Kết quả ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống

Qua 5 năm thực hiện việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ (KHKT&CN) vào sản xuất theo Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, đã giải quyết được những vấn đề cấp thiết, mang tính 'đột phá' phù hợp với điều kiện, nguồn lực kinh tế của địa phương.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mô hình thực nghiệm giải pháp nông nghiệp thông minh tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ).

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mô hình thực nghiệm giải pháp nông nghiệp thông minh tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ).

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đã ứng dụng đồng bộ hệ thống văn phòng điện tử, thư điện tử, một cửa điện tử, hội nghị trực tuyến,... vào hoạt động quản lý và điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ. Đến nay, một số huyện, thành phố đã triển khai mạng nội bộ LAN phục vụ chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; 100% các xã, phường, thị trấn hoàn thành kiện toàn Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC. Triển khai Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh, đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT quan trọng; cho phép kết nối, liên kết tích hợp ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được đầu tư tại 73 điểm kết nối. Hệ thống thiết bị hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai thực hiện tại các cơ quan Đảng, chính quyền của tỉnh kết nối với các cơ quan Trung ương và các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh với quy mô 218 điểm cầu trong toàn tỉnh. Hệ thống Cổng/Trang thông tin điện tử được triển khai và đưa vào hoạt động hiệu quả, gồm: 1 cổng thông tin điện tử của tỉnh; 47 trang thông tin điện tử thành phần của sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức đoàn thể của tỉnh và 195 trang thông tin điện tử thành phần của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đưa vào sử dụng toàn diện và thống nhất việc thuê dịch vụ phần mềm Quản lý Văn bản điều hành điện tử (VNPTIOffice) và ứng dụng chữ ký số đến 100% các cơ quan Đảng, sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn…

Ứng dụng khoa học kỹ thuật bảo tồn giống lan địa phương tại xã Quyết Tiến.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật bảo tồn giống lan địa phương tại xã Quyết Tiến.

Đối với lĩnh vực công nghệ sinh học, đã làm chủ được công nghệ sản xuất một số giống dược liệu quý và giống cây trồng, vật nuôi đặc sản của tỉnh, như: Ứng dụng công nghệ sinh học và sản xuất giống cây ăn quả ôn đới bản địa tại Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng, gồm: Lê Đài Loan, mận Tam hoa, đào Vân Nam, Hồng không hạt,... đồng thời khai thác mắt ghép sản xuất cây giống đảm bảo đủ số lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển của các địa phương, với trên 100.000 giống cây ăn quả ôn đới các loại và thực hiện hướng dẫn chăm sóc mô hình cây Hồng không hạt tại huyện Yên Minh với quy mô 10 ha. Trong 5 năm qua, đã nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống và phát triển các loài dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh. Đến nay, đã hoàn tất nội dung điều tra đối với 20/20 loài và thu thập nguồn vật liệu để chọn giống; trồng so sánh, đánh giá nguồn vật liệu thu thập được tại các địa phương; hoàn thiện quy trình sản xuất giống 20/20 loài; hoàn thiện quy trình trồng trọt 20/20 loài, hiện Sở Nông nghiệp - PTNT đã xem xét ban hành quy trình trồng trọt và sản xuất giống tạm thời của các loài: Ý dĩ, Atiso, Đương quy, Đan sâm, Ngưu tất.

Trong lĩnh vực KHKT, nhiều máy móc, thiết bị được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp góp đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa. Với mục tiêu ứng dụng khoa học công nghệ đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đạt từ 40,5% trở lên; đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa đạt 83,92% kế hoạch trên các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến thức ăn gia súc, xử lý chất thải chăn nuôi…

Có thể thấy, qua 5 năm thực hiện đột phá về ứng dụng KHKT&CN vào sản xuất và đời sống, từng nội dung, từng lĩnh vực đã được tập trung giải quyết mang tính “đột phá” phù hợp với điều kiện, khả năng kinh tế của địa phương. Để có được kết quả trên, tỉnh ta đã tập trung nguồn lực đảm bảo kinh phí cho thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch trọng tâm về KHCN; chủ động hợp tác với các bộ, ngành Trung ương; các cơ quan nghiên cứu có uy tín để thu hút nguồn lực cho địa phương. Đồng thời tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi cho đội ngũ tri thức của tỉnh được tham gia đào tạo và nghiên cứu khoa học và có cơ chế khuyến khích phát triển doanh nghiệp KHCN; nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thích ứng với thời kỳ cách mạng công nghiệp.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202009/ket-qua-ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-vao-san-xuat-va-doi-song-765376/
Zalo