Khắc phục hậu quả mưa bão, khôi phục sản xuất nông nghiệp
Mặc dù, bão Yagi đã đi qua, nước trên các sông cũng đã rút nhưng những thiệt hại mà bão lũ để lại trên địa bàn tỉnh ta khá nặng nề. Bão, lũ đã làm cho hàng ngàn ha lúa mùa, rau màu, cây ăn quả cùng gần 600 ha diện tích nuôi trồng thủy sản của các địa phương bị ngập nặng và có nguy cơ mất trắng. Đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân ở khu vực ngập lụt bị đảo lộn. Với quan điểm"tất cả vì người dân, vì sự phát triển của đất nước”, Hà Nam đã và đang chỉ đạo lực lượng chức năng cùng các địa phương tập trung khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất để sớm ổn định đời sống nhân dân.
Trong những ngày tác nghiệp ở những vùng lũ, nhìn những ngôi nhà, khu vườn sắp vào mùa thu hoạch, những chuồng trại chăn nuôi, những ao, hồ, đầm nuôi trồng thủy sản ngập chìm trong biển nước; bắt gặp những ánh mắt lo âu của người nông dân khi di dời đồ đạc, tài sản và những con vật nuôi ra khỏi vùng lũ... chúng tôi cảm nhận được phần nào những thiệt hại, mất mát của người dân khi nước lũ tràn về. Đi dọc vùng bãi sông Hồng những ngày sau lũ, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân thau dọn nhà cửa, sửa chữa chuồng trại chăn nuôi, chuẩn bị đón đàn vật nuôi về. Mặc dù, luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp, của lực lượng chức năng và của cả cộng đồng nhưng nỗi lo dường như vẫn hằn sâu trên khuôn mặt những người dân vùng lũ. Bởi bao công sức và tiền của bỏ ra trong phút chốc trôi ra sông, ra biển, ai mà không xót xa cho được!
Trao đổi với phóng viên về những ảnh hưởng của bão số 3 đối với sản xuất và đời sống của nhân dân khi trực tiếp chỉ đạo ứng phó với mưa lũ tại những vùng trọng điểm dọc tuyến sông Hồng thuộc địa phận quản lý, ông Nguyễn Đức Nhương, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân cho biết: Toàn huyện Lý Nhân có 937 hộ ven sông Hồng và sông Châu bị ngập khi nước lũ lên cao. Hầu hết, số hộ có nhà bị ngập sâu (tổng số 121 hộ, 368 khẩu thuộc các xã Phú Phúc, Nhân Thịnh, Chân Lý, Văn Lý, Hợp Lý, Chính Lý, Nguyên Lý, Trần Hưng Đạo, Hòa Hậu-PV), đã được chính quyền địa phương và các ngành chức năng vận động và hỗ trợ di dời cả người, tài sản đến nơi an toàn. Tuy nhiên, do mực nước sông Hồng lên cao trên báo động 3 nên 200 ha cây màu ven sông Hồng, sông Châu đã bị ngập; 373 ha bị ngập sâu do nằm ngoài đê; 450 ha ao nuôi thủy sản ngoài đê bị thiệt hại 100% và trên 300 lồng bè nuôi cá trên sông Hồng cũng bị ảnh hưởng. Riêng xã Nhân Thịnh có gần 30 ha cây ăn quả (chuối, bưởi, ổi, đu đủ…) bị ngập; gần 87 ha ao nuôi thủy sản bị ngập, tràn bờ thiệt hại 100%...
Đối với Công ty cổ phần nông nghiệp Nam Sông Hồng - một trong những doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản lớn nhất huyện Lý Nhân, bình quân mỗi năm thu hoạch khoảng 300 tấn cá các loại, trong trận lũ vừa qua, toàn bộ diện tích 20ha nuôi thủy sản của đơn vị cũng bị ngập trắng. Nhìn công sức bao năm đổ xuống sông, xuống biển, anh Bùi Văn Tùng, Giám đốc công ty không khỏi xót xa: Nước lũ sông Hồng lên nhanh và cao quá nên việc ứng phó bảo vệ sản xuất cũng chỉ thực hiện được phần nào. Khu đầm có 4 bể nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”, diện tích còn lại chủ yếu nuôi chuyên canh cá trắm đen có tổng sản lượng khoảng 230 tấn và các loại cá khác hơn 70 tấn (diêu hồng, chép koi, ngạnh-PV). Trước khi lũ lên, đơn vị đã dùng các biện pháp che chắn nhưng chỉ được phần nào, khả năng thất thoát cá ra sông là rất lớn. Để giảm bớt thiệt hại, trong những ngày nước ngập, chúng tôi vẫn tổ chức cho cá trong khu vực nuôi ăn để cá không đi nơi khác tìm thức ăn. Ước tính lượng cá thất thoát khoảng 100 tấn, bằng hơn 30% tổng lượng cá nuôi, thiệt hại ước khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Trong lũ, toàn bộ 4,5 ha chuyên sản xuất rau, hoa và cây cảnh: mai, đào, các loại hồng... của Hợp tác xã (HTX) nông sản an toàn Liên Hiệp (Thi Sơn, Kim Bảng) vẫn bị ngập hoàn toàn trong nước và có nguy cơ bị thiệt hại 100%. Vừa chèo bè đưa chúng tôi ra khu cây trồng bị ngập, anh Phạm Hoàng Hiệp, Giám đốc HTX nông sản an toàn Liên Hiệp vừa chia sẻ: Toàn bộ diện tích sản xuất của HTX bị ngập trong nước lũ nhiều ngày nên chắc chắn các cây trồng đều bị hỏng. Không những thế, lũ lụt còn làm cho sản xuất bị chậm thời vụ khoảng 20 ngày, nguồn cung rau xanh theo hợp đồng cho các bếp ăn tập thể bị gián đoạn. Ngoài thiệt hại về cây trồng, hơn 1.000 m2 nhà lưới của HTX cũng đã bị đổ. Tính sơ bộ, tổng thiệt hại của HTX ước lên đến hơn 1,2 tỷ đồng.
Chia sẻ cảm xúc của anh Tùng, anh Hiệp cùng nhiều hộ dân trong tỉnh, mới hiểu vì sao việc kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam thời gian qua lại khó đến vậy. Bởi sản xuất nông nghiệp là một lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, rủi ro cao nhưng lợi nhuận lại thấp.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến 14 giờ ngày 13/9/2024, những thiệt hại do mưa, bão, lũ gây ra trong trên địa bàn tỉnh rất nặng nề; đặc biệt, là đối với sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh có trên 6.200 ha lúa; 882,73 ha hoa màu; 758,7 ha cây ăn quả; gần 600 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; 362 lồng nuôi cá trên sông Hồng bị thiệt hại, với số tiền ước tính khoảng 430 tỷ đồng. Ngoài những thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, đời sống của 836 hộ dân ở vùng ngập lụt phải di dời cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nhiều công trình cơ sở hạ tầng như điện, viễn thông, nước sạch... bị gãy đổ, hư hỏng nặng, ước thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.
Ngay sau khi lũ trên sông Hồng đã rút xuống dưới báo động I; trên sông Đáy, tuy chậm nhưng nước lũ cũng đã rút, nhiều trạm bơm phải ngừng vận hành khi lũ trên các sông dâng cao đã vận hành tiêu úng, các địa phương và người dân bắt đầu khôi phục lại sản xuất và từng bước ổn định đời sống. Trên vùng bãi ven sông Hồng, các hộ dân bị ngập đã quay trở lại dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống. Nhiều trang trại chăn nuôi, thủy sản đã có những hoạt động khôi phục lại sản xuất. Tại khu chăn nuôi bò sữa tập trung xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên) khi nước lũ dâng, hơn 1.200 con bò sữa được di dời lên vùng cao hoặc đưa vào trong đê. Khi nước lũ trên sông Hồng rút, các hộ chăn nuôi quay lại dọn dẹp, khử trùng tiêu độc chuồng trại, đưa bò sữa về. Tuy nhiên, do lượng thức ăn xanh đều bị hỏng vì lũ ngập, khi đưa bò về người dân đang phải loay hoay tìm nguồn cung để duy trì chăn nuôi. Ông Tống Văn Bính, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Mộc Bắc cho biết: Lũ trên sông Hồng đã gây thiệt hại và khó khăn rất lớn cho cả trồng trọt, chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi bò sữa. Hiện nay, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, HTX dịch vụ nông nghiệp và người dân đang cố gắng, nỗ lực bằng nhiều biện pháp để ổn định nhanh nhất sản xuất...
Tại Công ty cổ phần nông nghiệp Nam Sông Hồng, xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân) ngay khi lũ rút đã chủ động mở thêm một số cống thoát nhanh nước ra sông. Đồng thời, tái thiết, lắp đặt lại hệ thống điện hư hỏng do ngập chìm trong lũ, nhất là các máy tạo oxi, máy bắn thức ăn và vận hành lại các bể nuôi theo công nghệ “sông trong ao”. Theo ông Bùi Văn Tùng, đơn vị đang cố gắng chạy đua với thời gian, dồn mọi nguồn lực để khôi phục lại sản xuất. Đây là cách tốt nhất để bù vào thiệt hại do bão, lũ gây ra. Nếu theo đúng dự tính mức thiệt hại, lượng cá của doanh nghiệp vẫn còn khoảng 200 tấn trắm đen và một số loại khác để xuất bán vào dịp cuối năm.
Cũng như anh Tùng, hiện anh Phạm Hoàng Hiệp, Giám đốc HTX nông sản an toàn Liên Hiệp cũng đã lên phương án phục hồi sản xuất ngay sau khi nước rút. Anh Hiệp chia sẻ: Sản xuất nông nghiệp là thế, đầu tư lớn, lợi nhuận thấp, rủi ro nhiều. Trận lũ vừa qua đã cuốn trôi bao nhiêu tâm huyết gây dựng trong nhiều năm của tôi. Chuyển hướng sang lĩnh vực khác, ít rủi ro hơn hay tiếp tục gắn bó với nông nghiệp? Đó là vấn đề tôi trăn trở nhiều ngày qua. Nhưng có lẽ, tôi vẫn chọn nông nghiệp vì đó là duyên nợ rồi. Vẫn biết, phía trước còn rất nhiều khó khăn, thiên tai, dịch họa luôn rình rập, nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp và với một tâm thế sẵn sàng cho một vụ sản xuất mới, tin rằng, những người làm nông như chúng tôi sẽ sớm vượt qua khó khăn, vững vàng đứng lên sau bão, lũ.
Theo báo cáo của các địa phương, những ngày qua, cùng với việc khôi phục sản xuất ở vùng bãi, sản xuất trong đồng cũng đang được người dân khẩn trương tiến hành sau bão và ngập úng. Tại các xã của huyện Kim Bảng, nông dân tranh thủ những ngày thời tiết tạnh ráo, khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, tránh để lúa có thể mọc mầm do bị đổ, ngâm nước lâu ngày. Một số vùng trồng rau trên đất bãi đã bắt đầu triển khai làm đất, gieo trồng lứa rau mới...
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngay sau khi nước trên các sông rút, cùng với việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của mưa lũ, các địa phương trong tỉnh đã tập trung huy động lực lượng khẩn trương triển khai tổng vệ sinh môi trường khu dân cư, tháo dỡ, di dời đất, bao cát đắp chống tràn tại các điểm xảy ra sự cố. Tại xã Nhân Thịnh, Lý Nhân, ngay từ khi nước sông Hồng rút, 2 thôn nằm trong bối Nhân Long đã huy động người dân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm. UBND xã cấp 40 lít hóa chất để thôn và người dân phun khử trùng tiêu độc môi trường, chuồng trại chăn nuôi. Xã huy động 2 máy xúc thu dọn đất đắp chống tràn trên bối, bảo đảm giao thông thông thoáng, thuận lợi… Ông Nguyễn Duy Hiển, Chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh cho biết: Sau bão, lũ, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực, phương tiện khôi phục, sản xuất của người dân vùng ngoài đê sông Hồng, giúp các hộ dân nhanh chóng ổn định lại đời sống.
Là một trong những huyện bị ảnh hưởng nặng do mưa, lũ, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Thanh Liêm đã nêu cao trách nhiệm, sát cánh cùng với nhân dân vùng bị ngập lụt khắc phục khó khăn, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại. Ông Đào Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm cho biết, tính đến ngày 15/9, hầu hết các xã nằm ở vùng Tây Đáy của Thanh Liêm vẫn bị ngập sâu trong nước. Vì vậy, những ngày qua, cùng với việc hỗ trợ và tiếp nhận hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ bà con vùng lũ, UBND huyện Thanh Liêm cũng chỉ đạo các địa phương sớm rà soát, thống kê thiệt hại; xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ kịp thời cho người dân khắc phục thiệt hại sau lũ theo đúng quy định. Đồng thời, huy động toàn bộ lực lượng bơm tiêu úng trên địa bàn khi cần thiết, giảm thiểu tối đa những thiệt hại về tài sản cho nhà nước và nhân dân...
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến về hậu quả thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra; các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh sau bão, được tổ chức sáng 15/9 vừa qua, nhiều giải pháp cấp bách đã được các địa phương trong tỉnh triển khai, thực hiện. Theo đó, để tập trung huy động mọi lực lượng, các phương tiện máy móc để bơm tiêu úng cho lúa và hoa màu nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngập úng, chỉ đạo, vận động bà con tranh thủ thu hoạch các diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất; hướng dẫn người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại, vùng nuôi, bảo đảm an toàn vật nuôi; kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh sau bão, mưa lũ.
Với quyết tâm sớm khắc phục những thiệt hại sau bão, mưa, lũ, ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân vùng lũ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy đã yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác những thiệt hại; thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ người dân theo đúng hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và quy định của pháp luật. Về phía các ngành chức năng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo, cần sớm rà soát, kiểm tra và xử lý khắc phục các hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều để bảo đảm an toàn công trình; tập trung sửa chữa, khôi phục hệ thống điện, viễn thông tại những nơi xảy ra sự cố, bảo đảm cấp điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt tiếp tục phát huy vai trò “điểm tựa”, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực ưu tiên cho nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục sản xuất và kinh doanh trên địa bàn, nhất là đối với những địa phương nằm trong vùng bị ảnh hưởng nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân...
Theo dự báo, thời gian tới, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, để bảo đảm an toàn hệ thống đê kè, bối, tính mạng của nhân dân và tài sản của Nhà nước, bên cạnh phát huy nguồn nội lực, tỉnh rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương để tiếp tục thực hiện kiên cố hóa hệ thống đê, kè, bối trên địa bàn, nhất là đối với những tuyến đê và công trình trọng điểm trong phòng chống lụt bão, như: tuyến đê sông Hồng, cống âu thuyền Tắc Giang; hệ thống bối, kè trên sông Hồng và hệ thống kè, bối trên sông Đáy (đoạn kè tả Đáy từ cầu Đọ Xá đến cầu Kiện Khê và đoạn kè hữu Đáy từ cầu Châu Sơn đến cầu Đọ Xá...) và nâng cấp một số trạm bơm tiêu để nâng cao năng lực tiêu thoát nước phục vụ dân sinh, sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp.
Tin rằng, với sự chủ động của người dân, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng hành của các ngành chức năng, sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Hà Nam sẽ sớm khắc phục được hậu quả của bão, lũ, ổn định sản xuất và đời sống, tạo đà thực hiện hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2024.
Thực hiện: Minh Thu – Mạnh Hùng
Thiết kế: Đức Huy
www.baohanam.com.vn
1785
05:27 30/09/2024
bình luận