Khắc phục thủy lợi, ổn định sản xuất

Nhằm nâng cao hiệu quả canh tác và phát triển ngành nông nghiệp địa phương, thời gian qua, UBND huyện A Lưới thường xuyên phối hợp với Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) kiểm tra, rà soát và bố trí kinh phí để từng bước đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn.

Các địa phương ở A Lưới huy động các lực lượng, người dân sửa chữa kênh mương

Các địa phương ở A Lưới huy động các lực lượng, người dân sửa chữa kênh mương

Ổn định sản xuất

Toàn huyện A Lưới hiện có 82 công trình hồ chứa thủy lợi, hơn 60km kênh mương lớn nhỏ, phục vụ tưới tiêu và cung cấp nguồn nước cho khoảng 1.100ha lúa hai vụ, hơn 300ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Do địa hình phức tạp, nhiều đồi dốc, khe suối chảy xiết là nguyên nhân khiến các công trình hạ tầng, thủy lợi ở A Lưới nhanh xuống cấp sau mỗi mùa mưa lũ. Để đảm bảo sản xuất, về lâu dài, việc đầu tư nâng cấp, xây mới các công trình thủy lợi cần nguồn kinh phí lớn cũng như thời gian để thực hiện. Do vậy, trước mắt hàng năm các địa phương trên địa bàn huyện A Lưới đã phối hợp với Công ty Thủy lợi kiểm tra, rà soát và bố trí kinh phí sửa chữa tạm thời những hư hỏng nhỏ nhằm phục vụ sản xuất cho người dân.

Nhiều năm nay, hệ thống thủy lợi Pa Dứa ở thôn Ca Cú 1 (xã Hồng Vân, huyện A Lưới) đã hư hỏng, sạt lở qua mỗi mùa mưa lũ. Đây là hệ thống thủy lợi nhỏ phục vụ tưới tiêu diện tích lúa nước của người dân xã Hồng Vân. Ông Hồ Mạnh Giang, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết, hệ thống thủy lợi Pa Dứa phục vụ sản xuất lúa nước của người dân do Công ty Thủy lợi quản lý. Hàng năm để phục vụ sản xuất đầu mùa vụ, xã bố trí kinh phí khắc phục sửa chữa tạm thời. Về lâu dài, địa phương đã kiến nghị các cấp, ngành quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi có quy mô đảm bảo nhằm giúp người dân ổn định sản xuất.

Hệ thống đập và kênh mương Pâr Lieeng thôn Cân Tôm, xã Hồng Hạ, bị xuống cấp không đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho ruộng lúa gần 20 ha và nhiều diện tích hoa màu của người dân nhiều năm nay. Mới đây, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã Hồng Hạ đã tiến hành nâng cấp, sửa chữa hệ thống đập và kênh mương Pâr Lieeng với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho biết, việc sửa chữa đập và kênh mương Pâr Lieeng nhằm phục vụ sản xuất trước mắt cho người dân trong vụ đông xuân sắp tới, về lâu dài, hệ thống kinh mương, đập dâng trên địa bàn cần được đầu tư nâng cấp, xây mới với kinh phí dự kiến khoảng 3,5 tỷ đồng. Số tiền này quá lớn, ngoài khả năng của địa phương.

Từng bước đầu tư

Theo Công ty Thủy lợi, A Lưới là huyện miền núi có nhiều công trình thủy lợi như đập dâng, hồ chứa nước và kênh mương phục vụ tưới cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện được giao Công ty Thủy lợi quản lý, vận hành, khai thác. Do địa hình đồi núi dốc và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên vào mùa khô lượng mưa bị suy giảm mạnh dẫn đến nguồn nước ở các khe, suối tại các công trình đập dâng thủy lợi rất khan hiếm. Vào mùa mưa do ảnh hưởng của các đợt thiên tai đã làm cho các công trình thủy lợi thường xuyên bị hư hỏng và xuống cấp.

Ông Dương Đức Hoài Khánh, Giám đốc Công ty Thủy lợi cho biết, trước những hư hỏng, thiệt hại do thiên tai gây ra, hàng năm bằng các nguồn vốn khác nhau như nguồn ngân sách của tỉnh, huyện, nguồn vốn khắc phục lụt bão, nguồn vốn sự nghiệp nông - lâm - thủy lợi - thủy sản và nguồn vốn tự chủ, công ty đã nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng xuống cấp nặng để đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho các diện tích nông nghiệp trên địa bàn huyện A Lưới.

Trong hai năm 2020 - 2023, UBND tỉnh (nay là thành phố Huế) đã phê duyệt các dự án đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi ở A Lưới bao gồm 7 hạng mục: Công trình đập dâng A Bả, xã Hương Nguyên, đập dâng Pa Lanh 1 xã Trung Sơn, đập dâng A So 3 xã Lâm Đớt, đập dâng Y Lét, xã A Roàng, đập dâng A Đớt 2, xã Lâm Đớt, đập dâng Tà Riềng xã Trung Sơn và trạm bơm Điền Sơn, xã Sơn Thủy, với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Đến nay, các công trình này đã thi công hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng.

Hiên nay, Công ty Thủy lợi đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư dự án cấp nước sản xuất cho khu tái định cư thủy điện A Lưới, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện.

Để hạn chế những hư hỏng tiếp theo, UBND tỉnh đề nghị UBND huyện A Lưới phối hợp với Công ty Thủy lợi chủ động kiểm tra, rà soát và bố trí kinh phí để đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các công trình trên địa bàn huyện nhằm ổn định sản xuất, đảm bảo cuộc sống của người dân.

Năm 2023-2024, sau các đợt mưa lũ, huyện A Lưới tập trung ưu tiên nguồn lực khôi phục sản xuất, sửa chữa các cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Theo đó, đã khắc phục diện tích ruộng bị bồi lấp 8,3 ha. Hỗ trợ khắc phục tạm công trình thủy lợi xã A Roàng với kinh phí 3 tỷ đồng. Chống sạt lở dòng suối thôn La Bạch, xã Lâm Đớt, với chiều dài gần 1km, kinh phí 500 triệu đồng. Sửa chữa, khắc phục hồ chứa nước thôn Quảng Lộc, xã Sơn Thủy, kinh phí 800 triệu đồng và làm đường vào khu sản xuất Rơm Môm, xã Đông Sơn, kinh phí 500 triệu đồng…

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/khac-phuc-thuy-loi-on-dinh-san-xuat-149691.html
Zalo