Kết quả thay đổi danh mục chỉ số VN30 kỳ quý II/2025
HOSE điều chỉnh thời điểm áp dụng danh mục chỉ số quý II/2025, các quỹ ETF phải hoàn tất tái cơ cấu trước ngày 25/4/2025.
Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa chính thức công bố kết quả rà soát danh mục chỉ số HOSE Index cho kỳ quý II/2025.
Đáng chú ý, HOSE cũng đã thông báo điều chỉnh thời điểm áp dụng danh mục chỉ số mới, sớm hơn so với dự kiến ban đầu. Thay vì ngày 5/5/2025 như thông lệ, ngày hiệu lực mới sẽ là 28/4/2025. Các quỹ ETF liên quan sẽ phải hoàn tất việc tái cơ cấu danh mục trước hạn chót là ngày 25/4/2025.

Theo SSI Research, trong kỳ rà soát lần này, chỉ số VN30 không ghi nhận sự thay đổi về mặt thành phần. Tuy nhiên, một điểm quan trọng cần lưu ý là Quy tắc Bộ chỉ số HOSE Index phiên bản 4.0 đã chính thức có hiệu lực, trong đó quy định giới hạn tỷ trọng vốn hóa của một nhóm cổ phiếu cùng ngành không vượt quá 40%.
Điều này sẽ tạo ra sự điều chỉnh đáng kể trong cơ cấu tỷ trọng của rổ chỉ số. Nhóm ngành Tài chính – vốn đang chiếm tỷ trọng khoảng 60% trong VN30 sẽ giảm xuống còn 40%. Do đó, tỷ trọng của các cổ phiếu các ngành khác sẽ tăng lên với tỷ lệ tương ứng.
Dựa trên giá cổ phiếu tại ngày 16/4/2025, SSI Research ước tính một số cổ phiếu ngoài nhóm Tài chính sẽ được mua vào với khối lượng lớn. Trong đó, Hòa Phát (HPG) có thể được mua vào khoảng 11,2 triệu cổ phiếu, Vingroup (VIC) khoảng 3,4 triệu cổ phiếu và Thế giới Di động (MWG) khoảng 3,2 triệu cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngành Tài chính có khả năng chịu áp lực bán mạnh nhất, với các mã đáng chú ý gồm VPB (9,5 triệu cổ phiếu), TCB (8,4 triệu cổ phiếu), ACB (7,4 triệu cổ phiếu), SHB (6,3 triệu cổ phiếu) và MBB (6,2 triệu cổ phiếu).
Hiện tại, có bốn quỹ ETF đang sử dụng chỉ số VN30 làm chỉ số tham chiếu, bao gồm DCVFMVN30 ETF, SSIAM VN30 ETF, KIM Growth VN30 ETF và MAFM VN30 ETF. Tổng tài sản ròng (AUM) của nhóm quỹ này tính đến ngày 16/4/2025 được ước tính vào khoảng 7.950 tỷ đồng.
Riêng DCVFMVN30 ETF, quỹ dẫn đầu về quy mô hiện quản lý khối tài sản lên đến 5.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, bức tranh dòng tiền lại không mấy tích cực trong năm nay. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, tổng tài sản của các quỹ ETF này đã giảm 22,75%, giá trị tài sản ròng (NAV) sụt 2,7%, trong khi lượng vốn rút ròng ghi nhận ở mức 1.270 tỷ đồng.