Khắc tinh của vũ khí vô hình

Cô bạn thân là giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh vốn ham thích thơ phú và cũng rất có thiện cảm với bộ đội nhắn tin đố tôi giải mã về lực lượng quân sự qua hai câu thơ: Người chiến sĩ trên thao trường vất vả/ Quần áo cao su, giày cao su, mặt nạ. Cô muốn tìm hiểu kỹ công việc của họ để thêm chất liệu cho bài giảng. Tôi trả lời, đó là bộ đội phòng hóa và thú thực chưa hiểu kỹ về tính chất công việc tác chiến của họ.

Dịp may đến khi tôi được về công tác tại Lữ đoàn Phòng hóa 87, một đơn vị của Binh chủng Hóa học. Ở đây, qua tiếp xúc, chứng kiến cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn huấn luyện, diễn tập, tôi đã khám phá ra công việc rất đặc thù, bí ẩn của họ. Đặc biệt là cách họ sử dụng thiết bị, phương tiện, khí tài để phát hiện kẻ địch cùng hóa chất độc hại mà tôi gọi là "vũ khí vô hình".

Hồi đầu tháng 10, đến Lữ đoàn 87, tôi được nghe cuộc trao đổi giữa Thượng tá Đào Thế Hữu, Phó lữ đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng và Trung tá Lê Thanh Quyết, Phó tham mưu trưởng về phương án bố trí lực lượng, phương tiện trong ứng phó sự cố hóa chất tại một cơ sở công nghiệp. Thượng tá Đào Thế Hữu yêu cầu cấp dưới của mình phải khảo sát kỹ lưỡng địa hình, điều kiện khí tượng, đặc biệt là hướng gió để xây dựng phương án tiếp cận, ứng phó sự cố tối ưu.

 Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 87 tham gia diễn tập xử lý sự cố rò rỉ hóa chất độc tại Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: ĐỨC TÂM

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 87 tham gia diễn tập xử lý sự cố rò rỉ hóa chất độc tại Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: ĐỨC TÂM

Điều ấy khiến tôi tò mò. Gió thì liên quan gì đến công việc, đến sự cố của những người chuyên mặc quần áo phòng da cao su và đeo mặt nạ phòng độc cơ chứ?

Đợi thời cơ thích hợp, tôi hỏi Thượng tá Đào Thế Hữu:

- Nếu không có gì bí mật thì nhờ anh giải thích giúp yếu tố hướng gió trong tác chiến của bộ đội phòng hóa?

Anh Hữu nhìn tôi không nói. Anh lấy trong túi quần bên phải ra một lọ dầu gió Trường Sơn và vẩy vài giọt lên bàn uống nước, trước mặt hai chúng tôi. Khoảng 10 giây, sau khi để mũi của tôi cảm nhận được mùi đặc trưng của dầu gió lan trong không khí, anh giải thích:

- Đây chỉ là một ví dụ về hiện tượng khuếch tán lượng nhỏ dầu gió trong môi trường hẹp. Nếu là hóa chất độc khuếch tán vào môi trường do cố ý hoặc vô ý rồi theo gió lan nhanh trong không khí thì sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người, sinh vật, môi trường. Thế nên, tác chiến hay tác nghiệp của bộ đội phòng hóa phải trông vào hướng gió để tùy cơ ứng biến là vì thế.

- Anh có thể cho tôi một ví dụ cụ thể hơn được không?

Thượng tá Đào Thế Hữu lại cầm lọ dầu gió trên tay và nói:

- Ví dụ lọ dầu gió này là một loại chất độc hại mà địch dùng để diệt mục tiêu của ta. Chúng sẽ chọn đầu hướng gió để thả chất đó ra. Nhiệm vụ của bộ đội phòng hóa là phải đoán biết khả năng chúng sẽ thả ở khoảng cách bao nhiêu so với mục tiêu mà tìm cách chống đỡ, xử lý. Khi phát hiện rồi thì có thể sử dụng phương pháp đánh tận gốc, triệt tiêu nguồn phát bằng các biện pháp ngăn chặn tán phát, rò rỉ. Nhưng cũng có thể là sơ tán yếu nhân, con người, mục tiêu bảo vệ ra khỏi bán kính nguy hiểm hoặc cung cấp phương tiện để họ đề phòng.

- Tôi có thể xem cách xử lý trên thực địa được không?

- Dĩ nhiên là được, nhưng phải đợi dịp gần nhất.

Sau đó ít ngày, Thượng tá Đào Thế Hữu điện thoại và mời tôi đến Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), tham gia dự phần thực binh của cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất.

Tại hiện trường, ban tổ chức phát đi tình huống cháy kho chứa hóa chất lan rộng ra khu vực các bồn chứa amoniac. Nguy cơ cháy lớn và tán phát hóa chất trong phạm vi khoảng 3km2. Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Đồng Nai đã khởi động kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh; tham mưu, chỉ đạo và tổ chức lực lượng, phương tiện xử lý theo phương châm “4 tại chỗ”. Lữ đoàn Phòng hóa 87-Trung tâm ứng phó sự cố CBRN (hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân) miền Nam được tăng cường phối hợp.

Trên hiện trường, những chiếc xe chuyên dụng của bộ đội hóa học xốc tới nhanh như những xe cứu hỏa. Sau những cú phanh cháy mặt đường, xe dừng, các bộ phận nhanh chóng tản ra và triển khai nhiệm vụ theo trật tự, thống nhất và rất thuần thục. Họ mặc khí tài cách ly cơ thể với môi trường nhiễm rồi tổ chức ngăn chặn hóa chất tán phát, chảy tràn; trinh sát, tiêu tẩy, vệ sinh, khắc phục hậu quả sự cố.

Từ trên khán đài, Thượng tá Đào Thế Hữu trở thành MC, thuyết minh cho tôi về chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận trong lực lượng ấy. Anh nói, sau khi xác định hướng gió, trinh sát định danh loại hóa chất độc tán phát bằng khí tài đặc chủng; các lực lượng sẽ hình thành ngay được phương án xử lý. Họ tác nghiệp từ đầu hướng gió để “vây” rồi “đánh lấn”, tiến tới cô lập hoàn toàn hóa chất độc hại bằng ký, tín hiệu chứ không có bất cứ một mệnh lệnh nào được phát ra.

Tôi đang căng mắt quan sát và chăm chú nghe từng lời của Thượng tá Đào Thế Hữu thì Trung tá Lê Thanh Quyết đến bên và dúi vào tay tôi một tờ giấy: "Anh đọc cái này, thú vị lắm!". Tôi đút tờ giấy đó vào túi quần.

Thành lập năm 2008, nhưng trình độ, kinh nghiệm, sức mạnh tổng hợp, khả năng tác chiến của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 87 thì không hề non trẻ như cái tuổi 16. Theo Đại tá Vũ Trọng Phong, Lữ đoàn trưởng, nhiều năm qua, Lữ đoàn 87 luôn hoàn thành tốt và xuất sắc các nhiệm vụ bảo đảm hóa học cho tác chiến chiến dịch, chiến lược; nhiệm vụ A2, chống khủng bố; ứng cứu, khắc phục sự cố CBRN, sự cố môi trường và xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh.

Trong những nhiệm vụ này, việc làm nòng cốt xử lý các sự cố về hóa chất và môi trường ở khu vực phía Nam, trọng điểm là các khu công nghiệp ở miền Đông Nam Bộ là phức tạp, nặng nề và khó khăn. Bởi nơi đây tập trung nhiều khu công nghiệp và phân bố rộng khắp các tỉnh, thành phố thuộc diện lớn nhất cả nước. Cạnh đó là hệ thống kênh rạch, bến cảng và lưu lượng giao thông đường thủy rất lớn, dễ dẫn đến tai nạn, gây sự cố tràn dầu hoặc rò rỉ hóa chất độc. Quá trình phát triển kinh tế, do nhiều nguyên nhân, nhất là do nhận thức và thói quen làm việc chưa chuẩn mực, thiếu ý thức bảo đảm an toàn lao động nên đã để xảy ra nhiều vụ cháy nổ, rò rỉ hóa chất độc.

Lữ đoàn trưởng Vũ Trọng Phong lục trong trí nhớ và đưa ra cho tôi một số vụ việc điển hình. Vào tháng 3-2020, tại đoạn đường Chiêu Liêu (khu phố Đông Chiêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) xảy ra vụ xe tải mang biển kiểm soát 61C-31932 vận chuyển bồn chứa axit nitric 1.000 lít bị rò rỉ, chảy xuống đường, gây khó chịu, hoảng sợ cho người dân. Tiếp đó, vào sáng 10-10-2020, xe bồn bơm khí amoniac sang trạm chứa của Công ty Vĩnh Lộc (ấp 2, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) gặp sự cố vỡ ống bơm, làm lượng lớn khí thoát ra ngoài, gây ô nhiễm với nồng độ nguy hiểm. Vụ việc khiến không ít gia súc, gia cầm ở quanh hiện trường bị chết, cây cỏ bị héo và nhiều người hít phải đã bị ngộ độc với các biểu hiện khó thở, buồn nôn, miệng chảy máu... Ngoài hai vụ này còn có nhiều vụ rò rỉ hóa chất phức tạp khác được cán bộ của Lữ đoàn 87 thống kê chi tiết.

Việc chiến đấu với hóa chất rò rỉ phức tạp hơn tưởng tượng của tôi vì phải tiến hành qua nhiều công đoạn và không cho phép kéo dài. Hơn nữa, nếu vụ việc xảy ra trên đất liền thì còn đỡ chứ tác chiến dưới nước thì phức tạp và khó khăn vô cùng.

Để đối phó với những sự cố quy mô lớn, để làm tròn nhiệm vụ, không gì khác là các cơ quan, đơn vị trong Lữ đoàn phải đẩy mạnh huấn luyện, rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn, phát huy sức mạnh tổng hợp trong xử lý các tình huống.

Thượng tá Đào Thế Hữu tâm tình, mỗi lần mang vào người bộ khí tài là cán bộ, chiến sĩ bước vào trận chiến đấu. Họ gian khổ hơn các vận động viên khi nỗ lực ép cân trước ngày thi đấu nhiều lần vì vừa bị mất nước vừa phải căng thẳng thần kinh do tập trung cao độ cho nhiệm vụ sử dụng trang bị, khí tài để trinh sát, tiêu tẩy, vệ sinh, khắc phục hậu quả sự cố. Họ lặng lẽ chiến đấu, đối đầu với loại kẻ thù luôn biến hóa, không rõ hình hài mà chẳng hề có định mức thời gian.

Kết thúc phần diễn tập thực binh, tôi mới sực nhớ ra mảnh giấy mà Trung tá Lê Thanh Quyết đã đưa. Mở tờ giấy ra xem thì đó là một bài thơ của Đại tá, TS Phạm Ngọc Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học-Môi trường Quân sự (Binh chủng Hóa học) có tên “Giả định đặc biệt”. Cảm xúc của tôi như nghẹn lại trước những câu từ mộc mạc, giản dị, mang nhiều đặc trưng nghề nghiệp của bộ đội phòng hóa mà tôi đã thấy:

Mặt nạ che đôi mắt tinh tường

Áo cao su bọc tròn da thịt

Đánh địch trong thế này khắc nghiệt

Lính hóa học anh ra thao trường

Đêm còn giấu mặt kẻ thù vô lương

Tội ác nấp sau chiều gió thổi

Tội ác không làm ta bối rối

Lính hóa học anh ra thao trường

Giọt mồ hôi mặn chát đời thường

Qua vai áo thấm vào ngực lính

Những giả định thao trường thức tỉnh

Một ngày vàng nắng sáng ở trung du.

Giờ thì tôi ngộ ra, những cán bộ, chiến sĩ phòng hóa không hề khô khan như nghề nghiệp và công việc nặng nhọc, độc hại họ đảm nhận. Ngược lại, họ tự tin, lãng mạn, yêu đời và lạc quan hơn tôi nghĩ nhiều lần. Đó là một phần làm nên sức mạnh của từng cá nhân và sức mạnh tổng hợp của tập thể Lữ đoàn 87...

MẠNH THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/khac-tinh-cua-vu-khi-vo-hinh-803901
Zalo