Kết quả từ nỗ lực hồi sinh rừng Amazon
Cây cối và rừng thường được mô tả là lá phổi của Trái đất, với vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các chất ô nhiễm như carbon dioxide (CO2) khỏi môi trường. Những nỗ lực chặn đứng tình trạng phá rừng Amazon tại Brazil, lá phổi lớn nhất của hành tinh, đang mang về nhiều kết quả tích cực.
Nghiên cứu mới từ Đại học Bonn ở Đức và Đại học Gerais ở Brazil cho thấy, nhiều kết quả tích cực từ các biện pháp bảo tồn ở Amazon, mang lại lợi ích kép vừa góp phần cắt giảm khí thải gây biến đổi khí hậu, vừa bảo vệ sức khỏe con người. Theo đó, các biện pháp giúp giảm cháy rừng này đã dẫn đến việc giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do các vấn đề về sức khỏe hô hấp ở người dân trong khu vực; giảm nồng độ các hạt mịn trong không khí, tác nhân chính gây ra các tác động xấu đến sức khỏe do khói đốt.
Các nhà nghiên cứu đã điều tra một khu vực rộng 100km² xung quanh quần thể sinh vật Amazon trên khắp các bang Maranhao, Tocantins, Para, Mato Grosso và Rondonia của Brazil.
Đầu tiên, họ tính toán xem liệu cháy rừng và ô nhiễm không khí có giảm sau khi áp dụng các chính sách vào năm 2007 và 2009, nhằm ngăn chặn giới thương nhân mua đậu nành và các sản phẩm từ gia súc trồng trên đất bị phá rừng hay không. Kết quả là cháy rừng có giảm, dẫn đến nồng độ các khí ô nhiễm như CO2, nitơ và SO2 cũng giảm đáng kể. Trong khu vực Amazon, tỷ lệ nhập viện giảm khoảng 18.000 ca và giảm 680 ca tử vong mỗi năm do các vấn đề sức khỏe liên quan đến khói và cháy rừng.
Rừng nhiệt đới bị hủy hoại có thể dẫn đến tình trạng nóng hơn và khô hơn, khiến các khu vực dễ xảy ra cháy rừng dữ dội. Điều này lặp lại thành vòng luẩn quẩn khiến diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. Khói cháy rừng gây ô nhiễm không khí nói chung và chứa các hạt bụi mịn PM2.5 trộn lẫn với hỗn hợp khí độc, dễ dàng bị hấp thụ vào máu qua phổi, dẫn đến các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Việc tiếp xúc với khói có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng như hen suyễn và làm giảm chức năng phổi. Các vấn đề mãn tính phát sinh do tiếp xúc lâu dài có thể làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh về tim và hô hấp, thường xảy ra hơn ở những khu vực có nạn phá rừng.
Tình trạng phá rừng cũng có thể làm tăng khả năng mắc bệnh truyền nhiễm ở người. Nguyên nhân là do việc phá rừng làm giảm môi trường sống của các loài thực vật và động vật, điều này có thể khiến chúng tiếp xúc gần hơn với con người. Đặc biệt nguy hiểm khi động vật trở thành ổ chứa các bệnh do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra.
Bà Nicole Lynn Gottdenker, nhà sinh thái học tại Đại học Georgia, Mỹ cho rằng, nạn phá rừng làm gia tăng sự lan truyền mầm bệnh từ động vật hoang dã sang con người và vật nuôi. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra sự lây truyền bệnh sốt rét ở khu vực rừng Amazon có liên quan đến nạn phá rừng.
Cụ thể, số lượng cây bị chặt hàng tháng ở Amazon tăng 1% có thể làm tăng 6,3% các trường hợp mắc bệnh sốt rét. Diện tích rừng thu hẹp cũng có thể khiến con người dễ tổn thương hơn trước các mầm bệnh lan truyền bệnh từ động vật sang người, bao gồm cả virus SARS-CoV-2 (nguyên nhân gây ra Covid-19) và đậu mùa khỉ (mpox).