Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Vĩnh Phúc không phải là địa phương chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn từ bom, mìn, vật liệu nổ. Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang tỉnh đã nỗ lực thực hiện tốt công tác rà phá bom, mìn, thu gom vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, góp phần đảm bảo an toàn cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Lực lượng công binh Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh gói buộc thuốc để kích nổ quả bom còn sót lại sau chiến tranh phát hiện ở xã Bạch Lưu (Sông Lô).

Lực lượng công binh Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh gói buộc thuốc để kích nổ quả bom còn sót lại sau chiến tranh phát hiện ở xã Bạch Lưu (Sông Lô).

Vĩnh Phúc tuy không phải là địa phương chịu hậu quả nặng nề của bom, mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh, nhưng qua rà soát trên địa bàn tỉnh có một số địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn từ bom, mìn, vật liệu nổ như: Sông Lô, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Đảo, Khai Quang (Vĩnh Yên).

Khắc phục hậu quả bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài nhằm bảo vệ an toàn cho nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai chặt chẽ công tác này.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; về phòng, tránh tai nạn do bom, mìn, vật liệu nổ gây ra.

Từ đó, nâng cao nhận thức của toàn dân về tác hại của tai nạn bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh và có ý thức tự giác trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện bom, mìn, vật liệu nổ, không tự ý vận chuyển, xê dịch, cất giữ hay tác động đến bom, mìn, vật liệu nổ.

Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về quốc phòng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thường xuyên phối hơp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác khắc phục hậu quả bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương thẩm định hạng mục rà phá bom, mìn theo quy định khi thực hiện xem xét dự án đầu tư xây dựng có sử dụng đất trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật liệu nổ là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nguy hiểm. Do đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thống nhất về nhận thức cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ này để có ý chí quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn cho các đối tượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật liệu nổ; trang bị máy rà phá bom mìn thế hệ mới như Valong VMH3, Valong VMH2… và nhiều thiết bị khác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ trong tình hình mới.

Từ năm 2024 đến nay, Ban Công binh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã thu gom gần 1.000 kg vật liệu nổ thuộc địa bàn các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường; hướng dẫn vận chuyển và hủy nổ thành công 3 quả bom còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn huyện Sông Lô và Tam Đảo; xử lý 46,2 kg thuốc nổ công nghiệp của Công ty cổ phần khai thác khoáng sản xuất nhập khẩu Vĩnh Phúc do chôn, lấp từ lâu.

Đồng thời phối hợp với các đơn vị tham gia dò mìn và bảo đảm an toàn cho các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm và làm việc tại Vĩnh Phúc; phối hợp với các huyện, thành phố bảo đảm an toàn các ngày lễ, Tết, sự kiện văn hóa lớn của địa phương.

Trung tá Đào Tuấn Hưng, Ban Công binh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết: Nhờ công tác tuyên truyền nên nhận thức của phần lớn người dân về phòng, tránh tai nạn bom, mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh được nâng cao, người dân có ý thức tự giác báo cáo chính quyền địa phương khi phát hiện bom, mìn, vật liệu nổ.

Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn hiện nay lại tiềm ẩn ở một bộ phận giới trẻ khi tự ý chế tạo pháo nổ bằng các hóa chất mua tràn lan trên mạng xã hội. Các thanh, thiếu niên tự chế pháo nổ vì sự tò mò nhưng không lường trước được mối nguy hiểm, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với bản thân và những người xung quanh.

Để phòng tránh tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra và khắc phục hậu quả bom, mìn, vật liệu nổ, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh tiếp tục rà soát, quản lý chặt chẽ và tăng cường xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến bom, mìn, vật liệu nổ, đảm bảo an toàn cho nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: Bình Duyên

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/126238//khac-phuc-hau-qua-bom-min-sau-chien-tranh
Zalo