Khắc phục sạt lở nghiêm trọng đường Hồ Chí Minh qua huyện A Lưới
Mưa lớn kéo dài khiến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Hương Nguyên và một số nơi tại huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Mưa lớn còn gây sạt lở đường, bồi lấp ruộng, cuốn trôi nhiều gia súc, gia cầm tại A Lưới. Chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả do mưa lũ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ đêm 17 đến đêm ngày 18/10 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, trong đó có huyện A Lưới. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh dự báo trong ngày 18/10 nước trên sông Bồ đã đạt báo động 3 là +4,5m và nước trên sông Hương đạt báo động 2 là +2m.
Sạt lở trên tuyến Hồ Chí Minh qua Hương Nguyên
Chiều 18/10, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã gây sạt lở nghiêm trọng tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Hương Nguyên, khiến giao thông trên tuyến nối với huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) bị tắc nghẽn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, do ảnh hưởng đợt mưa lớn trên diện rộng và ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện A Lưới đã có mưa vừa đến mưa to; lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 17/10 đến 10 giờ ngày 18/10, tại A Lưới lượng mưa từ 80-160mm.
Đặc biệt, do ảnh hưởng mưa lớn nên sáng 18/10, tại km 392 +100 trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua thôn Mu Rú Ta Rá, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới (cách Đồn Biên phòng Hương Nguyên 700m về phía tỉnh Quảng Nam) đã xảy ra sạt lở đất đá, khoảng 6.300m3 đất đá tràn xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông.
Ngay sau khi nhận tin báo, Công an huyện A Lưới đã chỉ đạo Đội Cảnh sát giao thông và Công an xã Hương Nguyên chốt chặn, đặt cảnh báo, đồng thời liên hệ Công an huyện Tây Giang thông báo người dân tạm thời không lưu thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Quảng Nam ra.
Ngay trong sáng cùng, Văn phòng Quản lý đường bộ II.5 (Bộ Giao thông vận tải) đã phối hợp với Văn phòng Quản lý đường bộ III.1 phân luồng, điều tiết giao thông, bảo đảm an toàn trên tuyến đường Hồ Chí Minh.
Văn phòng Quản lý đường bộ II.5 cũng đã chỉ đạo Hạt quản lý đường bộ và các lực lượng liên quan tiến hành điều phương tiện, nhân lực khẩn trương khắc phục sạt lở ngay trong ngày. Đồng thời, Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng Đường bộ Thừa Thiên Huế đã bố trí lực lượng khắc phục, phân luồng tại km346+700 điều tiết, bảo đảm an toàn giao thông.
Sạt lở đất, bồi lấp ruộng, gia súc cuốn trôi
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện A Lưới cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện đã có mưa lớn gây sạt lở đất đá, bồi lấp ruộng, cuốn trôi nhiều gia súc, gia cầm.
Ngoài sạt lở đất đá trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tại xã A Roàng (huyện A Lưới), nhiều khu vực bị sạt trượt đã bồi lấp hơn 4,7 ha ruộng (thiệt hại trên 70%); cuốn trôi 18 con gia súc và nhiều gia cầm của người dân. Chính quyền địa phương cũng đã di dời 2 hộ dân với 11 nhân khẩu vùng có nguy cơ sạt lở đất tại thôn Achi - Hương Sơn (xã A Roàng) đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, một đập thủy lợi kè hướng dòng nước chảy tại xã Lâm đớt (A Lưới) cũng có bị hư hỏng hai vai đập với khối lượng khoảng 50 m3 đất. Tại xã Hồng Thủy, tuyến đường giao thông nội thôn Tru Bỉ nhánh 2 đã bị sạt lở 5 điểm. Chính quyền đã đặt biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân trong khu vực.
Theo Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện huyện A Lưới Văn Lập, huyện đã rà soát phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, ven sông suối, cửa sông nhằm di dời đến nơi an toàn.
“Triển khai phương án ứng phó với mưa lớn theo phương châm “4 tại chỗ” và cử cán bộ đi kiểm tra thực tế, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó tại các địa phương. Đồng thời, dự trữ lương thực, hàng hóa thiết yếu nhằm ứng phó với mưa lũ”, ông Lập cho biết.
Chủ động ứng phó vùng áp thấp gây mưa lớn
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, dự báo trên đất liền trên đất liền từ chiều ngày 18/10 đến ngày mai 19/10, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 60-180mm, có nơi trên 200mm, từ chiều ngày 19/10 mưa có xu hướng giảm dần, nhưng cục bộ vẫn còn có mưa vừa, mưa to. Trưa cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã thông báo cho học sinh trong toàn tỉnh nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Từ chiều ngày 18/10 đến ngày mai 19/10, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 60-180mm, có nơi trên 200mm.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, cũng trong ngày 18/10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra Công điện về việc chủ động phòng, ngừa, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
Công điện yêu cầu: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, phân công lãnh đạo xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
Các địa phương kiên quyết tổ chức sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt (chú ý ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu…); Triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế đồng thời chỉ đạo, kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an toàn trong thiên tai, khắc phục tình trạng ngập úng đô thị khi mưa lớn; Chỉ đạo lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt; cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt; quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông; nghiêm cấm người dân đi vào rừng khi có mưa lũ…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế rà soát, cập nhật phương án phòng, chống thiên tai ngành giáo dục và đào tạo; chỉ đạo các trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế mưa lũ tại địa phương để cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên và giáo viên khi có thiên tai xảy ra...
Để bảo đảm an toàn đập và hạ du, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các Lệnh điều chỉnh vận hành các hồ chứa thủy điện Hương Điền, Bình Điền và Tả Trạch.
Theo đó, tại hồ chứa thủy điện Hương Điền, thực hiện điều chỉnh tăng lưu lượng qua tràn và tua bin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến để duy trì lưu lượng khoảng từ 1.100-2.000 m3/s từ 6 giờ sáng 18/10. Tại hồ chứa thủy điện Bình Điền, thực hiện tăng lưu lượng vận hành điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 250 - 600m3/s từ 8 giờ. Tại hồ chứa Tả Trạch, điều chỉnh tăng lưu lượng vận hành điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 400 - 900m3/s; thời bắt đầu từ 10 giờ sáng 18/10.
Một số hình ảnh về tình hình mưa lũ, sạt lở đất và công tác ứng phó tại Thừa Thiên Huế: