Đàn khỉ 'bao vây' khách du lịch Sơn Trà

Việc nhiều người dân, du khách cho khỉ ăn khi đến với bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng để lại rất nhiều hệ lụy, tạo thói quen cho loài khỉ ở đây, nhiều bầy khỉ ngồi chực chờ để xin thức ăn từ du khách và lục lọi đồ đạc gây phiền toái cho nhiều người.

Thực trạng cho khỉ ăn trên bán đảo Sơn Trà đã diễn ra nhiều năm nay, nhiều biển báo cấm cho khỉ ăn cũng đã được đưa ra. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra, nhiều người vẫn thản nhiên, vô tư cho khỉ ăn gây ra rất nhiều nguy hiểm.

Nhiều người vẫn thản nhiên cho khỉ ăn trên bán đảo Sơn Trà.

Nhiều người vẫn thản nhiên cho khỉ ăn trên bán đảo Sơn Trà.

Với thói quen được cho ăn khiến khỉ cứ đến giờ lại kéo xuống đường, nơi có người để tìm đồ ăn, quấy phá. Nhiều du khách ở xa lần đầu đến đây bất lực trước sự hung hăng của những bầy khỉ này.

Bầy khỉ tràn xuống khu vực có đông du khách để xin ăn.

Bầy khỉ tràn xuống khu vực có đông du khách để xin ăn.

Ghi nhận của PV Tiền Phong, cứ 16h mỗi ngày, như một thói quen, đàn khỉ trên bán đảo Sơn Trà lại tràn xuống khu vực các đoạn đường có đông du khách để kiếm ăn. Thức ăn của chúng là bánh kẹo, đồ ăn mà du khách mang theo mỗi khi lên đây tham quan.

Nhiều chú khỉ lục lọi, ăn bất kỳ thứ gì chúng giật được từ du khách.

Nhiều chú khỉ lục lọi, ăn bất kỳ thứ gì chúng giật được từ du khách.

Anh Nguyễn Văn Hùng - du khách đến từ TPHCM - cho biết đây là lần đầu tiên anh và gia đình đến với Đà Nẵng, anh đã chuẩn bị một số trái cây, đồ ăn để lên đây thưởng thức, tuy nhiên mới đặt đồ ăn xuống đã thấy rất nhiều khỉ bao vây xung quanh.

“Tôi rất bất ngờ vì khỉ ở đây không sợ người, chúng đến đứng gần bọc trái cây khiến tôi rất lo lắng. Lên đây chơi, thư giãn nhưng phải đề phòng những chú khỉ rất mệt, tôi phải giấu đồ ăn và trái cây thì lũ khỉ mới chịu bỏ đi”, anh Hùng nói.

Nhiều du khách cảm thấy phiền toái vì bị khỉ quấy phá.

Nhiều du khách cảm thấy phiền toái vì bị khỉ quấy phá.

Anh Thanh - người bán hàng rong trên bán đảo Sơn Trà - cho biết, tình trạng cho khỉ ăn đã diễn ra lâu nay, nhiều du khách mang thức ăn tới cho khỉ đã tạo thói quen khiến nhiều bầy khỉ cứ thấy đồ ăn là tiến đến, giật đồ. Dù đã nhiều lần nhắc nhở nhưng tình trạng du khách cho khỉ ăn vẫn diễn ra. Nhiều du khách ở nơi khác đến cầm theo đồ ăn là bị “dí” khiến họ rất bực bội vì bị khỉ quấy rầy.

Theo nhiều người dân ở đây, việc du khách thường xuyên cho các đàn khỉ ăn ở bán đảo Sơn Trà đã làm loài vật này thay đổi thói quen sinh hoạt, môi trường kiếm ăn. Từ việc tìm kiếm đồ ăn tự nhiên trong rừng, giờ đây nhiều con khỉ chỉ chờ đợi người mang thức ăn tới, nếu không có chúng sẽ tự tìm tòi, lục lọi đồ của du khách.

Bản năng tự kiếm ăn không còn, nhiều chú khỉ chật chờ xin đồ ăn từ du khách.

Bản năng tự kiếm ăn không còn, nhiều chú khỉ chật chờ xin đồ ăn từ du khách.

Ông Phan Minh Hải - Phó Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà - cho biết: Ban quản lý (BQL) thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn thực hiện tuần tra, nhắc nhở du khách tại tuyến đường từ nút giao thông Lê Đức Thọ đến khu nghỉ dưỡng Inter Continental, khuôn viên chùa Linh Ứng và các vị trí dọc tuyến đường Hoàng Sa từ Miếu Đôi đến Ngã ba Bãi Bắc để nhắc nhở, khuyến cáo người dân không cho khỉ ăn.

Theo ông Hải, hiện nay theo các quy định pháp luật chưa có biện pháp chế tài hành vi cho khỉ ăn. Tuy nhiên, BQL đã có biện pháp mạnh như lập biên bản nhắc nhở gửi về địa phương, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tăng cường công tác tuần tra và đề xuất chế tài xử phạt đối với hành vi cho khỉ ăn tại bán đảo Sơn Trà.

"BQL cũng đã cắm bảng, băng rôn nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và du khách. Đồng thời đã đề xuất Sở Du lịch có các văn bản gửi các công ty lữ hành, hội lữ hành, chi hội hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, đơn vị vận chuyển, khuyến cáo khách không cho động vật hoang dã ăn trái cây và thức ăn đóng gói sẵn khi tham quan các điểm đến tại bán đảo Sơn Trà để đảm bảo an toàn cho khỉ lẫn du khách", ông Hải cho biết.

Duy Quốc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dan-khi-bao-vay-khach-du-lich-son-tra-post1664092.tpo
Zalo