Khắc phục bất cập trong phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở

Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 13.957 học sinh lớp 9 tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) năm học 2024 - 2025.

Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 13.957 học sinh lớp 9 tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) năm học 2024 - 2025.

Theo đó, ngành tuyển 9.895 học sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025, chiếm 70,9% tổng số học sinh lớp 9, trong đó có 610 em học các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), 9.285 em học các trường THPT. Theo Sở GD&ĐT, với gần 9.900 học sinh vào lớp 10 THPT cơ bản đáp ứng chỉ tiêu tại Kế hoạch số 137/KH-UBND, ngày 24/7/2019 của UBND tỉnh về công tác phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông (GDPT).

Cùng với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, công tác tuyển sinh vào lớp 10 giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT tại các trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX đang được thực hiện, dự kiến tuyển từ 1.300 - 1.500 học sinh; bên cạnh đó khoảng 1.200 học sinh học chương trình GDTX cấp THPT theo chương trình liên kết đào tạo 3 năm 2 bằng giữa cơ sở GDNN với các trung tâm GDTX. Số học sinh còn lại đi học nghề trình độ sơ cấp, trung cấp tại các cơ sở GDNN trong, ngoài tỉnh và trực tiếp tham gia lao động.

Công tác phân luồng học sinh được ngành thực hiện theo khoản 2, Điều 9, Luật Giáo dục; Quyết định số 522/QĐ-TTg, ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018 - 2025” và Kế hoạch số 137/KH-UBND, ngày 24/7/2019 của UBND tỉnh. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các trường của địa phương điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Tuy nhiên, công tác phân luồng học sinh sau THCS cũng có những bất cập, khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THCS không vào học lớp 10 các trường THPT, PTDTNT THCS&THPT mà theo học chương trình GDTX cấp THPT tại các trung tâm GDTX; học chương trình 3 năm 2 bằng, học nghề tại các cơ sở GDNN trong và ngoài tỉnh hoặc trực tiếp tham gia lao động sản xuất. Thực tế cho thấy, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS không học tại các trường THPT, PTDTNT, trung tâm GDTX, cơ sở GDNN ngày càng gia tăng. Số học sinh này do tuổi còn nhỏ, suy nghĩ chưa chín chắn, không có việc làm, cùng với đó điều kiện gia đình bố mẹ ly hôn hoặc đi làm ăn xa, ở nhà với ông, bà thiếu sự quan tâm, giáo dục dễ dẫn đến vi phạm pháp luật, gây hệ lụy xấu về tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Để giải quyết tình trạng bất cập này, Sở GD&ĐT đã mở thêm 3 lớp 10 tại các trường THPT trên địa bàn huyện Lạc Sơn; giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường THPT quy mô từ 43 - 45 học sinh/lớp. Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức tuyển sinh vào học tại các trung tâm GDTX, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục ngoài công lập tuyển sinh học THPT. Cụ thể như Trường phổ thông liên cấp Sao Mai, Trường THPT Maya Hòa Bình bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2024 - 2025. Chỉ đạo các đơn vị tư vấn cho học sinh lựa chọn tham gia học nghề và học văn hóa chương trình GDTX cấp THPT tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề phù hợp với năng lực của bản thân cũng như hoàn cảnh gia đình.

Nhằm khắc phục những hạn chế của công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, mới đây, Sở GD&ĐT có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng quy mô tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, mở mới 9 lớp 10 tại các trường THPT; tăng số học sinh/lớp lên mức tối đa của tất cả các trường THPT. Tuy nhiên, như vậy sẽ giúp tăng số học sinh trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 thêm 763 em nhưng sẽ không đạt chỉ tiêu kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện đề án phân luồng học sinh… Bên cạnh đó, cùng với việc tăng số lớp học dẫn tới tình trạng ngành GD&ĐT thiếu 82 giáo viên. Hiện nay, công tác tuyển dụng bổ sung giáo viên gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn tuyển, Sở GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh có cơ chế, chính sách bổ sung nguồn kinh phí để chi trả cho giáo viên dạy thừa giờ, dạy tăng cường hỗ trợ chuyên môn để cân đối tỷ lệ và cơ cấu giáo viên cho những trường thiếu giáo viên.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của GDNN. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố sắp xếp, bổ sung kịp thời đội ngũ giáo viên, tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất tại chỗ nhằm tăng quy mô tuyển sinh vào học lớp 10 tại các trung tâm GDTX. Chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH và các sở, ngành có liên quan phát triển cơ sở đào tạo nghề; mở rộng quy mô các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh; đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để liên kết đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; thực hiện tốt chủ trương phân luồng học sinh trong GDPT…

Hồng Trung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/191147/khac-phuc-bat-cap-tr111ng-phan-luong-hoc-sinh-sau-tot-nghiep-trung-hoc-co-so.htm
Zalo