều 10/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 48 với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại các nội dung công việc mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành, nhấn mạnh rằng phiên họp có khối lượng công việc khá lớn, trong đó có nhiều nội dung quan trọng.
Điều này đòi hỏi các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu dự họp phải tập trung cao độ, phát huy tinh thần trí tuệ tập thể để hoàn thành khối lượng công việc đề ra.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng tiếp nối thành công của AIPA 41, Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ đạt kết quả cao nhất.
Với sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu báo cáo nhanh kết quả của AIPA 41.
Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết AIPA 41 đã thành công tốt đẹp. Đại hội đồng đã hoàn tất chương trình nghị sự và chương trình hoạt động diễn ra trong ba ngày (từ 8-10/9).
Mặc dù Đại hội đồng được tổ chức theo hình thức trực tuyến, nhưng thành phần tham dự có gần 400 đại biểu, trong đó có 230 đại biểu Quốc hội, 11 Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện của 10 nước thành viên (Thái Lan có cả Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện tham gia), 14 Phó Chủ tịch Quốc hội.
Cùng các nghị viện thành viên có 11 nước quan sát viên đăng ký tham dự, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Belarus, Chủ tịch Hạ viện New Zealand.
Ba Chủ tịch Quốc hội là khách mời của Quốc hội Việt Nam gồm Kazakhstan, Na Uy, Maroc.
Đặc biệt, lần này có sự tham dự của cố vấn đặc biệt Tổng thư ký Liên hợp quốc; Tổng Thư ký IPU, Tổng Thư ký AIPA, Phó Tổng Thư ký ASEAN, Ban Thư ký AIPA...
Ở đầu cầu Việt Nam, trong phiên khai mạc, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự.
Đại hội đồng đã nhận được thông điệp quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đến theo hình thức trực tuyến.
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc.
Sau phiên khai mạc, Phiên toàn thể thứ nhất diễn ra với các bài phát biểu sâu sắc và toàn diện với chủ đề Ngoại giao nghị viện ASEAN - Gắn kết và chủ động thích ứng.
Các bài phát biểu của 10 Chủ tịch Quốc hội các nước ASEAN, các nước quan sát viên, Chủ tịch Quốc hội của ba nước là khách mời bàn nhiều về phương hướng, giải pháp để giảm thiểu tác động đến sức khỏe, tính mạng của người dân trong khu vực và trên toàn thế giới trước đại dịch COVID-19.
Sau phiên họp toàn thể, các hội nghị của các ủy ban diễn ra rất sôi nổi. Ủy ban Kinh tế thảo luận về chủ đề "Vai trò của nghị viện trong việc thúc đẩy gắn kết phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch COVID-19" đưa ra các giải pháp vừa tăng cường khả năng khôi phục nền kinh tế, vừa ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Về chính trị, chủ đề là Ngoại giao nghị viện vì hòa bình và an ninh bền vững trong ASEAN.
Tại Đại hội đồng lần này, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã đưa ra chủ đề thảo luận Nâng cao vai trò AIPA trong hỗ trợ Cộng đồng ASEAN ứng phó đại dịch COVID-19.
Hội nghị nữ nghị sỹ AIPA với chủ đề Vai trò của nữ nghị sỹ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ.
Có 15 nghị quyết về tài chính của AIPA được thông qua; hai nghị viện quan sát viên mới được kết nạp...
Đặc biệt, để nâng cao vai trò của nghị sỹ trẻ nói riêng và vai trò của thanh niên nói chung, lần đầu tiên hội nghị nghị sỹ trẻ AIPA được tổ chức tại Đại hội đồng AIPA, bàn về chủ đề Sự tham gia của nghị sỹ trẻ AIPA vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN.
Lần này, Đại hội đồng đã tổ chức cuộc họp của Ủy ban Chính trị và thông qua được sáu nghị quyết.
Sáng kiến của Quốc hội Việt Nam về tổ chức hội nghị nghị sỹ trẻ AIPA được các đại biểu đồng thuận và đánh giá là nhân tố mới trong Đại hội đồng lần này, đặt dấu mốc quan trọng cho việc hình thành cơ chế hội nghị dành cho nghị sỹ trẻ AIPA.
Các nước đồng thuận giao cho Ban thư ký AIPA và Ban thư ký nghị viện các nước tiến hành quy trình thủ tục để năm sau đưa vào một hoạt động chính thức của AIPA.
Cùng với Đại hội đồng còn có rất nhiều hoạt động của Năm Chủ tịch AIPA 2020 đã được Quốc hội Việt Nam tổ chức thành công tốt đẹp.
Tại AIPA 41, Đại hội đồng quyết định kết nạp Na Uy, Maroc là nghị viện quan sát viên mới của AIPA; nhất trí thông qua thông cáo chung ghi nhận và đánh giá toàn diện kết quả Đại hội đồng lần thứ 41.
Đại hội đồng đã quyết định trao Giải cống hiến xuất sắc cho AIPA cho Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng.
AIPA 41 đã áp dụng phương thức mới là gộp các sáng kiến tại các ủy ban trong cùng một nghị quyết.
Kết thúc Đại hội đồng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã bàn giao chức vụ Chủ tịch AIPA lần thứ 42 cho Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei.
Đánh giá sơ bộ, Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 đã thành công rất tốt đẹp: thông qua 26 nghị quyết, 1 thông cáo chung.
Cùng với thành công của các hoạt động đối ngoại quan trọng trong năm 2020 của Việt Nam, như Chủ tịch ASEAN, AIPA, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành công của Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.
Các hoạt động trong năm Chủ tịch AIPA 2020 và đặc biệt là Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 cũng là điểm nhấn quan trọng của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV.
Theo ý kiến phát biểu của các Chủ tịch Quốc hội, của các ủy ban đều đánh giá cao và cảm ơn sự chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà Việt Nam đã làm nên thành công của AIPA 41.
Tại phiên toàn thể thứ 2 vào sáng 10/9, các Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Nghị viện các nước đều cảm ơn Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam-Chủ tịch Đại hội đồng AIPA.
Sau ba ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Đại hội đồng AIPA 41 đã thành công rất tốt đẹp.
Các chủ đề thảo luận tại Đại hội đồng rất phù hợp, nội dung trao đổi phong phú, sát với tình hình thực tiễn, đặc biệt là giải pháp đối phó với đại dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế sau đại dịch, tầm quan trọng của việc củng cố hòa bình và an ninh, hợp tác khu vực, nhiều đoàn nêu vấn đề hoạt động an ninh, an toàn ở Biển Đông cần dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nguyên tắc ứng xử DOC, sớm ký bộ quy tắc ứng xử COC.
Các ý kiến cũng nhất trí về các ưu tiên của AIPA cũng như ASEAN là lấy người dân làm trung tâm, lắng nghe ý kiến người dân, tập trung giải quyết vấn đề khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra với người dân trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Do tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, lần đầu tiên trong lịch sử 43 năm của AIPA, Đại hội đồng AIPA được tổ chức theo hình thức trực tuyến cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực của Quốc hội nước chủ nhà, các nghị viện thành viên AIPA đã khắc phục khó khăn, củng cố đoàn kết và củng cố hợp tác trên tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng./.