Khắc phục bất cập cơ chế 'xin – cho' trong quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Trong tuần, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã Khai mạc Phiên họp thường kỳ thứ 38 để rà soát, chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 8 khai mạc vào ngày 21/10 sắp tới.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh tư tưởng nhất quán của Luật là tăng cường phân cấp, phân quyền để doanh nghiệp phát huy tính tự chủ, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp.

Nêu bật một số nguyên tắc đối với dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu việc sửa đổi Luật phải trên tinh thần cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về thay đổi cơ cấu lại, phát triển doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật. Trường hợp không kịp tiếp thu, giải trình, Chính phủ đề xuất thời điểm báo cáo Quốc hội phù hợp, không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng...

* Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát... tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, giải trình.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, giám sát phải đúng, trúng, trọng tâm, trọng điểm những vấn đề Đảng, cử tri và Nhân dân đặt ra cho Quốc hội, giám sát phải làm cho đối tượng được giám sát tâm phục, khẩu phục.Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, rà soát sự phù hợp của Dự án Luật với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu, bổ sung làm rõ, hoàn chỉnh hơn các khái niệm về giám sát theo hướng ngắn gọn, tập trung, trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, xác định đầy đủ các nguyên tắc cần thiết trong hoạt động giám sát, vấn đề lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm cũng như các tiêu chí chọn nội dung giải trình.

* Tiếp tục phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.289 kiến nghị của cử tri. Trong đó, có 35 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội; 2.162 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành; 27 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; 65 kiến nghị liên quan đến công tác của các cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương. Các kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.

Nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, thương binh và xã hội; y tế; giao thông, vận tải; nông nghiệp, nông thôn; tài nguyên và môi trường; giáo dục, đào tạo; nội vụ ; công an… Đến nay, 1.942/2.289 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri đạt 84,8%.

Cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Báo cáo cần phải thực sự thể hiện được đúng tiếng nói, góc nhìn mộc mạc, gần gũi của cử tri, nhân dân cả nước; trong đó lưu ý đậm nét những nội dung nhận được nhiều quan tâm, từ đó nắm bắt tốt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân để kịp thời giải quyết. Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục tổng hợp kỹ các nội dung cử tri, Nhân dân quan tâm, lưu ý xung quanh các kiến nghị như dành nguồn lực khắc phục hậu quả, hỗ trợ sau bão số 3; về chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam… phối hợp với các cơ quan tổng hợp đầy đủ trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 8 tới.

* Tại Phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng, giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.

Qua thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản nhất trí với dự kiến về tổng mức đầu tư và các nguồn vốn thực hiện chương trình. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của chương trình, cơ bản thống nhất với dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua. Đề nghị Chính phủ tiếp tục tiếp thu các ý kiến, tính toán thiết kết Chương trình phải có bước phát triển đột phá chứ không chỉ dừng lại ở giải quyết các hạn chế, thách thức.

* Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Nhà giáo. Đa số các ý kiến đều đồng tình, dự án luật đến thời điểm hiện tại đã đáp ứng đủ điều kiện trình lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, các nội dung đã được điều chỉnh tại luật chuyên ngành khác thì không quy định tại dự thảo Luật Nhà giáo; chỉ quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không quy định cụ thể, chi tiết luật hóa nghị định, thông tư vào dự thảo Luật.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dự thảo Luật đã được tiếp thu, giải trình, chỉnh lý khá căn bản, bố cục và nội dung có sự thay đổi lớn. Do vậy, để thuận lợi cho cả Chính phủ và cơ quan thẩm tra cũng như tạo sự đồng thuận ngay từ đầu đối với đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện xây dựng Tờ trình mới và hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới.

* Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, dự thảo Luật có nhiều khái niệm rất mới, như trí tuệ nhân tạo, tài sản số, tài sản mã hóa… Do đó cần chuẩn hóa, thống nhất cách hiểu xuyên suốt trong luật; cùng với đó tuyên truyền mạnh mẽ để khi luật ra đời thì người dân hiểu, áp dụng thuận lợi.

Từ năm 2022 đã có khoảng 100 tỷ USD là dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam. Dù thị trường này khá nhộn nhịp song do thiếu vắng khung pháp lý nên giao dịch tài sản ảo ở Việt Nam tiềm ẩn không ít rủi ro. Do đó, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ cần quy định rõ, cụ thể vấn đề này.

* Tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Đa số thành viên UBTVQH nhấn mạnh, cần nhìn thẳng vào thực tế khó khăn của tình hình kinh tế xã hội, nhất là những khó khăn của doanh nghiệp để điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025.

Phân tích về tình hình kinh tế xã hội 2024 và 2025, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mặc dù xuất khẩu là một điểm sáng. Nhưng bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, từ đó CTQH yêu cầu, tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ, có đóng góp quyết định để hoàn thành kế hoạch kinh tế xã hội cả nhiệm kỳ. Dự báo bối cảnh sắp tới có nhiều thách thức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần phân tích cụ thể, có giải pháp đột phá để ứng phó với tình hình thế giới biến động phức tạp và các khó khăn trong nước.

* Cũng tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về tình hình phân bổ, dự kiến điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024; cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét quyết định việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 của Văn phòng Trung ương Đảng. Với 100% ủy viên có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết cho phép bổ sung dự toán kinh phí chi quản lý hành chính của ngân sách nhà nước năm 2024 của ngân sách trung ương cho Văn phòng Trung ương Đảng.

...

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Lan Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/khac-phuc-bat-cap-co-che-xin-cho-trong-quan-ly-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-239344.htm
Zalo