Khắc phục hư hỏng trên các tuyến giao thông do ảnh hưởng của mưa bão
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của mưa bão, nhất là do hoàn lưu gây mưa lớn của bão số 3 (Yagi), toàn tỉnh có 439 vị trí sạt lở taluy dương, khối lượng sạt lở hơn 68.000m3, sạt lở taluy âm 55 vị trí với tổng chiều dài 965m, 2 cầu hư hỏng, 21 ngầm tràn bị ngập… Việc khắc phục hư hỏng trên các tuyến giao thông đang được đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo lưu thông an toàn cho người dân.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của mưa bão, nhất là do hoàn lưu gây mưa lớn của bão số 3 (Yagi), toàn tỉnh có 439 vị trí sạt lở taluy dương, khối lượng sạt lở hơn 68.000m3, sạt lở taluy âm 55 vị trí với tổng chiều dài 965m, 2 cầu hư hỏng, 21 ngầm tràn bị ngập… Việc khắc phục hư hỏng trên các tuyến giao thông đang được đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo lưu thông an toàn cho người dân.
Vị trí sạt lở nguy hiểm trên quốc lộ 70B đoạn đi qua xóm Bún, xã Yên Mông, TP Hòa Bình (ảnh chụp sáng 30/10/2024).
Quốc lộ 70B nối tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ đoạn qua xóm Bún (xã Yên Mông, TP Hòa Bình) dài khoảng 3km, hiện có 2 vị trí sạt lở rất nguy hiểm. Một vị trí nền đường đãsụt lún, đứt gãy; một vị trí đã sạt lởvào trong nền đường tạo hố sâu nguy hiểm. Các vị trí sạt lở đều được chăng dây cảnh báo, tuy nhiên với lượng phương tiện lưu thông đông, lòng đường hẹp, chưa có đèn chiếu sáng ban đêm nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Đường tỉnh 433 đoạn từ TP Hòa Bình đi thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) cũng có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Mặc dù ngành GTVT đã triển khai các biện pháp khắc phục, xử lý, nhưng theo quan sát, đến sáng 30/10 vẫn còn các điểm sạt lở chưa được xử lý dứt điểm, đất, đá còn tràn ra gần giữa đường. Các tuyến đường liên xã của huyện Đà Bắc cũng còn nhiều điểm đất, đá sạt lở làm thu hẹp lòng đường, ảnh hưởng đến việc lưu thông cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Trên các tuyến đường huyết mạch nối giữa Hòa Bình và Hà Nội, sau bão số 3, trên QL6 (tại Km38+00, Km70+ 932) và đường Hòa Lạc - Hòa Bình (tại Km6+680, Km30+275) có các điểm hư hỏng, sạt lở đã được kịp thời khắc phục. Hiện vị trí sạt lở tại trạm thu phí QL6 tiếp tục được theo dõi, có phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, cũng như an toàn cho người và tài sản của trạm.
Đồng chí Vũ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Qua rà soát hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh cho thấy cấp thiết cần tiến hành lập dự án sửa chữa đột xuất, xử lý sạt lở tại Km3+300, Km5+800, Km75+750 đường tỉnh 433 từ TP Hòa Bình đi Đà Bắc, tổng kinh phí ước khoảng 30 tỷ đồng; sửa chữa điểm sạt taluy âm tại Km3+800 đường tỉnh 440 (địa phận xã Phong Phú, huyện Tân Lạc), kinh phí khoảng 5 tỷ đồng; xử lý hư hỏng mặt đường làm rãnh thoát nước trên đường tỉnh 444 và khắc phục điểm nguy cơ sạt lở tại Km16+200 đường tỉnh 448, tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng. Hiện Sở GTVT phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng phương án, trình UBND tỉnh, Bộ GTVT để sớm có thể tiến hành sửa chữa, khôi phục giao thông.
Sở GTVT đề nghị UBND các huyện, thành phố, các Ban Quản lý dự án, Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình, các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, đường thủy nội địa rà soát, kịp thời phát hiện để có phương án bảo đảm an toàn giao thông, tránh xảy ra sự cố bất ngờ đối với các công trình giao thông nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của mưa lũ, nhất là các cầu đường bộ (cầu yếu, xây dựng lâu năm), các khu vực xung yếu dễ bị sụt trượt, lở đất, đứt đường. Chủ động bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư tại khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng tổ chức cứu nạn, cứu hộ và khắc phục nhanh nhất sự cố do mưa lũ gây ra, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm.