Kết quả tích cực từ các tổ công nghệ số cộng đồng

Tại chương trình chào mừng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024 diễn ra sáng 12.10, các đại biểu chia sẻ về kết quả tích cực từ mô hình các tổ công nghệ số cộng đồng.

Ứng dụng công nghệ để làm du lịch thông minh

Anh Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) đã chia sẻ về việc đồng bào Lô Lô Chải đã tận dụng tốt công nghệ số để thúc đẩy du lịch thông minh.

Theo đó, các hộ kinh doanh trên địa bàn thôn cài đặt và sử dụng dịch vụ VneID trong công tác khai báo khách lưu trú; hướng dẫn các hộ kinh doanh quảng bá, bán phòng qua các trang mạng xã hội. Việc này thu hút được hơn 53. 000 khách du lịch đến tham quan.

Anh Sình Dỉ Gai cũng cho biết tổ phối hợp cùng công an xã tổ chức lớp tập huấn về ứng dụng định danh điện tử VNeID cho các hộ kinh doanh; giúp chủ homestay theo dõi đặt phòng, doanh thu và tình trạng phòng; tuyên truyền hướng dẫn đoàn viên, thanh niên, cán bộ, công chức và hộ dân trên địa bàn thôn cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID của Bộ Công an nhằm hỗ trợ định danh điện tử cho công dân và có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống…

Anh Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)

Anh Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)

Trưởng thôn Lô Lô Chải cho biết định hướng thời gian tới của địa phương là tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ứng dụng để khai thác hiệu quả công tác quảng bá du lịch trên các website du lịch, đẩy mạnh ứng dụng số phục vụ công tác xúc tiến quảng bá du lịch; kết nối các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn trong tỉnh và ngoài tỉnh, liên kết website, chia sẻ thông tin, dữ liệu chung về du lịch để chung tay đẩy mạnh thương hiệu du lịch.

Tại tỉnh Thanh Hóa, ông Vũ Đình Kịp, cựu chiến binh, Tổ trưởng Tổ CNSCĐ khu phố 4 phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn cho biết từ khi thành lập đến nay, tổ CNSCĐ khu phố 4 đã giúp bà con thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng công nghệ trong công việc, đời sống hằng ngày.

Tổ CNSCĐ khu phố 4 của cựu chiến binh Vũ Đình Kịp đã tích cực hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số, như Cổng thông tin điện tử Bỉm Sơn, trang thông tin điện tử xã phường, trang phản hồi Thanh Hóa và tham gia các nhóm Zalo do thị xã, phường và khu phố tạo lập, triển khai.

Tổ CNSCĐ khu phố 4 cũng phối hợp với các ngân hàng và các đơn vị liên quan thực hiện hướng dẫn người dân, các hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ và vừa ở địa phương cài đặt ứng dụng nền tảng số để chuyển hình thức tiêu thụ sản phẩm từ giao dịch truyền thống sang giao dịch trên các sàn thương mại điện tử; mở tài khoản thanh toán điện tử.

Ngoài ra, tổ hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, dịch vụ viễn thông, học phí…; ứng dụng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, sổ sức khỏe điện tử, bảo hiểm xã hội…

Ông Vũ Đình Kịp, cựu chiến binh, Tổ trưởng Tổ CNSCĐ khu phố 4 phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa

Ông Vũ Đình Kịp, cựu chiến binh, Tổ trưởng Tổ CNSCĐ khu phố 4 phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa

Tại tỉnh Đồng Tháp, chị Trần Thị Thu Giàu, Phó bí thư Đoàn thanh niên, thành viên Tổ CNSCĐ phường 1, thành phố Sa Đéc chia sẻ, năm 2022, tỉnh Đồng Tháp triển khai đề án thí điểm thành lập tổ CNSCĐ trên tất cả các huyện, thành phố.

Các thành viên tổ CNSCĐ trực tiếp đến từng nhà, tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng như: Ứng dụng e-Dong Thap liên quan đến chính quyền điện từ; ứng dụng Y tế Đồng Tháp nhằm giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp dễ dàng; ứng dụng VNeID của Bộ Công an nhằm sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống.

Chị Thu Giàu cũng tham mưu, đề xuất thành lập mô hình "hỗ trợ trả kết quả xét hồ sơ khuyết tật và xét hưởng chế độ bảo trợ xã hội tại nhà". Mô hình đã hạn chế được tình trạng người bệnh phải đi lại vất vả, đảm bảo ổn định sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho gia đình.

Ngoài ra, chị Thu Giàu tham mưu việc thành lập mô hình "tuyến đường chuyển đổi số" tuyến đường Nguyễn Tất Thành có gắn 10 bảng mã QR Code hướng dẫn người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các nền tảng số và thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng mô hình "Ứng dụng trang Zalo OA" để cung cấp các tiện ích, tra cứu nhanh về các dịch vụ như: Dịch vụ công trực tuyến; thông tin xuất khẩu lao động, thông báo mới…

Mục đích của chuyển đổi số là phục vụ người dân

Trả lời câu hỏi về sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số của Chính phủ, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu rõ chuyển đổi số làm biến đổi thế giới, mang lại nhiều tiện ích, là lựa chọn của nhiều quốc gia.

Theo đó, để thúc đẩy chuyển đổi số, Chính phủ có vai trò kiến tạo, nâng đỡ. Chính phủ phải hoạch định chiến lược phát triển chuyển đổi số quốc gia, với yêu cầu đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên, trong đó "tiến cùng và vượt lên về tư duy phải đi đầu".

“Xã hội số cũng như cuộc đời thực, muốn vận hành phải có hệ thống pháp lý, do đó Chính phủ phải hoàn thiện cơ sở pháp lý vận hành xã hội số; quan tâm đầu tư về hạ tầng chuyển đổi số; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và giáo dục, tuyên truyền, nâng cao dân trí để thực hiện chuyển đổi số”, ông Bình nói.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ người dân, nên người dân phải nhận thức được hiệu quả, tiện ích của chuyển đổi số và sử dụng các tiện ích này. Ví dụ như mô hình tổ công nghệ số cộng đồng là cách làm rất hay và cần nhân rộng.

Về câu hỏi liên quan chính sách đặc thù với người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho rằng với các đối tượng yếu thế, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo đó, trước hết là cần đưa các dịch vụ công lên các nền tảng số, càng nhiều càng tốt, đây là trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương; đầu tư hạ tầng điện, sóng, bảo đảm cơ hội tiếp cận dịch vụ số cho người dân tại các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.

“Như có những nơi, chúng ta đầu tư kéo điện chỉ cho 10 nóc nhà, hiệu quả kinh tế không cao, nhưng đây là việc phải làm vì chính sách xã hội”, ông Bình nêu.

Phó thủ tướng cũng cho rằng cần tăng cường vận động, hướng dẫn người dân để người dân thành thạo kỹ năng chuyển đổi số. Ông lấy ví dụ trong chuyến công tác gần đây tại Quảng Nam, tỉnh này có chỉ số chuyển đổi số cao nhưng nhiều người dân lúc đầu không biết cả bấm điện thoại, các tổ công nghệ số, các cán bộ cấp ủy, chính quyền, bộ đội biên phòng, công an… phải cầm tay hướng dẫn.

"Khi người dân biết, hiểu, muốn chuyển đổi số thì chúng ta thành công", Phó thủ tướng nói.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ket-qua-tich-cuc-tu-cac-to-cong-nghe-so-cong-dong-224815.html
Zalo