Khắc phục hạ tầng, ngăn ngừa TNGT đường sắt địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế

Sau khi xảy ra nhiều vụ TNGT trật bánh đầu máy, toa xe các đoàn tàu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế), đơn vị quản lý tuyến đường sắt, nhà thầu thi công đang nỗ lực khắc phục, sửa chữa, ngăn ngừa tai nạn tiếp tục xảy ra, đảm bảo ATGT.

Hiện trường vụ TNGT đường sắt tối ngày 28/9/2024 tại khu gian Lăng Cô - Thừa Lưu, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Hiện trường vụ TNGT đường sắt tối ngày 28/9/2024 tại khu gian Lăng Cô - Thừa Lưu, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Nhận diện nguyên nhân

Trong vòng 2 tháng (từ 28/7 - 28/9/2024), trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Thừa Thiên - Huế xảy ra liên tiếp 6 vụ TNGT đường sắt. Cụ thể, ngày 28/7, tàu SE11 xảy ra tai nạn tại Km755+427,45 khu gian ga Lăng Cô; ngày 7/8, tàu SE2 gặp nạn tại Km725+318,5 thuộc khu gian Cầu Hai - Truồi; ngày 31/8, tàu SE2 tiếp tục gặp tai nạn tại Km755+419,594 thuộc khu gian ga Lăng Cô; ngày 15/9, TNGT xảy ra đối với tàu SE6 tại Km751+620 thuộc khu gian Lăng Cô - Thừa Lưu. Đáng nói, trong ngày 28/9, tại khu gian Lăng Cô - Thừa Lưu xảy ra liên tiếp 2 vụ TNGT đối với tàu H16 và AH1.

Theo Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên - Huế, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài 111,1 km, do hai đơn vị quản lý là Công ty Cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên (quản lý cung đường dài 101,1 km) và Công ty CP Đường sắt Đà Nẵng - Quảng Nam (quản lý cung đường dài 10 km).

Đoạn tuyến đường sắt đi qua địa bàn huyện Phú Lộc, đặc biệt là khu gian Thừa Lưu - Lăng Cô là khu vực có địa hình đồi núi, có nhiều đường cong bán kính nhỏ, trái chiều liên tiếp nhau. Ngoài ra, tại ga Lăng Cô có các bộ ghi cũ, tang ghi lớn, chiều dài ghi ngắn (ghi N10 ga Lăng Cô).

Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định, các vụ TNGT trật bánh đầu máy, toa xe các đoàn tàu xảy ra vừa qua mặc dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chắc chắn phải có nguyên nhân cụ thể. Do đó, Ban ATGT tỉnh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam quan tâm, xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm giải quyết vấn đề trên nhằm đảm bảo ATGT đường sắt.

Các vụ TNGT này đều xảy ra trên đoạn, tuyến đường sắt do Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên quản lý, duy tu, bảo dưỡng. Hiện nay, 6 vụ tai nạn đường sắt này đã được ngành Đường sắt kết luận nguyên nhân.

Trong báo cáo kết luận về vụ tàu SE11 trật bánh tại ga Lăng Cô ngày 28/7, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xác định nguyên nhân là do thông số kỹ thuật của toa 31490 không đảm bảo tiêu chuẩn (chênh lệch lò xo, van DP3). Khi tàu chạy ở tốc độ thấp làm bánh xe dẫn hướng bên trái bị thoát tải leo ray gây trật bánh.

Hình ảnh hiện trường các vụ TNGT đường sắt xảy ra tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế từ ngày 28/7 - 28/9/2024

Hình ảnh hiện trường các vụ TNGT đường sắt xảy ra tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế từ ngày 28/7 - 28/9/2024

Ngày 7/8, tàu SE2 trật bánh tại khu vực giữa ga Cầu Hai - Truồi, nguyên nhân được hội đồng kết luận do thông số kỹ thuật của toa xe không đảm bảo tiêu chuẩn. Lý giải lý do tại sao tàu này trật bánh kéo dài đến 4,3 km, kết luận cho rằng nhân viên đoàn tàu không kịp thời phát hiện. Cũng như lần trước, trách nhiệm do lỗi của Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội.

Còn vụ tàu SE2 trật bánh tại ga Lăng Cô ngày 31/8, hội đồng kết luận do cộng hưởng các yếu tố bất lợi của chủng loại toa xe và loại ghi (chuyển hướng tàu) cũ, lạc hậu. Kết luận lần này chỉ yêu cầu các đơn vị tự khắc phục thiệt hại do vụ tai nạn gây ra.

Trong vụ tàu SE6 trật bánh tại khu vực Lăng Cô - Thừa Lưu ngày 15/9, hội đồng kết luận do cộng hưởng các yếu tố lỗi của đường và toa tàu. Lần này, Công ty Cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên tự khắc phục thiệt hại về cầu, đường và chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ các chi phí phát sinh. Còn Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội tự khắc phục hư hỏng toa xe.

Còn hai vụ tàu hàng H16 và tàu hàng AH1 trật bánh tại ga Thừa Lưu - Lăng Cô vào ngày 28/9 được xác định nguyên nhân là do đơn vị thi công - Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên thi công đường không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định; thiết kế siêu cao vượt quá TCCS 07:2022/VNRA, phụ kiện liên kết giữa ray cơ bản (ray P50) và ray chống trật bánh (P43 cũ sử dụng lại) không đúng, khe hở ray chống trật bánh lớn quá quy định và mặt đỉnh ray chống trật bánh so với mặt đỉnh ray cơ bản thấp quá quy định (ray chống trật bánh không có tác dụng) dẫn đến bánh xe vẫn leo lên ray gây trật bánh.

Đơn vị quản lý, nhà thầu thi công sửa chữa đoạn tuyến đường sắt qua huyện Phú Lộc đang nỗ lực khắc phục tồn tại, đảm bảo ATGT, ngăn ngừa TNGT đường sắt

Đơn vị quản lý, nhà thầu thi công sửa chữa đoạn tuyến đường sắt qua huyện Phú Lộc đang nỗ lực khắc phục tồn tại, đảm bảo ATGT, ngăn ngừa TNGT đường sắt

Khắc phục kịp thời, đảm bảo ATGT, ngăn ngừa tai nạn đường sắt

Ngay sau khi các vụ TNGT xảy ra, ngày 30/9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lập tổ công tác kiểm tra hiện trường nhằm kịp thời chỉ đạo khắc phục dứt điểm, đảm bảo tuyệt đối cho an toàn chạy tàu.

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, các vụ tàu trật bánh gần đây qua tỉnh Thừa Thiên - Huế xảy ra ở nhiều vị trí, không tập trung vào một điểm trên đường sắt. Tính chất mỗi vụ có sự khác nhau nên phải kiểm tra, đánh giá kỹ mọi yếu tố từ đường, toa xe, thiết bị trên đường ray để ngăn ngừa xảy ra trật bánh. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để rà soát, ngăn ngừa tàu trật bánh.

Ông Võ Quốc Anh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý an toàn đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam) thông tin, ngay sau khi liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đường sắt trên địa bàn huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Phòng Quản lý an toàn đường sắt đã đề nghị đơn vị quản lý tuyến, nhà thầu thi công khẩn trương khắc phục, sửa chữa hạ tầng đoạn tuyến, đảm bảo ATGT đường sắt, phòng ngừa TNGT tiếp tục xảy ra.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, điều tra giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an), đối với các vụ TNGT đường sắt ít nghiêm trọng, trật bánh đoàn tàu không gây hậu quả nghiêm trọng thì khi xảy ra ở địa bàn nào thì Công an địa phương (quận/huyện) đó điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Hoàng Kiên, Phó Trưởng Công an huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho hay, ngay sau khi xảy ra liên tiếp các vụ TNGT đường sắt qua địa bàn huyện, lãnh đạo Công an huyện Phú Lộc đã làm việc với đơn vị quản lý tuyến đường sắt (Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên), qua đó xác định những vụ TNGT xảy ra vừa rồi đều liên quan đến kỹ thuật hạ tầng và phương tiện đường sắt.

"Tuy nhiên, sau khi có đầy đủ hồ sơ liên quan đến các vụ TNGT đường sắt xảy ra vừa qua, với trách nhiệm, thẩm quyền được giao, Công an huyện Phú Lộc sẽ làm việc với Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên để có biện pháp đảm bảo ATGT, ngăn ngừa các vụ TNGT đường sắt tương tự xảy ra", Trung tá Kiên thông tin.

Đại Thắng

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/khac-phuc-ha-tang-ngan-ngua-tngt-duong-sat-dia-ban-tinh-thua-thien-hue-183241003104713975.htm
Zalo