Khai mạc phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ngày 6/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 41.
Bước vào năm 2025 với khí thế mới
Tới dự phiên họp còn có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là phiên họp đầu tiên của năm 2025. Phiên họp diễn ra trong không khí mừng Đảng, mừng xuân, 95 năm Ngày thành lập Đảng Việt Nam, và các hoạt động mừng Xuân Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đồng thời hệ thống Quốc hội và HĐND các cấp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 79 năm Ngày tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên (6/1/1946-6/1/2025).
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, phiên họp cũng diễn ra trong không khí cả nước vui mừng về những thành tích kết quả đạt được về kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị năm 2024, và bước vào năm 2025 với một khí thế mới, niềm vui mừng chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Đặc biệt, tối 5/1/2025 Quốc hội tổ chức trao giải báo chí Diên Hồng lần thứ 3 thành công tốt đẹp, đội tuyển bóng đá nam quốc gia vô địch ASEAN Cup, cả đất nước ở mọi niềm đất nước đều tưng bừng cờ hoa, người dân xuống đường mừng chiến thắng. Đây là niềm vui phấn khởi, niềm tin cho năm 2025.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối 4 dự án Luật: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc thực hiện dân chủ trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của HĐND các cấp (quy định chi tiết khoản 2 Điều 84 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở).
Đồng thời, cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2024. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV vào cuối tháng 2/2025.
Chỉ quy định trong Luật các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần kỳ họp thứ 8, bám sát tư duy đổi mới trong xây dựng pháp luật về việc chỉ quy định trong Luật các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Quy định số 178-QĐ/TƯ ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Nhấn mạnh khối lượng công việc năm 2025 là rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, trước mắt ngay trong quý I/2025 phải tập trung dồn sức cho kỳ họp bất thường vào cuối tháng 2. Kỳ họp này Quốc hội sẽ họp không tính thời gian mà làm sao để hoàn thành việc sửa đổi các luật, nghị quyết của Quốc hội, phục vụ cho việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin, liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Quốc hội phải sửa các Luật Ban hành văn bản vi phạm pháp luật, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và có thể là gần 300 Luật liên quan đến chuyên ngành và liên quan đến tổ chức. Bộ Tư pháp đã tổng kết có khoảng 4.922 văn bản, nghị định, thông tư liên quan đến điều chỉnh, sắp xếp bộ máy hành chính. Đây là khối lượng công việc hết sức lớn. Do đó, sẽ tổ chức nhiều phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đã thống nhất với Thủ tướng Chính phủ, trong công tác xây dựng pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo phải tham gia từ đầu đến cuối nhằm nâng cao chất lượng pháp luật, bảo đảm tuổi thọ của Luật. “Vừa qua thì chúng ta cũng đã có nhiều đổi mới nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng pháp luật trong tình hình mới. Bộ Tư pháp phải tăng cường thẩm định trước khi trình Chính phủ, Chính phủ phải thẩm tra, thông qua rất kỹ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội”-Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.