Khách 'bay' hàng chục triệu đồng sau trò lừa đặt phòng ở Đà Lạt

Đại diện một khách sạn tại trung tâm TP Đà Lạt cho biết: 'Mỗi ngày chúng tôi nhận được ít nhất 1-2 cuộc gọi tố cáo lừa đảo đặt phòng qua những fanpage giả mạo'.

 Nhiều khách sạn tại Đà Lạt bị giả mạo fanpage, lừa đảo du khách đặt phòng. Ảnh: Colline Dalat.

Nhiều khách sạn tại Đà Lạt bị giả mạo fanpage, lừa đảo du khách đặt phòng. Ảnh: Colline Dalat.

Khách sạn Colline Dalat chỉ sở hữu duy nhất một fanpage có hơn 51.000 lượt theo dõi. Tuy nhiên bên dưới tài khoản chính thức là hơn 15 trang giả mạo với độ "uy tín" cũng không kém cạnh với nhiều trang đạt 17.000 - 18.000 lượt theo dõi.

Nội dung đăng tải trên các trang giả mạo được sao chép y hệt, nhiều bài viết được chạy quảng cáo, nhận về lượt tương tác cao gấp nhiều lần so với trang chính chủ.

Ông Hoàng Văn Hiền, đại diện truyền thông của Colline Dalat, cho biết: "Chúng tôi tiếp nhận rất nhiều trường hợp khách hàng tố bị lừa tiền đặt phòng qua các tài khoản Facebook giả mạo. Trung bình mỗi ngày có 1-2 trường hợp du khách liên hệ tới khách sạn để trình báo về việc lừa đảo".

"Sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã trình báo đến cơ quan chức năng tại địa phương, tuy nhiên đây là vấn đề về an ninh mạng nên rất khó để tìm và xử lý các tổ chức đứng đằng sau", ông Hiền chia sẻ.

 Hàng chục trang giả mạo khiến doanh nghiệp "đau đầu".

Hàng chục trang giả mạo khiến doanh nghiệp "đau đầu".

Thông thường, khách thường bị lừa thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram. Sau khi trao đổi và đạt được thỏa thuận về giá phòng cũng như lịch trình, khách nhận được yêu cầu chuyển khoản đặt cọc hoặc thanh toán tiền trước để được giảm giá.

Nhưng khi khách đến khách sạn lại được báo không có xác nhận đặt phòng nào, liên hệ lại với trang đặt phòng mới phát hiện đã bị cắt đứt liên lạc. Số tiền lừa đảo từ vài triệu đồng lên đến hàng chục triệu đồng.

Tương tự, khách sạn Artis Hotel Dalat cũng tiếp nhận rất nhiều thông tin tố cáo lừa đảo. "Mỗi tháng chúng tôi ghi nhận hơn 30 du khách bị lừa tiền đặt phòng, mùa cao điểm du lịch số lượng khiếu nại tiếp nhận tăng cao", ông Tùng, trưởng phòng kinh doanh của đơn vị trên, cho biết.

"Hiểu được tâm lý tiêu dùng của khách thường đặt phòng theo số đông, các trang giả mạo còn tinh vi chạy follow ảo, bình luận ảo để tăng uy tín và đăng bài spam fanpage chính", đại diện đơn vị cho biết.

 Các bài đăng cảnh báo thường được đơn vị ghim đầu trang. Ảnh: Artis Hotel Dalat.

Các bài đăng cảnh báo thường được đơn vị ghim đầu trang. Ảnh: Artis Hotel Dalat.

Trên fanpage chính thức của các cơ sở lưu trú thường ghim các bài cảnh báo lừa đảo để nhắc nhở du khách cẩn thận trước kiểm tra thông tin trước khi thanh toán cũng như đính kèm các trang giả mạo, tuy nhiên tình hình vẫn không mấy khả quan.

Liên quan đến sự việc, ông Lê Anh Kiệt, trưởng phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) TP Đà Lạt, cho biết tình trạng kẻ gian mạo danh doanh nghiệp, cơ sở lưu trú để lừa đảo không mới, đơn vị vẫn thường xuyên nhận được thông tin phản ánh của du khách.

Trường hợp một du khách tên Như Quỳnh đã bị lừa chuyển cọc 1.485.000 đồng (50% tiền phòng 3 ngày 15-18/11), du khách Bảo Ánh bị lừa mất tiền cọc phòng ngày 7-9/12 tại khách sạn Túi Ba Gang - Central Hotel.

"Sau khi tiếp nhận, chúng tôi đã lập phiếu phản ánh gửi công an thành phố tiếp nhận xử lý", ông Kiệt cho biết.

 Hình ảnh đơn phản ánh của du khách được gửi về công an thành phố xử lý. Ảnh: Phòng VHTT TP Đà Lạt.

Hình ảnh đơn phản ánh của du khách được gửi về công an thành phố xử lý. Ảnh: Phòng VHTT TP Đà Lạt.

Hiện TP Đà Lạt có tổng cộng 2.503 cơ sở lưu trú với 33.138 phòng được cấp phép đủ điều kiện hoạt động kinh doanh du lịch. Dịp cuối năm thời tiết đẹp, chuẩn bị diễn ra Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10 nên lượng khách đến tham quan, vui chơi tại thành phố cũng tăng lên đáng kể, vì vậy tình trạng lừa đảo chi phí cọc đặt phòng của du khách càng diễn ra phổ biến.

Phòng VHTT TP Đà Lạt cảnh báo du khách tránh đặt phòng qua những tài khoản mạng xã hội không rõ ràng, có tên giao dịch ngân hàng khác với tên trang cá nhân.

Ngoài ra, du khách nên liên hệ qua khách sạn hoặc gọi về số điện thoại của để kiểm tra trước khi giao dịch. Khi có dấu hiệu bị lừa tiền cọc, du khách có thể gửi đơn trình báo về Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng để được giải quyết kịp thời.

Bên cạnh đó, phòng VHTT cho biết hiện Đà Lạt chỉ có 7 cơ sở kinh doanh homestay đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để hoạt động. Tuy nhiên, khách du lịch thường ưa chuộng loại hình homestay, thuê nhà nguyên căn, vì vậy nhiều cơ sở đã tự xây dựng, tự ý đón khách khi chưa có giấy phép, chưa đủ điều kiện, các cơ sở ấy sẽ quảng cáo không đúng sự thật khách đặt một nơi cho ở một nẻo hoặc nhận đặt cọc của khách nhưng đến nơi thì không ai phục vụ, trang thiết bị xuống cấp.

Không chỉ ở Đà Lạt, các điểm đến được nhiều du khách yêu thích như Phú Quý, Phan Thiết, Phú Quốc, Nha Trang,... cũng thường xảy ra các vụ việc tương tự. Để đảm bảo an toàn và có những trải nghiệm trọn vẹn, du khách nên kiểm tra kỹ thông tin cũng như liên hệ lại với khách sạn, tránh trường hợp bị lừa đảo tiền đặt phòng và dịch vụ, đặc biệt trong mùa cao điểm du lịch.

Linh Huỳnh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khach-bay-hang-chuc-trieu-dong-sau-tro-lua-dat-phong-o-da-lat-post1512171.html
Zalo