Khách hàng tự nguyện mua bảo hiểm không thuộc hành vi bị cấm của Luật Các tổ chức tín dụng

Đây là một trong những nội dung tại Công văn số 8347/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước gửi Hiệp hội Ngân hàng về việc triển khai thực hiện khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã nhận được Công văn số 324/HHNH-PLNV ngày 25/6/2024 của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về việc triển khai thực hiện khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (Luật Các TCTD).

Nội dung khoản 5 Điều 15 Luật Các TCTD quy định hành vi bị nghiêm cấm: “5. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.”...

Sau khi nghiên cứu, Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định nêu trên nhằm mục đích nghiêm cấm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đồng thời với việc bán các sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc theo quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm dưới tất cả các hình thức.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trường hợp TCTD không có yêu cầu, đề nghị hay điều kiện về việc khách hàng phải mua bảo hiểm thì việc khách hàng tự nguyện mua bảo hiểm không bắt buộc (tại công ty con của công ty bảo hiểm hoặc qua ngân hàng khác làm đại lý bán bảo hiểm) hoặc việc khách hàng mua bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi của khách hàng và không gắn với các sản phẩm, dịch vụ của TCTD cung ứng thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định tại khoản 5 Điều 15 Luật Các TCTD.

Bên cạnh đó, việc cho khách hàng vay với mục đích thanh toán phí bảo hiểm không bắt buộc hoặc cho khách hàng vay để mua sản phẩm bảo hiểm về nguyên tắc sẽ thực hiện theo quy định của Luật Các TCTD và Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (đã được sửa đổi, bổ sung).

Nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra Công văn số 8347 /NHNN-PC xuất phát từ việc các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ băn khoăn với nội dung khoản 5 Điều 15 Luật Các TCTD quy định hành vi bị nghiêm cấm ở trên, với quy định cấm “gắn kèm” là như thế nào. Chẳng hạn, khi khách hàng vay vốn, ngân hàng bán bảo hiểm cho khoản vay đó thì có gọi là bán kèm không và việc này có bị cấm không, những băn khoăn này vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Theo đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, về cơ bản, các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng bán đương nhiên sẽ liên quan tới một dịch vụ nào đó của ngân hàng, nên quy định về hành vi nghiêm cấm như vậy rất khó cho các ngân hàng cũng như doanh nghiệp bảo hiểm.

Trước đó, một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã có cuộc gặp gỡ với giới truyền thông để chia sẻ về những khó khăn mà các công ty này đang gặp phải khi cơ sở pháp lý hướng dẫn hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng tại Việt Nam chưa thực sự hoàn thiện. Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có hiệu từ ngày 1/1/2023 đã bổ sung những quy định về hoạt động bancassurance dành cho doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng, nhưng Luật Các TCTD 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 hiện chưa có các hướng dẫn đi kèm, tạo ra những cách hiểu khác nhau, khiến cho việc triển khai kênh phân phối sản phẩm này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

N.Lan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khach-hang-tu-nguyen-mua-bao-hiem-khong-thuoc-hanh-vi-bi-cam-cua-luat-cac-to-chuc-tin-dung-post355945.html
Zalo