Khắc phục 'điểm nghẽn' thể chế

Kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị quyết, bảo đảm khi được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thực thi luật đạt hiệu quả cao nhất. Đây là một trong những nội dung được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, sáng qua, (21.10).

 Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV

Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV

Thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bởi, thể chế hoàn thiện, những vướng mắc về mặt pháp luật được tháo gỡ sẽ khơi thông nguồn lực, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển và ngược lại.

Xác định tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế, trong các kỳ họp, bên cạnh công tác giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội luôn dành phần lớn thời gian cho công tác lập pháp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã thông qua 43 luật, hơn 60 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 45 nghị quyết và 3 pháp lệnh. Đây là khối lượng công việc rất lớn, thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Quốc hội đã luôn đồng hành cùng với Chính phủ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, "điểm nghẽn" về thể chế, để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật của chúng ta thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Vẫn còn xảy ra tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, điểm “vênh” trong các quy định pháp luật. Điều này dẫn đến tình trạng quy định “thông” chỗ này nhưng vẫn “tắc” chỗ kia. Cùng với đó, vẫn có các quy định pháp luật gây khó cho người dân, doanh nghiệp bởi các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết. Chính những rào cản thủ tục hành chính tạo nên chi phí không đáng có cho người dân, doanh nghiệp - đây chính là rào cản vô hình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Để tạo được hệ thống pháp luật thống nhất, chặt chẽ đòi hỏi phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật. Trong đó, phải thực hiện cho được kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng xây dựng pháp luật mà có tư tưởng “quyền anh, quyền tôi”. Muốn vậy, phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, vượt qua lợi ích bộ, ngành trong quá trình xây dựng các chính sách. Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm của cơ quan thẩm định và cơ quan thẩm tra. Kiên quyết nói không với “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng pháp luật, kiểm soát chặt để ngăn chặn tình trạng “tham nhũng chính sách”.

Trước yêu cầu đổi mới, hội nhập, trước yêu cầu của “kỷ nguyên mới”, đòi hỏi đổi mới tư duy trong quản lý, theo đó phải khắc phục cho được tình trạng “không quản được thì cấm”. Và điều này phải bắt đầu được tháo gỡ từ chính các quy định pháp luật.

Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội dành phần lớn thời gian để thảo luận về 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết, trong đó, Quốc hội xem xét, thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Đây là các dự án luật, dự thảo nghị quyết quan trọng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, nhân dân cả nước rất quan tâm, chờ đợi.

Kỳ vọng với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm sẽ được các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy trong quá trình xem xét, thảo luận với từng dự thảo luật, nghị quyết. Để luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua bảo đảm chất lượng, tháo gỡ được các "điểm nghẽn" về thể chế, tạo động lực mới cho đất nước phát triển.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khac-phuc-diem-nghen-the-che-post393943.html
Zalo