Khả năng châu Âu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine vẫn mịt mờ
Trong bối cảnh tiến trình hòa đàm ba bên Mỹ, Nga, Ukraine đang tăng tốc, các đồng minh châu Âu của Ukraine đã họp mặt tại Paris vào ngày 27/4 để thảo luận về cách thức củng cố sức mạnh cho Kiev, đặc biệt là khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến nước này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp đón lãnh đạo của gần 30 quốc gia cùng với các đại diện cấp cao từ NATO và Liên minh châu Âu trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh tại Paris vừa qua. Pháp và Anh đang tiên phong thúc đẩy một sáng kiến riêng, nhằm thành lập một liên minh các quốc gia sẵn sàng hỗ trợ triển khai lực lượng châu Âu tại Ukraine với mục tiêu đảm bảo hiệu lực của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, đồng thời răn đe nguy cơ Nga tái diễn hành động quân sự.
Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia châu Âu đều có cùng mức độ ủng hộ đối với kế hoạch này. Một trong những yếu tố gây do dự là liệu chính quyền Tổng thống Trump có cho phép lực lượng Mỹ hỗ trợ hậu cần, tình báo và yểm trợ trên không cho liên minh châu Âu hay không.
Việc xây dựng một lực lượng đủ lớn để tạo ra sức răn đe đáng tin cậy cũng là một thách thức không nhỏ. Giới chức Anh từng đề cập đến quy mô từ 10.000 đến 30.000 quân, con số đầy tham vọng đối với các quốc gia đã thu hẹp đáng kể quy mô quân đội kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ngoài ra, vẫn còn nhiều câu hỏi về cơ cấu chỉ huy và cách thức phản ứng nếu Nga vi phạm thỏa thuận hòa bình trong tương lai.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Getty
Sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh, ông Macron tuyên bố rằng lực lượng châu Âu có thể được triển khai tới “các thành phố quan trọng, căn cứ chiến lược” của Ukraine và sẽ “đáp trả” nếu Nga phát động một cuộc tấn công.
Tuy không nêu rõ phản ứng đó sẽ cụ thể ra sao nhưng nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh rằng nếu Moscow tấn công Ukraine mooth lần nữa, các lực lượng châu Âu có mặt tại Ukraine sẽ bị cuốn vào tình thế chiến đấu.
“Chúng tôi không có mặt ở tiền tuyến, không trực tiếp tham chiến, mà ở đó để đảm bảo một nền hòa bình lâu dài. Nếu có xung đột, phía duy nhất gây ra nó sẽ là Nga, nếu họ chọn cách tiếp tục xung đột", ông Macron nói.
Sau cuộc họp với đại diện từ 30 quốc gia trong liên minh, ông Starmer tuyên bố đã có "tiến triển rõ ràng" trong việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình kể từ khi các cuộc đàm phán được khởi động cách đây một tháng. Ông Starmer nhấn mạnh rằng ngày càng có nhiều quốc gia sẵn sàng tham gia cùng Anh và Pháp trong việc triển khai quân tới Ukraine.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo London không đưa ra được bằng chứng cụ thể cho thấy liên minh châu Âu đã tiến gần hơn đến việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình, dù đã tổ chức bốn cuộc họp thảo luận về vấn đề này.
Trong khi đó, các đồng minh châu Âu của Ukraine đang nỗ lực nâng cao năng lực quân sự cho Kiev. Mục tiêu của họ không chỉ là giúp Ukraine tiếp tục chiến đấu cho đến khi đạt được lệnh ngừng bắn, mà còn biến quân đội nước này thành tuyến phòng thủ vững chắc trước bất kỳ cuộc xâm lược nào trong tương lai từ Nga. Ông Macron cũng đã công bố gói viện trợ quốc phòng mới trị giá 2 tỷ euro (tương đương 2,15 tỷ USD), bao gồm xe tăng hạng nhẹ, tên lửa phòng không, tên lửa chống tăng cùng nhiều loại vũ khí và hỗ trợ khác dành cho Kiev.
Trong tuần này, Mỹ đã làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine nhằm bảo vệ an ninh hàng hải trên Biển Đen và dừng các cuộc tấn công tầm xa vào cơ sở hạ tầng năng lượng lẫn nhau. Đây được xem là bước đi đầu tiên hướng đến hòa bình toàn diện. Song, Ukraine và Nga vẫn bất đồng về chi tiết và cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận, báo hiệu một chặng đường đàm phán dài hơi và nhiều tranh cãi phía trước.
Chỉ một đêm trước ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh ở Paris, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga đã khiến hơn 20 người bị thương, theo thông tin từ các quan chức Ukraine.
Cùng thời điểm, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga tiếp tục gây thương vong: ít nhất 18 người bị thương ở khu vực Kharkov, ba người khác tại Dnipro. Pháo kích vào một phần tiền tuyến ở Zaporizhzhia đã khiến khu vực này mất điện và mất liên lạc với những khu vực khác, người đứng đầu khu vực Ivan Fedorov cho biết.
Tổng thống Zelensky ngày 27/3 cảnh báo rằng Nga đang lên kế hoạch cho "các cuộc tấn công mới" nhằm vào các khu vực Sumy, Kharkov và Zaporizhzhia của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng những động thái này là bằng chứng cho thấy Mỹ và châu Âu không nên nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. EU đã cam kết không dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga cho đến khi nước này rút quân hoàn toàn khỏi Ukraine, trong khi Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết London sẵn sàng tăng cường lệnh trừng phạt.