Khắc ghi tinh thần mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa

Hôm nay (23-10), kỷ niệm 79 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến (23-10-1945 - 23-10-2024). Những vòng hoa tươi thắm, những nén hương thơm lại được dâng lên ở Tượng đài 23 tháng 10 để tưởng nhớ, tri ân công lao những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc Việt Nam.

79 năm trước, quân và dân Khánh Hòa đã chủ động tấn công giặc Pháp ở Nha Trang, mở đầu cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược (lần thứ 2) ở Nam Trung Bộ. Những trận đánh quả cảm vào Ga Nha Trang, nhà đèn (Sở điện lực), khu kho Bình Tân… đã gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất. Ngay sau đó, quân và dân Khánh Hòa cùng với sự chi viện của các đoàn quân Nam tiến đã lập phòng tuyến Chợ Mới - Bretelle, rồi phòng tuyến Cây Da - Quán Giếng để cầm chân giặc Pháp trong nội thành Nha Trang, không cho địch mở rộng khu vực chiếm đóng, giữ được con đường chi viện cho Nam Bộ. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, bằng những vũ khí thô sơ, quân và dân ta đã chiến đấu hết sức anh dũng suốt 101 ngày đêm (từ 23-10-1945 đến 1-2-1946), tạo thời cơ quý báu cho khu vực Nam Trung Bộ và cả nước tranh thủ củng cố xây dựng thực lực về mọi mặt để sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.

101 ngày đêm kháng chiến của mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa đã trở thành một trong những trang sử hào hùng nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ở đó, những đoàn quân Nam tiến từ Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thuận Hóa (Huế), Quảng Ngãi… đã sát cánh cùng quân dân Khánh Hòa đánh giặc. Khi chiến sự nổ ra, đồng bào Nha Trang sơ tán ra ngoại thành ủng hộ cuộc chiến đấu của quân ta, nhiều người còn đem cả giường, tủ cho bộ đội làm công sự. Các làng vùng ven Xuân Phong (Vĩnh Phương), Thái Thông, Thủy Tú (Vĩnh Thái), Phú Nông, Xuân Lạc (Vĩnh Ngọc)... đều lập đội tự vệ chiến đấu, rèn thêm dao kiếm để đánh Tây. Trai tráng trong làng ngày đêm sát cánh cùng bộ đội đào công sự, chiến đấu, đào giao thông hào và luân phiên canh gác. Ở đó không chỉ có những trận đánh ác liệt mà còn có nghĩa tình quân dân thắm thiết. Theo hồi ức của những người chiến sĩ 23-10, các đơn vị quân tình nguyện chiến đấu ở mặt trận Nha Trang khi ấy tổ chức rất gọn nhẹ. Doanh trại, chỗ dừng chân thì có nhà dân, lương thực dân đóng góp, cơm nước đã có các chị, các mẹ lo. "Súng ở giặc, cơm ở dân" không còn là khẩu hiệu động viên mà đã là sự thật trên Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa. Hơn 40 nữ thanh niên, học sinh đã tự nguyện thoát ly gia đình tham gia Đoàn Hồng thập tự Nha Trang, sát cánh cùng các chiến sĩ ngay trên chiến hào để lo việc cứu thương, chăm sóc thương binh ở trạm quân y dã chiến...

Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về chiến tranh nhân dân. Những ngày chiến đấu rực lửa ở đây đã giúp nhiều cán bộ trưởng thành, trở thành những tướng lĩnh, nổi tiếng về sau như: Đại tá - Đại sứ Hà Văn Lâu - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trung tướng Nam Long, Trung tướng Lư Giang, Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm, Thiếu tướng Hà Vi Tùng… Và như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Những ngày chiến đấu vô cùng gay go nhưng rất đỗi hào hùng ấy đã để lại những hình ảnh tuyệt đẹp trong lịch sử kháng chiến của cả dân tộc. Đó là vinh dự, niềm tự hào của Đảng bộ và quân dân Nha Trang - Khánh Hòa...”.

79 năm đã qua! Những dấu tích những ngày chiến đấu oai hùng năm xưa không còn nhiều. Những người lính 23-10 mà tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện nay đã về nơi miền mây trắng. Sẽ không còn hình ảnh những lính già đầu bạc kể chuyện xưa cho thế hệ trẻ mà tôi từng chứng kiến suốt nhiều năm. Nhưng những trang sử hào hùng của mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa vẫn không bao giờ mờ phai. Mỗi lần ngang qua Ga Nha Trang, nhìn tượng đài 23 tháng 10 kiêu hãnh trong ánh nắng mai lòng lại trào dâng cảm xúc tự hào về mảnh đất Nha Trang - Khánh Hòa hiền hòa nhưng cũng rất anh hùng. “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam rất khen ngợi các mặt trận miền Nam, đặc biệt là chiến sĩ ở Nha Trang và Trà Vinh đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn. Toàn thể đồng bào noi gương các bạn”, những lời khen ngợi của Bác Hồ trong lá thư gửi chiến sĩ miền Nam tháng 12-1945 mãi mãi khắc ghi tinh thần tiên phong, anh dũng của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa.

Trong niềm tự hào đó, lòng lại ngập tràn niềm tin, cán bộ và nhân dân Khánh Hòa hôm nay sẽ chung sức, đồng lòng xây dựng Khánh Hòa văn minh, giàu đẹp!

XUÂN THÀNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/thoi-su-suy-ngam/202410/khac-ghi-tinh-than-mat-tran-nha-trang-khanh-hoa-0557626/
Zalo