Khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN năm 2025
Chiều 25-2, Diễn đàn Tương lai (AFF) ASEAN năm 2025, sáng kiến đa phương kênh 1.5 quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam nhằm trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến mới góp phần định hình tương lai phát triển của ASEAN, khai mạc tại Thủ đô Hà Nội.

Các đại biểu tham dự phiên khai mạc AFF 2025. Ảnh: Hoàng Linh
AFF là sáng kiến do Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 ở Indonesia vào tháng 9-2023. Diễn đàn Tương lai ASEAN được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 4-2024 đã thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng và ủng hộ rộng rãi của các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế. Từ thành công của diễn đàn lần đầu tiên, AFF 2025 tiếp tục là một trong những sự kiện đối ngoại đa phương quan trọng nhất do Việt Nam khởi xướng và chủ trì tổ chức, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác.
Năm nay, với chủ đề: “Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động”, diễn đàn thu hút hơn 500 đại biểu đăng ký tham dự trực tiếp, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và đối tác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu định hướng tại diễn đàn.
Tham dự diễn đàn, về phía Việt Nam, có Ủy viên Bộ Chính trị: Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn...
Các đại biểu quốc tế tham dự có: Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn; Tổng thống Timor Leste José Ramos-Horta, cùng nhiều lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và đối tác.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, với hơn 650 triệu dân, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, đã khẳng định vị thế trung tâm trong các cấu trúc kinh tế, an ninh của khu vực. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, diễn biến địa chính trị toàn cầu trong những tuần vừa qua đang gây ra nhiều lo lắng, cho thấy thế giới đang đứng trước bước ngoặt quan trọng, đặt ra nhiều câu hỏi về quan hệ giữa các cường quốc, quan hệ quốc tế kể từ sau Thế chiến II. Trong bối cảnh đó, các tổ chức khu vực như ASEAN càng cần khẳng định được vai trò và tính thích ứng để đảm bảo tính bền vững và ổn định của các quyết định, khẳng định được tính bao trùm để đối mặt các biến động mới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc AFF 2025. Ảnh: Hoàng Linh
Đề cập hành trình 3 thập kỷ của Việt Nam với ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam sẽ luôn là thành viên có trách nhiệm trong gia đình ASEAN, sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa để xây dựng cộng đồng ASEAN trở thành hình mẫu của hội nhập khu vực, và là biểu tượng của hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung trong khu vực và trên toàn cầu.
Ba ưu tiên chiến lược, ba đột phá hành động
Phát biểu định hướng tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều biến động, xu thế phân cực hóa về chính trị, già hóa về dân số, cạn kiệt về tài nguyên, đa dạng hóa về thị trường, cung ứng; xanh hóa về sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; số hóa về mọi hoạt động của con người… đặt ra nhiều bài toán khó nhưng cũng mở ra những cơ hội hiếm có để ASEAN khẳng định vị thế và bứt phá vươn lên.
Điểm lại lịch sử ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong giai đoạn phát triển mới, ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, với GDP hơn 10.000 tỷ USD, thị trường hơn 800 triệu dân, nền kinh tế số hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ASEAN vươn tới mục tiêu này không chỉ cần sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng mà còn cần tư duy đột phá, nguồn lực tập trung và hành động quyết liệt. Thủ tướng đã đề xuất ba ưu tiên chiến lược và ba đột phá hành động.
Ba ưu tiên chiến lược gồm: Thứ nhất là củng cố ASEAN tự chủ về chiến lược thông qua tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Thứ hai là xây dựng một ASEAN tự cường về kinh tế thông qua đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thứ ba là giữ vững giá trị và bản sắc ASEAN như tinh thần đồng thuận, thống nhất và hài hòa, tôn trọng sự khác biệt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu định hướng diễn đàn. Ảnh: Hoàng Linh.
Ba đột phá hành động gồm: Thứ nhất là xây dựng cơ chế ra quyết định hiệu quả, linh hoạt hơn, vừa đảm bảo nguyên tắc đồng thuận, vừa có cơ chế đặc thù cho các sáng kiến chiến lược, tạo đột phá. Thứ hai là đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động nguồn lực phát triển khu vực, nhất là các dự án trọng điểm huy động khu vực tư nhân, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội cho phát triển; loại bỏ rào cản hạn chế thương mại truyền thống, phát triển kinh tế số trong ASEAN. Thứ ba làtăng cường kết nối ASEAN, nhất là về hạ tầng, giao lưu nhân dân, hài hòa hóa về thể chế, rút ngắn hơn nữa quá trình ra quyết định và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong từng nước ASEAN để đẩy mạnh hợp tác.
Trích dẫn tục ngữ Việt Nam: “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng điều này đúng đắn trong bối cảnh hiện nay khi ASEAN và Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, cùng hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ vào sự đoàn kết, thống nhất, tinh thần hợp tác, vào sức sống và giá trị chiến lược của ASEAN.
"Chúng tôi cam kết là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, bao trùm, tự cường cùng nhau hiện thực hóa tầm nhìn ASEAN đến 2045 vì lợi ích của mọi người dân trong khu vực, cùng các nước thành viên, đối tác và bạn bè quốc tế viết tiếp những trang sử mới đầy tự hào trong hành trình phát triển của ASEAN” - người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu rõ.
ASEAN đề cao đoàn kết, bao trùm và tự cường
Cũng tại phiên khai mạc diễn đàn, Tổng thống Timor Leste José Ramos-Horta; Phó Thủ tướng Lào, Chủ tịch ASEAN 2024 Saleumxay Kommasith đã có bài phát biểu trực tiếp. Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra; Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen; Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed gửi thông điệp ghi hình tới diễn đàn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu. Ảnh: Hoàng Linh
Các bài phát biểu đánh giá cao hành trình phát triển của ASEAN cũng như sáng kiến tổ chức AFF của Việt Nam. Các ý kiến nhấn mạnh ASEAN là chất keo gắn kết các nền văn hóa, nền chính trị đa dạng, với các môi trường kinh tế xã hội vô cùng năng động; khẳng định ASEAN luôn đóng vai trò quyết định trong duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Tổng thống Timor Leste José Ramos-Horta nhận định, bối cảnh đa chiều hiện nay đòi hỏi phải đối thoại và hợp tác ngoại giao tích cực, ASEAN cần duy trì sự tập trung vào ngoại giao phòng ngừa, khả năng dự báo và ngăn ngừa căng thẳng. "Các quốc gia ASEAN có thể tin rằng sẽ không bị bỏ lại phía sau trong tương lai vì họ luôn có sự hỗ trợ từ các quốc gia thành viên khác" - nhà lãnh đạo này nêu rõ.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho rằng, ASEAN ở thời điểm này cần thể hiện rõ ràng hơn lập trường chung trước các vấn đề toàn cầu, thể hiện tinh thần đoàn kết qua chủ động đối thoại với các cường quốc, xây dựng lòng tin chiến lược qua các cơ chế do chính ASEAN dẫn dắt… Theo người đứng đầu Chính phủ Thái Lan, ASEAN cũng cần xây dựng quan hệ hợp tác thiết thực với đối tác bên ngoài vì lợi ích chung… hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, EU mong muốn chia sẻ và cùng xây dựng tương lai với ASEAN. Cho biết dù thuộc hai nửa địa cầu, châu Âu và Đông Nam Á có nhiều điểm tương đồng với quan hệ hai bên ngày càng khăng khít, Chủ tịch Ủy ban châu Âu mong muốn thắt chặt kết nối hơn nữa giữa hai khối trước những trào lưu cạnh tranh nước lớn, làn sóng khủng bố, chiến tranh thương mại gia tăng…

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra gửi thông điệp tới diễn đàn. Ảnh: Hoàng Linh
Chủ tịch Ủy ban châu Âu bày tỏ: “Châu Âu muốn tránh cuộc chạy đua toàn cầu hướng đến sụp đổ. Chúng tôi muốn tạo ra những cơ hội mới để đầu tư và giao thương với các đối tác tin cậy. Và đó là lí do tại sao, chúng tôi đã tái khởi động quá trình đàm phán các thỏa thuận thương mại với Malaysia. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nước, ở bất kỳ lĩnh vực nào, cùng chia sẻ lợi ích”.
Về phần mình, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed nhận định, ASEAN là một điểm nhấn về hợp tác trong khu vực và trên thế giới, nhấn mạnh Liên hợp quốc và các Điều phối viên thường trú sẽ tiếp tục đồng hành với ASEAN trên con đường phía trước, cùng đoàn kết biến khủng hoảng thành cơ hội, xây dựng một thế giới công bằng, an toàn và bền vững cho tất cả mọi người.

Thông điệp của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed tại AFF 2025. Ảnh: Hoàng Linh
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi, quá trình phát triển cần đặt khí hậu là trung tâm của nền kinh tế, nhấn mạnh khu vực Đông Nam Á có tiềm năng to lớn về năng lượng sạch, phù hợp thúc đẩy chuyển đổi xanh, nhưng quá trình triển khai cần công bằng, đúng đắn, bình đẳng, tạo ra cơ hội và việc làm cho tất cả mọi người.
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho rằng, diễn đàn lần này đã phản ánh rõ tầm nhìn xây dựng ASEAN tầm nhìn 2045. Theo Tổng Thư ký, do đặc điểm địa lý và lịch sử, ASEAN luôn là trung tâm cạnh tranh giữa các cường quốc, nhưng cũng là cơ hội để khối tận dụng năng lực ngoại giao và quyền lực mềm, với điều kiện các nước thành viên phải duy trì đoàn kết và thống nhất với mục tiêu chung. Trên cơ sở dó, Tổng Thư ký nhấn mạnh, sự kiên cường của ASEAN phải bắt nguồn tư bên trong, giữa các nước thành viên.
Nhấn mạnh tới vai trò của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 đối với tương lai của khối, Tổng Thư ký khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu…, cho rằng thách thức lớn nhất của ASEAN không phải tầm nhìn mà làm thế nào biến tầm nhìn thành hành động, làm thế nào để ASEAN duy trì được đoàn kết, nguyên tắc đồng thuận và lực hướng tâm, duy trì được những giá trị của khối trong khi đương đầu với những thách thức toàn cầu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith cho rằng chủ đề của AFF là phù hợp và kịp thời khi thế giới đang chứng kiến những cơ hội và thách thức đa chiều xuất phát từ những biến đổi toàn cầu quan trọng, cũng như những chuyển dịch địa chính trị và kinh tế nhanh chóng, làm suy yếu chủ nghĩa đa phương và cản trở tăng trưởng bền vững.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh công nghệ tiến bộ nhanh chóng và bối cảnh địa chính trị, địa kinh tế phức tạp, ASEAN cần trở thành một cộng đồng sẵn sàng cho tương lai, trong đó tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều có khả năng thích ứng để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
“Tôi tin tưởng rằng Diễn đàn lần này sẽ đưa ra những khuyến nghị thực tiễn và ý tưởng giá trị để hỗ trợ việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 một cách hiệu quả”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith cho biết.

Các diễn giả thảo luận tại phiên toàn thể thứ nhất. Ảnh: Hoàng Linh
* Sau lễ khai mạc, các đại biểu đã bước vào hai phiên toàn thể đầu tiên với các chủ đề "Các xu hướng lớn tác động đến ASEAN và thế giới đến năm 2035" và "Củng cố các nguyên tắc nền tảng của ASEAN nhằm ứng phó với các thách thức trong tương lai".