Khai mạc Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần VI

Ngày 15/1, Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI được tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn năm nay có chủ đề: 'Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam'.

Đây là sự kiện quan trọng do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức thường niên; là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ gặp gỡ, đàm phán, đưa ra những định hướng quan trọng, khuyến khích sáng tạo và đổi mới trong sản xuất công nghệ tại Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Cùng tham dự có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối Ngoại Trung ương; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện các tổ chức nghiên cứu, đào tạo trong nước; hiệp hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhóm doanh nghiệp công nghệ số Make in Vietnam; chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số; tổ chức kinh tế - thương mại, nghiên cứu, đào tạo; một số tổ chức ngoại giao; tập đoàn công nghệ số đa quốc gia và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tham quan khu triển lãm tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tham quan khu triển lãm tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam. Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam với những vấn đề của mình chính là thị trường để sinh ra các doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu và giải những bài toán toàn cầu.

“Make in Việt Nam là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Make in Vietnam là một khẩu hiệu hành động. Make in Vietnam là một tinh thần tự cường, tinh thần làm chủ ứng dụng và làm chủ công nghệ, từ làm chủ ứng dụng tới làm chủ công nghệ. Make in Việt Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng, mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài, vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng an ninh hùng mạnh để bảo vệ Việt Nam. “Chiếc nỏ thần'” bảo vệ Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo.

Make in Viet Nam đã được 5 năm. 5 năm qua, giá trị Việt Nam trong công nghiệp công nghệ số đã tăng từ 20% lên 32%. Năm 2024, giá trị Việt Nam trong 158 tỷ USD của ngành công nghiệp công nghệ số là 32%. Và chúng ta đặt mục tiêu giá trị Việt Nam sẽ đạt trên 50% vào năm 2030. Đây là mục tiêu rất cao nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy gia công. Thoát bẫy gia công là để thoát bẫy thu nhập trung bình.

Cùng đó, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tăng 50%. Với 74.000 doanh nghiệp công nghệ số tại một quốc gia 100 triệu dân, Việt Nam thuộc quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên đầu người vào loại cao nhất trong số các nước đang phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Make in Viet Nam cũng là tự hào Việt Nam. Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã truyền đi thông điệp về tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc” để phát huy trí tuệ Việt Nam. Việt Nam không còn là nước nhỏ nữa, phải sánh vai cường quốc năm châu và phải đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Nghị quyết 57 cũng đặt mục tiêu tự chủ và cạnh tranh về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược. Trước đây, Việt Nam tập trung nhiều vào ứng dụng, vào gia công, thì nay phải tập trung nhiều hơn vào làm chủ công nghệ, vào thiết kế, vào sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, vào các công đoạn giá trị cao hơn. Mỗi năm, Nhà nước sẽ dành 15% ngân sách khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để chi cho làm chủ các công nghệ chiến lược.

Năm 2024, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đạt 11,5 tỷ USD và đang tăng với tốc độ trên 30% mỗi năm. Việt Nam đặt mục tiêu, đến năm 2035 doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ tiến tới con số 100 tỷ USD và vượt xuất khẩu nông nghiệp. Đây thực sự là mục tiêu rất cao, rất thách thức đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Mục tiêu của Diễn đàn là đưa ra các thông điệp của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhằm làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược, và đề xuất nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tại Diễn đàn này, nhiều nội dung sẽ được đưa ra thảo luận, đặc biệt định hướng, chính sách và giải pháp phát triển trong giai đoạn tới về công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo để kiến nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng thể chế, chính sách đột phá nhằm ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích, kêu gọi tập hợp sức mạnh từ Chính phủ đến xã hội trong phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Diễn đàn cũng sẽ đề ra việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ số giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số Việt Nam và đưa Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các doanh nghiệp đoạt giải Sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam 2024".

Tổng Bí thư Tô Lâm và các doanh nghiệp đoạt giải Sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam 2024".

Chương trình Diễn đàn bao gồm 1 Phiên cấp cao đưa ra những thông điệp của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về định hướng thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, doanh nghiệp công nghệ số gắn với việc làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số trong các ngành kinh tế, hình thành phương thức sản xuất số của Việt Nam; hai Phiên tham luận chuyên đề chuyên sâu về phát triển công nghiệp bán dẫn, AI.

Tại Diễn đàn, Bộ TT&TT tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2024, tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, mang tự hào trí tuệ Việt Nam.

Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng sẽ tổ chức khu trưng bày triển lãm gồm gần 40 gian hàng để đại biểu tham dự có thể tham quan, trải nghiệm trực quan các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ, làm chủ quá trình chuyển đổi số quốc gia.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khai-mac-dien-dan-quoc-gia-ve-doanh-nghiep-cong-nghe-so-viet-nam-lan-vi-183259.html
Zalo