Khai mạc Diễn đàn kinh tế TPHCM lần 5-2024
Ngày 25-9, Diễn đàn kinh tế TPHCM lần 5-2024 chính thức diễn ra với chủ đề 'Chuyển đổi công nghiệp - động lực mới cho phát triển bền vững TPHCM' do UBND TPHCM tổ chức.
Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Vũ Hải Quân, Ủy viên trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế trung ương.
Cùng tham dự sự kiện, có hơn 40 đoàn địa phương, bộ ngành quốc tế và chuyên gia đến từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Cảm ơn bè bạn giúp thành phố vượt khó khăn
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết sự hiện diện của Thủ tướng - vừa là Chủ tịch Hội đồng Vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vừa là Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội - là một thông điệp mạnh mẽ thể hiện quyết tâm hành động đưa đầu tàu kinh tế của đất nước vượt qua chướng ngại vật, bứt phá trong thời gian tới.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, với vai trò của một trung tâm kinh tế tài chính, thương mại, văn hóa giáo dục, khoa học công nghệ năng động sáng tạo, đã có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của cả nước, TPHCM đang đứng trước yêu cầu cấp bách của tiến trình nâng cao chất lượng và giá trị sống của người dân và xây dựng một TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Bí thư Thành ủy TPHCM nêu, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho TP đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến năm 2045 trở thành TP có nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các TP lớn trong khu vực và vươn tầm châu lục với nhiều chỉ tiêu lớn, cụ thể.
“Để đạt được nhiệm vụ mục tiêu chiến lược đã đề ra, giai đoạn hiện nay, cùng với các giải pháp cho phát triển bền vững, TPHCM chọn chuyển đổi xanh toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp là động lực, chuyển đổi số là nhiệm vụ đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng và tất yếu”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, trước mắt TP phải tập trung vượt qua 3 thử thách lớn. Đó là nhanh chóng cải tiến kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là giao thông, công nghệ, môi trường. Nâng cao chất lượng nhân lực, cải cách thể chế thủ tục hành chính và có cơ chế chính sách vượt trội đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi hơn nữa để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển.
Tại diễn đàn này, TPHCM đã lắng nghe được rất nhiều ý kiến trao đổi, kinh nghiệm hay, quý báu của các vị khách trong nước và quốc tế. Và cũng nghe cam kết hành động của chính quyền TPHCM cho từng lĩnh vực cụ thể trong từng giai đoạn. Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, TPHCM nghiêm túc tiếp thu và sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng tại các hoạt động của diễn đàn này.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng thay mặt lãnh đạo TP gửi lời cảm ơn chân thành đến Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện các ban bộ ngành trung ương, đại diện các viện trường, các địa phương, đại diện các cơ quan ngoại giao, lãnh sự đoàn, các địa phương hợp tác với TPHCM, các tổ chức quốc tế… ; cảm ơn chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cơ quan truyền thông đưa tin kịp thời. Đồng thời bày tỏ biết ơn những người bạn từng gắn bó với TPHCM từ những ngày còn khó khăn. Đặc biệt, TPHCM không bao giờ quên ơn những người đã từng giúp mình vượt qua thời khắc cam go của dịch Covid-19.
Các giải pháp để quay lại đà tăng trưởng
Ngay sau phần phát biểu của đồng chí Bí thư, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã chia sẻ về thực trạng ngành công nghiệp TP đang phải đối mặt và sự cấp thiết phải chuyển đổi.
Theo đó, ông An cho rằng việc chuyển đổi công nghiệp tại TP chưa có những khảo sát cụ thể nhưng cũng đã có những chuyển biến nhất định. TPHCM khuyến khích di dời và sắp xếp các doanh nghiệp từ năm 2000. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, sản xuất thông minh. Khu công nghệ cao Thành phố và Công viên phần mềm Quang Trung là các điển hình thu hút đầu tư công nghệ cao. Các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chương trình trí tuệ nhân tạo AI… đã được kích hoạt và ứng dụng vào thực tế.
Tuy nhiên, so với bối cảnh chung về xu thế phát triển kinh tế hiện nay thì chưa đáp ứng yêu cầu. Ngành công nghiệp TP đang bị suy giảm đà tăng trưởng. Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp thấp, chưa có doanh nghiệp có tính dẫn dắt, doanh nghiệp khó phát triển theo chiều rộng do chi phí hạ tầng tăng cao…
Cũng tại diễn đàn, ông An cũng đề xuất các giải pháp để TPHCM quay lại đà tăng trưởng phát triển. Cụ thể tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng đa dạng bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không; thúc đẩy phát triển năng lượng sạch; hạ tầng số. Đặc biệt là xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 DWT (24.000 TEU), đồng thời phát triển 7 cảng cạn và 9 trung tâm logistics.
Ngoài ra, thành phố cần hỗ trợ phát triển hạ tầng công nghiệp, chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, KCN-KCX theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn/sinh thái; tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng; hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực và đầu tư nâng cao chất lượng nguồn lực. Về tài chính: Chuyển đổi công nghiệp (xanh-số, công nghệ cao) đòi hỏi nguồn tài chính lớn và sử dụng hiệu quả. Hiện việc thu xếp các nguồn tài chính mới đang ở tiềm năng (đề án), tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tài chính xanh còn rất thấp…
Việc thực hiện đồng bộ tháo các điểm nghẽn kết hợp với ứng dụng giải pháp chuyển đổi sẽ là cơ sở để TP tạo động lực, dư địa mới cho ngành công nghiệp TPHCM phát triển bền vững.