Khắc họa hình ảnh người lính Cụ Hồ trên sóng truyền hình

Hình ảnh người lính luôn là đề tài quen thuộc và hấp dẫn đối với các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ và cả những nhà sản xuất phim. Những bộ phim khắc họa phẩm chất, sự hy sinh và tinh thần cống hiến của những người lính Cụ Hồ, dù trong thời chiến hay thời bình, luôn mang lại những cảm xúc đặc biệt.

Hình ảnh người lính Cụ Hồ giúp dân trong bão lũ ở bộ phim Không thời gian. Ảnh: Internet

Hình ảnh người lính Cụ Hồ giúp dân trong bão lũ ở bộ phim Không thời gian. Ảnh: Internet

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12, bộ phim Không thời gian không chỉ là món quà tinh thần ý nghĩa mà còn cho thấy hình ảnh người lính Cụ Hồ luôn có sức hút đặc biệt với khán giả. Đây là bộ phim của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng và Nguyễn Đức Hiếu dài 60 tập, chính thức lên sóng vào khung giờ vàng trên VTV1 ngày 25/11.

Tiếp nối truyền thống

Không thời gian là dự án phim đặc biệt được Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam sản xuất. Bộ phim xoay quanh câu chuyện của trung tá Lê Nguyên Đại (diễn viên Mạnh Trường đóng) và những người đồng đội. Không chỉ có trái tim nhân ái, sẻ chia, đồng cảm với khó khăn, vất vả của đồng bào, các anh còn vô cùng mưu trí, quyết đoán, vững vàng khi đối diện với những kẻ thù có thủ đoạn tinh vi, lợi dụng niềm tin của người dân để tuyên truyền chống phá đường lối của Đảng và Nhà nước.

Nội dung phim đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Ở quá khứ là những hình ảnh đầy bi tráng của người lính, các y, bác sĩ chiến đấu ngày đêm để giành giật sự sống cho đồng đội giữa bom đạn tại Trạm quân y T1 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ở đó có tình đồng chí, đồng đội, có tình yêu, tình người, dù đau thương đến mấy cũng không khiến người ta từ bỏ hy vọng. Trong khi đó, ở thực tại là những hình ảnh giúp dân trong cảnh lũ lụt, sạt lở, cứu hộ - cứu nạn bằng máy bay trực thăng, bắc cầu vượt sông, rà phá bom, mìn... Tất cả những hình ảnh đó vừa khắc họa rõ nét chân dung của Bộ đội Cụ Hồ ở mỗi thời kỳ, đồng thời cũng tạo nên sự soi chiếu, cho thấy quá trình tiếp nối truyền thống quân đội - từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với Nhân dân.

Bộ phim truyền hình Không thời gian đã phát sóng những tập đầu tiên vào khung giờ vàng trên VTV1 và bước đầu nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. Bộ phim là món quà tinh thần ý nghĩa nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam.

Mang ý nghĩa đặc biệt nên Không thời gian nhận được sự đầu tư lớn cả về nhân lực, vật lực và thời gian thực hiện. Ê-kíp làm phim đã trải qua gần 1 năm lên ý tưởng kịch bản, 5 tháng ghi hình tại nhiều địa phương như: Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La. “Có thể nói, đây là dự án phim lớn nhất của VTV trong năm nay”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam khẳng định.

Sức hút đặc biệt

Hình ảnh người lính luôn có sức hấp dẫn với khán giả truyền hình. Bằng chứng là trước Không thời gian, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng đã thành công với bộ phim Cuộc chiến không giới tuyến dài 40 tập trên kênh VTV1. Theo Kantar Media Việt Nam (đơn vị nghiên cứu, cung cấp dữ liệu và đo lường thị hiếu) công bố những chương trình truyền hình được xem nhiều nhất cả nước, Cuộc chiến không giới tuyến dẫn đầu cả nước với rating (tỉ suất người xem) đạt 4,8%. Đây là một trong số ít phim truyền hình trong vài năm gần đây khai thác câu chuyện về người lính có sức lôi cuốn, hấp dẫn lượng lớn khán giả trong suốt thời gian trình chiếu.

Phim xoay quanh nhân vật chính là Trung, một quân nhân ưu tú vừa được điều động làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Luông, điểm nóng của vùng biên liên quan đến các vụ buôn lậu và ma túy. Cuộc chiến không giới tuyến không chỉ khắc họa hình ảnh người lính quân hàm xanh trong cuộc chiến đấu chống tội phạm nơi biên giới mà còn mang đến cho khán giả những khung cảnh đẹp hùng vĩ của miền biên viễn, những hình ảnh, chi tiết về đời sống đồng bào DTTS giàu bản sắc sinh sống nơi đây.

Một trong những hình ảnh người lính Cụ Hồ được khán giả yêu thích phải kể đến bộ phim của đạo diễn mát tay Nguyễn Danh Dũng về đề tài này. Đó là Mùa xuân ở lại. Phim xoay quanh nhân vật chính là Hòa - cô giáo trẻ tình nguyện lên miền núi dạy học và Nghĩa - anh lính biên phòng đẹp trai, tốt bụng. Câu chuyện của các nhân vật trong phim không có nhiều kịch tính, gay cấn nhưng hấp dẫn người xem bởi sự dung dị, tươi sáng và ý nghĩa trong sự hy sinh thầm lặng của những cô giáo, anh bộ đội biên phòng nơi vùng cao.

Hay bộ phim Yêu hơn cả bầu trời của đạo diễn Nguyễn Khải Anh - Phạm Gia Phương lại là bản tình ca của những người lính không quân, với những câu chuyện xoay quanh cuộc sống của 3 học viên ưu tú Trường Sĩ quan Không quân cùng người thầy của mình. Họ có chung tình yêu với bầu trời và ước mơ trở thành phi công chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình rèn luyện để đạt được mơ ước đó, họ gặp không ít khó khăn, những yêu cầu khắc nghiệt về kỷ luật thép khiến họ đôi khi tưởng như phải bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng họ nhận ra rằng được tiếp nối truyền thống cha anh thực sự là sứ mệnh và lý tưởng họ muốn theo đuổi.

Mặc dù được chú ý nhưng những bộ phim truyền hình khai thác đề tài người lính còn khá ít. Thực tế đòi hỏi các nhà làm phim từ khâu kịch bản, đạo diễn tới diễn viên phải luôn có sự đầu tư công phu, liên tục đổi mới, sáng tạo để mang đến hình ảnh dung dị, chân thực và hấp dẫn nhất của người chiến sĩ đến với khán giả.

Nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm cho rằng: “Tôi nghĩ làm phim về LLVT cần có tính giải trí một chút để khán giả dễ xem chứ không quá thuần nghệ thuật hay tuyên truyền chính trị. Điều quan trọng là phim phải mang hơi thở thời đại tươi mới, mang tâm hồn cốt cách của con người Việt Nam và chân thực. Bởi có chân thực thì mới thuyết phục và chạm đến trái tim người xem. Do đó, các nhà làm phim cần phải sâu sát, lăn xả với đời sống của người lính”.

“Với tôi, những bộ phim khắc họa về hình ảnh, phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, như: Không thời gian, Yêu hơn cả bầu trời, Tiếng cồng định mệnh, Con đường có mặt trời… dù là phim chiếu rạp hay trên màn ảnh nhỏ tôi đều không bỏ qua”, chị Lê Kim Loan ở phường 4, TP Tuy Hòa cho hay.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/323779/khac-hoa-hinh-anh-nguoi-linh-cu-ho-tren-song-truyen-hinh.html
Zalo