Khai giảng lớp đào tạo kỹ sư chuyên ngành đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị

Tổng Công ty Cổ phần VINACONEX phối hợp Trường đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức khai giảng lớp đào tạo kỹ sư ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, chuyên ngành đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.

Ban lãnh đạo VINACONEX và Ban Giám hiệu Trường đại học Xây dựng chụp ảnh lưu niệm cùng các học viên lớp kỹ sư chuyên ngành đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.

Ban lãnh đạo VINACONEX và Ban Giám hiệu Trường đại học Xây dựng chụp ảnh lưu niệm cùng các học viên lớp kỹ sư chuyên ngành đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.

Đây là bước đi chiến lược của hai bên nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn bị cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam.

Phát biểu ý kiến tại lễ khai giảng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ, đây không chỉ là dấu mốc quan trọng trong sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà trường, mà còn khẳng định mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Trường đại học Xây dựng Hà Nội và Tổng Công ty Cổ phần VINACONEX.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Hà Nội.

Với lịch sử hơn 65 năm hình thành và phát triển, đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm thực tiễn, Trường đại học Xây dựng Hà Nội đã cung cấp cho đất nước hàng trăm nghìn kỹ sư, chuyên gia trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật và nhiều lĩnh vực khác.

“Đối với khóa học này, Trường đại học Xây dựng Hà Nội thiết kế giáo trình hiện đại, tích hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, bảo đảm học viên không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn được trang bị kỹ năng cần thiết để tham gia vào các dự án thực tế ngay sau khi tốt nghiệp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tùng khẳng định.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần VINACONEX Nguyễn Khắc Hải.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần VINACONEX Nguyễn Khắc Hải.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần VINACONEX Nguyễn Khắc Hải cũng đánh giá: “Trong bối cảnh đất nước đang ở kỷ nguyên vươn mình, đặc biệt ngành giao thông vận tải có nhiều bước tiến mạnh mẽ, để giữ vững vị thế thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, VINACONEX nhận thức sâu sắc phải không ngừng đổi mới, sáng tạo và đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực, hướng đến phát triển bền vững. Một trong những giá trị cốt lõi mà VINACONEX luôn tự hào theo đuổi, đó là coi con người là nguồn tài sản vô giá, là sức mạnh của doanh nghiệp”.

Do đó, VINACONEX đã thành lập Trung tâm đào tạo VINACONEX, phối hợp Trường đại học Xây dựng Hà Nội triển khai chương trình đào tạo dành riêng cho cán bộ kỹ sư VINACONEX về chuyên ngành đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, VINACONEX cũng chủ động nghiên cứu, tìm hiểu những công nghệ, phương pháp hiện đại nhất trong và ngoài nước, chuẩn bị về tài chính, trang thiết bị máy móc để đón đầu cơ hội từ các dự án hạ tầng giao thông lớn.

Đây là minh chứng cho sự chuẩn bị nghiêm túc, chuyên nghiệp cũng như cam kết của VINACONEX về việc sử dụng những nguồn lực tốt nhất, tối ưu nhất tham gia kiến tạo các công trình giao thông trọng điểm của đất nước.

Học viên tham gia lớp học là những cán bộ kỹ sư tốt nghiệp đại học các ngành: kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, xây dựng cầu-đường, kỹ thuật xây dựng cầu đường bộ, công nghệ kỹ thuật xây dựng cầu đường bộ,… có kinh nghiệm thi công các dự án giao thông lớn, được VINACONEX tuyển lựa thông qua quy trình, tiêu chí lựa chọn nghiêm túc.

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, các học viên sẽ được cấp bằng Đại học chính quy ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông-chuyên ngành đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam dài hơn 1.500km, tốc độ thiết kế 350km/giờ, đi qua 20 tỉnh, thành phố, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), kết thúc ở ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh).

Đây là dự án có vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay, ước tính lên tới 67 tỷ USD, tương đương 1,7 triệu tỷ đồng, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024, với kế hoạch thực hiện từ năm 2025 đến năm 2035.

Tuyến đường sắt không chỉ kết nối các tỉnh, thành trên cả nước mà còn tạo động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường.

TRANG LY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khai-giang-lop-dao-tao-ky-su-chuyen-nganh-duong-sat-toc-do-cao-va-duong-sat-do-thi-post851804.html
Zalo