Khai gian, làm lây lan COVID-19: Phải xử nghiêm
Nhiều bạn đọc bức xúc trước hành vi vô ý thức của một số người khai gian, không khai báo y tế để tránh cách ly, làm lây lan dịch bệnh cho người khác.
Trong tuần qua, bài viết “TP.HCM: Phát hiện 1 người khai gian dối để vào bệnh viện (BV) khám” và “Hải Dương khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh COVID-19” nhận rất nhiều bình luận của bạn đọc. Nhiều bạn đọc cho rằng hành vi khai báo y tế gian dối để trốn cách ly làm ảnh hưởng đến việc chống dịch là vô ý thức và cần phạt nặng. Đồng thời, có một số ý kiến băn khoăn nếu như người bị cách ly y tế đang mang một căn bệnh khác thì sẽ được điều trị bệnh như thế nào?
Sự vô ý thức sẽ gây hại rất nhiều người
Ngày 13-5, Công an TP Hải Dương đã khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khác đối với Đào Duy Tùng nhập cảnh trái phép từ Lào về. Người này đã khai báo y tế gian dối để không bị cách ly theo quy định, đã khiến một số người bị lây nhiễm COVID-19.
Một trường hợp khác, ngày 12-5, ông VPC đi cùng vợ con đến BV Ung bướu TP.HCM đăng ký khám. Khi khai báo y tế, ông C. và vợ con khai cư ngụ ở TP Dĩ An (Bình Dương), không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, khi ông C. được mời vào buồng khám thì bác sĩ phát hiện ông không phải ở Bình Dương mà ở tỉnh Quảng Trị. Ông từng được khám và điều trị tại BV K vào ngày 24-4 với chẩn đoán theo dõi ung thư vòm hầu.
Bạn đọc Nguyễn Na bình luận: “Những người đi khám bệnh họ cần điều trị, cần sống thì bệnh nhân trong BV cũng vậy. Nếu như chẳng may họ nhiễm bệnh thì những bệnh nhân khác có thể bị ảnh hưởng. Tôi nghĩ trong trường hợp này, người đi khám bệnh cần sự trung thực khai báo dịch tễ. Việc những người bệnh có yếu tố dịch tễ đi lung tung, không khai báo đúng sẽ gây nguy hại cho nhiều người. Những trường hợp này cần phạt nặng để ngăn chặn sự tiếp diễn về sau”.
“Những người vô ý thức như vậy phải phạt nặng vào. Trường hợp khai báo y tế gian dối và nếu xét nghiệm dương tính thì cần xử lý hình sự tội cố tình khai gian dối và cố tình để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Với tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, cả nước đang ra sức phòng chống dịch, không để lây lan ra cộng đồng. Vì thế, người dân không chấp nhận những lý do gì để biện hộ cho sự vô ý thức của một số người khai gian nhằm trốn cách ly” - bạn đọc Trần Anh ý kiến.
Bạn đọc Thái Vũ nêu: “Rất thông cảm cho bệnh nhân đang điều trị trong mùa dịch này. Ung thư tính từng ngày để chiến đấu với bệnh tật, để sống. Với người đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn này, ít nhiều họ sẽ chấp nhận tất cả để khai báo y tế không trung thực. Ngành y tế nên tạo thêm nhiều điều kiện để những bệnh nhân này vẫn được chữa bệnh mà không làm ảnh hưởng công tác phòng chống dịch”.
Có thể bị phạt tù nếu khai báo gian
Vậy với hành vi khai báo y tế gian dối và làm lây bệnh cho người khác thì sẽ bị pháp luật xử lý ra sao?
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, phân tích: Theo Điều 240 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào thực hiện một trong ba hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì bị phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm.
Thứ nhất là đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thứ hai là đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.
Thứ ba là các hành vi khác làm lây nhiễm dịch bệnh cho người khác.
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020 quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với các hành vi: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Người cách ly y tế muốn điều trị bệnh phải làm sao?
Về quy trình điều trị bệnh cho người đang thực hiện cách ly y tế để phòng chống dịch COVID-19 thì có hai dạng.
Một là người đang mang những bệnh phải bắt buộc đến BV điều trị, hai là những người bệnh không bắt buộc phải đến BV điều trị.
Các bệnh bắt buộc điều trị là bệnh cấp tính, bệnh nặng cần nhập viện thì vào BV điều trị. Tại BV sẽ có khu bệnh điều trị riêng cho những người đang có nghi ngờ nhiễm hoặc những người cách ly. Đối với những bệnh cần điều trị theo phác đồ điều trị nội trú, không cần phải nhập viện thì bệnh nhân được cấp thuốc và bác sĩ sẽ đến khám tại chỗ, kể cả những trường hợp sử dụng bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, những trường hợp người dân đi khám bình thường mà đang phải cách ly thì bắt buộc phải có cách phòng vệ hoặc mời bác sĩ tới khu cách ly khám. Những trường hợp cần vào BV thăm khám thì BV có khu khám bệnh riêng.
Như vậy, đã có quy định rõ ràng những trường hợp người đang trong trường hợp cách ly y tế mà bệnh thì ngành y tế vẫn tạo điều kiện cho bệnh nhân điều trị bệnh.
BS NGUYỄN TRUNG HÒA, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật quận Gò Vấp