Với chủ đề “Thực học – Chân tài”, sự kiện năm nay khơi dậy tinh thần hiếu học, trọng hiền trong không gian văn hóa đặc sắc và sáng tạo.
Ngày 23/1, tại Hồ Văn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 chính thức khai mạc, mở đầu chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật chào mừng Tết Nguyên Đán.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà tham quan triển lãm tại Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025.
Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 diễn ra từ ngày 23/1 đến ngày 9/2/2025 (tức từ 24 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại Hồ Văn, khuôn viên Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Với chủ đề “Thực học - Chân tài” sự kiện tôn vinh tinh thần hiếu học, trọng chữ – những giá trị truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, chính tinh thần học tập nghiêm túc và sự đề cao tri thức đã tạo nên lớp lớp hiền tài, góp phần xây dựng đất nước. Hội chữ Xuân năm nay tiếp tục khơi lại mạch nguồn văn hóa đó, mang thông điệp khích lệ sự học, sự sáng tạo và cống hiến không ngừng nghỉ trong kỷ nguyên mới.
Hồ Văn năm nay mang diện mạo hoàn toàn mới, được chỉnh trang xanh, sạch, đẹp với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, mang đến không gian thoáng đãng, an toàn cho du khách.
Bên cạnh triển lãm thư pháp, Hội chữ Xuân 2025 còn tổ chức nhiều hoạt động phong phú như xin chữ đầu năm tại 47 gian lều của các nghệ nhân thư pháp, biểu diễn nghệ thuật truyền thống (hát quan họ, chèo, ca trù), không gian văn hóa đọc, trưng bày sản phẩm làng nghề và trò chơi dân gian.
Xin chữ đầu năm là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt xưa, thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.
Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chia sẻ: “Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 không chỉ là sự kiện văn hóa đặc sắc chào đón năm mới mà còn là nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Một không gian Hồ Văn tươi mới, sáng tạo sẽ mang lại trải nghiệm đáng nhớ cho du khách, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và khát vọng học tập, cống hiến của thế hệ trẻ”.
Ngay sau lễ khai mạc, Nhân dân và du khách tại Hà Nội đã nô nức đi xin chữ tại gian bố trí ở trung tâm lễ hội và ở các gian lều cho chữ của các thầy đồ.
Với chủ đề “Thực học – Chân tài”, sự kiện năm nay khơi dậy tinh thần hiếu học, trọng hiền trong không gian văn hóa đặc sắc và sáng tạo.
Biểu diễn viết thư pháp tại lễ khai mạc Hội chữ Xuân 2025. Đây là 4 câu thơ được trích từ bài Khuyến học văn của Thuần Hoàng đế Lê Thánh Tông.
Các gia đình thảnh thơi dạo tản bộ quanh không gian Hồ Văn và Hội chữ.
Điểm nhấn chính của lễ hội là triển lãm thư pháp “Thực học” với 18 cột chữ khuyến học viết bằng thư pháp chữ Hán, khắc họa bài “Khuyến học văn” của vua Lê Thánh Tông. Đây là lời nhắc nhở sâu sắc về giá trị của học vấn, gắn liền với tư tưởng “Học để làm người, học để cống hiến”.
Các bạn trẻ háo hức check-in cùng với những chữ vừa xin với những ý nghĩa về thành đạt, an yên...
Maylin Anhold (19 tuổi, du khách từ Đức) chia sẻ: "Đây là một lễ hội rất đặc biệt, có lẽ là lễ hội đặc biệt nhất đối với bản thân. Ở Đức cũng có nhiều lễ hội nhưng rất khác. Tại đây, tôi được giải thích về Hội chữ, về hoạt động xin chữ đầu năm của người Việt Nam. Tôi cũng xin chữ Như ý với ý nghĩa mọi mong muốn trong năm mới của tôi sẽ thành hiện thực".
Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 là điểm hẹn văn hóa lý tưởng đầu xuân, nơi mỗi du khách có thể cảm nhận sâu sắc giá trị của tri thức, tinh thần dân tộc và sức sáng tạo không ngừng.
Khánh Huy