Kết thúc kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ, thị trường hàng hóa trở lại nhịp thường nhật
Mua sắm tiết kiệm, đủ và đúng nhu cầu, giảm đáng kể tình trạng khan hàng, sốt giá là những điểm nổi bật của thị trường tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán năm 2025.
Hôm nay, mùng 5 Tết (2/2/2025), là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ, thị trường hàng hóa đã trở lại nhịp thường nhật. Các siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh đã khởi động trở lại nhưng các mặt hàng tiêu thụ của người tiêu dùng chủ yếu vẫn là thực phẩm tươi sống, rau, quả.
Tại chợ đầu mối, lượng hàng về chợ đã tăng hơn so với các ngày trước. Do vậy, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo, giá cả diễn biến theo quy luật thị trường thông thường và không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Tại các thành phố lớn, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại với các chương trình bình ổn giá là những địa chỉ được người tiêu dùng lựa chọn, để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá cả các hàng hóa tại hệ thống siêu thị ổn định, không tăng so với thời điểm trước Tết.
Đảm bảo bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán
Báo cáo tình hình thị trường và công tác phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch, phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành có liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết tại địa phương.
Phần lớn các địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường dựa vào nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp và thông qua chương trình kết nối với các tổ chức tín dụng để được vay với lãi suất ưu đãi trong thời gian thực hiện chương trình.
Trước, trong và sau Tết Ất Tỵ, nhiều địa phương đã triển khai chương trình bình ổn thị trường với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối chiếm lĩnh thị phần lớn, có sức chi phối thị trường như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Lotte, BRG Mart, AEON… Trong đó, lượng hàng thiết yếu thực hiện bình ổn thị trường trên địa bàn Hà Nội đáp ứng 35% nhu cầu thị trường trong 01 tháng. Tại TP Hồ Chí Minh, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 21% - 32% thời điểm tháng thường và tăng lên 24% - 43% thời điểm tháng Tết, bảo đảm đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngoài việc có kế hoạch tìm kiếm, tạo nguồn hàng, dự trữ hàng hóa từ sớm thì cũng đã sẵn sàng phương án tăng sản lượng cung ứng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ, không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hóa, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống. Các mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn thị trường chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết như lương thực, thực phẩm (thịt heo, thịt gia cầm, trứng, thực phẩm chế biến...), gia vị (dầu ăn, đường...), bánh, mứt, kẹo...
Về giá bán, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường với giá bán thấp hơn từ 5-10% so với giá thị trường theo từng thời điểm. Một số doanh nghiệp cam kết giữ ổn định giá bán trong 1 tháng trước, trong và sau Tết. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, nhất là trong những ngày cận Tết để thúc đẩy sức mua, đồng thời chia sẻ khó khăn với người dân.