Khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra với hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ sau bão số 3, các Cảng vụ hàng hải chỉ đạo các cảng/bến cảng trong khu vực quản lý tăng cường rà soát, kiểm tra kết cấu hạ tầng cảng biển để có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và trang thiết bị.
Cục Hàng hải Việt Nam vừa có công điện gửi các đươn vị trong ngành đề nghị chủ động phòng chống tác động của hoàn lưu bão số 3.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 3, nhiều tỉnh miền Bắc có mưa to đến rất to.
Nhiều sông suối trên địa bàn các tỉnh nước dâng cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu.
Ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng - Thái Bình.
Ngày và đêm 10/9, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, khu vực Bắc, Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2.0m. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.
Để chủ động phòng chống tác động của hoàn lưu bão số 3, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các Cảng vụ hàng hải phối hợp với Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải và các cơ quan, đơn vị có liên quan tại khu vực quản lý tăng cường công tác kiểm tra phao, luồng, phát hiện kịp thời những đoạn ách tách luồng để triển khai kịp thời các biện pháp điều phối bảo đảm giao thông thông suốt.
Kịp thời thu hồi hoặc thay thế/khôi phục báo hiệu hàng hải bị hư hỏng để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên luồng. Cảnh báo cho tàu thuyền đi qua khu vực có thời tiết nguy hiểm nêu trên được biết để có biện pháp phòng tránh.
Các Cảng vụ hàng hải chỉ đạo các cảng/bến cảng trong khu vực quản lý tăng cường rà soát, kiểm tra kết cấu hạ tầng cảng biển (cầu cảng, hệ thống báo hiệu, cơ sở hậu cần sau cảng …), để có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và trang thiết bị của cảng cũng như tàu thuyền ra vào.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề nghị các Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các Cảng vụ hàng hải tại địa phương trong công tác đảm bảo an toàn giao thông hàng hải, bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.
Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc kịp thời ra thông báo các khu vực xuất hiện chướng ngại vật đột xuất, ảnh hưởng đến lưu thông phương tiện trên luồng.
Kịp thời công bố thông báo luồng về sự thay đổi của tuyến luồng tại các khu vực xảy ra sự cố, tuyến luồng có thay đổi lớn.
Đặc biệt Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực duy trì lực lượng và phương tiện để sẵn sàng tham gia PCTT&TKCN khi có yêu cầu.
Cho đến thời điểm 11h ngày 10/9, các phương tiện của ngành hàng hải vẫn đang phối hợp với các lực lượng liên quan khẩn trương triển khai tìm kiếm cứu nạn người và phương tiện còn đang mất tích (trong đó có 6 thuyền viên tàu lai Hồng Gai).
Đối với Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam tiếp tục duy trì công tác trực 24/7, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, phát quảng bá thông tin về an toàn hàng hải khi có yêu cầu.