Kết quả kinh doanh trái chiều của các doanh nghiệp thủy sản trong nửa đầu năm 2024

Trong nửa đầu năm 2024, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã có những kết quả kinh doanh khác nhau. Một số doanh nghiệp như Minh Phú và Sao Ta đạt được mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng, nhờ vào sự ổn định trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn, Nam Việt lại gặp khó khăn với lợi nhuận giảm do biến động giá bán và chi phí tăng cao.

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC)

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, doanh thu thuần quý 2/2024 đạt 3.737,7 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán của Minh Phú cũng tăng mạnh 65%, đạt 3.344 tỷ đồng, kéo lợi nhuận gộp còn 392,8 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 163% lên 32 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng 39% lên 70 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Minh Phú trong kỳ đạt 38,4 tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do doanh thu bán hàng tăng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm giống và tôm thương phẩm trong tập đoàn bắt đầu có hiệu quả.

Lũy kế 2 quý đầu năm 2024, doanh thu thuần của Minh Phú đạt 6.488 tỷ đồng, tăng 45% YoY, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 45,6 tỷ đồng. Minh Phú đặt mục tiêu đạt 1.265 tỷ đồng lãi ròng hợp nhất trong năm 2024, nhưng với kết quả hiện tại, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 3,6% kế hoạch.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex, FMC)

Trong kỳ, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu thuần đạt 842 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp đạt 87,4 tỷ đồng, tăng 30,6% YoY. Doanh thu tài chính tăng 69% lên 39,7 tỷ đồng, trong khi chi phí kỳ này giảm mạnh từ 7,9 tỷ đồng xuống 2,8 tỷ đồng.

Kết quả quý II, Fimex báo lãi 72,4 tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đạt 1.901 tỷ đồng, tăng 25,4%; lãi sau thuế đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái đạt 114 tỷ đồng. Đại diện Thực phẩm Sao Ta cho biết, kết quả tăng trưởng tích cực này chủ yếu nhờ sản lượng tôm tự nuôi và hoạt động tiêu thụ ổn định, đặc biệt là từ hoạt động xuất khẩu.

CTCP Vĩnh Hoàn (VHC)

CTCP Vĩnh Hoàn vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 3.196 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng 28% lên 2.734 tỷ đồng, dẫn đến lãi sau thuế chỉ đạt 336 tỷ đồng, giảm 26% YoY. Lãi ròng đạt gần 314 tỷ đồng, giảm 28% so với quý II/2023. Doanh nghiệp giải thích sự sụt giảm này là do giá bán nhóm sản phẩm cá tra giảm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần tăng 22% lên 6.051 tỷ đồng, nhưng lãi ròng chỉ đạt 484 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ. Trong năm 2024, Vĩnh Hoàn đặt ra hai kịch bản kinh doanh với doanh thu thuần dự kiến từ 10.700 tỷ đồng đến 11.500 tỷ đồng, và lãi sau thuế từ 800 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng.

CTCP Nam Việt

Trong quý II/2024, Nam Việt ghi nhận doanh thu đạt 1.193,4 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 17,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế nửa đầu năm 2024, doanh thu đạt 2.209,4 tỷ đồng, giảm 0,9% YoY, và lợi nhuận sau thuế đạt 34,41 tỷ đồng, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Nam Việt đặt mục tiêu tổng doanh thu 5.000 tỷ đồng trong năm 2024, nhưng hiện tại chỉ mới hoàn thành 11,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Ước tính XK thủy sản trong tháng 7/2024 đạt trên 885 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kế trong 6 tháng qua, đồng thời là tháng có kim ngạch XK cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Lũy kế 7 tháng đầu năm, XK thủy sản của Việt Nam đạt 5,28 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu tthủy sản tăng `4% trong tháng 7

Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu (XK) thủy sản trong tháng 7/2024 ước đạt trên 885 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng qua và cũng là tháng có kim ngạch XK cao nhất từ đầu năm đến nay. Tính lũy kế 7 tháng đầu năm, XK thủy sản đạt 5,28 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 7 ghi nhận sự tăng trưởng khởi sắc của tất cả các sản phẩm chủ lực, đặc biệt là tôm với mức tăng 11%, cao nhất trong 7 tháng đầu năm. XK tôm sang Trung Quốc và EU tăng lần lượt 24% và 32%, trong khi sang Mỹ tăng 9% và Nhật Bản tăng 4%; XK sang Hàn Quốc giảm 21%. Lũy kế XK tôm đạt gần 2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tôm chân trắng đạt 1,45 tỷ USD, tăng 4%, tôm sú đạt 246 triệu USD, giảm 10%, và XK tôm hùm tăng gần 3 lần đạt 145 triệu USD.

XK cá tra trong tháng 7 tăng 23%, với mức tăng trưởng 2 con số từ 20-40% ở hầu hết các thị trường chính, ngoại trừ EU tăng nhẹ 5%. Lũy kế 7 tháng đầu năm, XK cá tra đạt gần 1,09 tỷ USD, tăng 7,7% YoY. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam với giá trị 317 triệu USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ, chủ yếu tiêu thụ cá tra cỡ lớn và sản phẩm phile. XK bong bóng cá tra đạt khoảng 50 triệu USD, trong đó 40 triệu USD xuất sang Trung Quốc, chiếm 80%.

XK cá ngừ tháng 7 tăng chậm lại, chỉ tăng 9% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng, XK cá ngừ đạt 555 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Từ khi Nghị định 37/2024 có hiệu lực từ 19/5/2024, các doanh nghiệp chế biến và XK cá ngừ gặp khó khăn vì quy định mới về kích thước tối thiểu cá ngừ vằn. VASEP đã gửi kiến nghị sửa đổi Nghị định 37, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ quy định IUU trong thời gian chờ điều chỉnh.

Ngoài cá ngừ, các sản phẩm thủy sản khác như mực, bạch tuộc và các loại cá biển khác cũng thiếu nguyên liệu để XK, không được xác nhận nguyên liệu khai thác để XK đi EU. XK các loại cá biển khác (trừ cá ngừ) giảm hơn 4% trong 7 tháng đầu năm. XK mực, bạch tuộc đạt khoảng 351 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm trước.

Top 4 thị trường chính có nhu cầu hồi phục rõ rệt trong tháng 7 gồm: Trung Quốc & Hồng Kông tăng 30%, Mỹ tăng 14%, Nhật Bản tăng 11%, và EU tăng 14%. Lũy kế 7 tháng đầu năm, XK thủy sản sang Mỹ và Trung Quốc – Hồng Kông đều tăng 10%, chiếm gần 18% tổng XK thủy sản của Việt Nam, đạt trên 930 triệu USD. XK sang EU tăng 10%, đạt trên 600 triệu USD, còn XK sang Hàn Quốc chỉ tăng nhẹ 1%, đạt 426 triệu USD.

Trong nửa cuối năm, Mỹ và EU dự kiến sẽ là thị trường kỳ vọng cho sản phẩm đông lạnh nhờ kinh tế hồi phục, lạm phát và lãi suất giảm. Trong khi đó, XK hàng đông lạnh sang Trung Quốc vẫn chưa đột phá do giá thấp. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là điểm đến số 1 cho phân khúc thủy sản tươi, sống phục vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch. Các mặt hàng như tôm hùm, cua, ngao, ốc của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục hút khách hàng Trung Quốc trong thời gian tới.

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/ket-qua-kinh-doanh-trai-chieu-cua-cac-doanh-nghiep-thuy-san-trong-nua-dau-nam-2024-124899.html
Zalo