Kết nối thị trường để xuất bản hội nhập quốc tế

Ngành xuất bản Việt Nam cần có những chiến lược, sự đầu tư nhất định để nhanh chóng tham gia vào thị trường xuất bản quốc tế.

Ngành xuất bản hiện nay đang bước vào một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa và các nỗ lực khuyến đọc, nâng cao văn hóa đọc của Đảng và Nhà nước, nhu cầu đọc sách và tiếp cận tri thức của độc giả Việt Nam ngày càng tăng.

Điều này mở ra những cơ hội lớn nhưng cũng không ít thách thức cho ngành xuất bản: Độc giả có nhu cầu đọc những cuốn sách nổi bật trên trên thị trường quốc tế trong thời gian sớm nhất, thậm chí là tương đương với thời điểm bản gốc được phát hành rộng rãi; Thị trường đòi hỏi nhiều đầu sách đa dạng về thể loại, chủ đề với chất lượng cao hơn nữa, nhu cầu sách ngoại văn ngày một lớn.

Đồng thời, sách của tác giả Việt trên thị trường ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, việc quảng bá, giới thiệu các xuất bản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế cũng là một nhiệm vụ quan trọng của ngành xuất bản.

Để đáp ứng, giải quyết được các nhu cầu nêu trên, chúng tôi cho rằng trước tiên các đơn vị xuất bản Việt Nam cần chủ động kết nối thị trường, tham gia chặt chẽ hơn vào các hoạt động xuất bản quốc tế, đặc biệt là các triển lãm, hội chợ sách, các chương trình giao lưu, trao đổi học thuật trong xuất bản.

Và để làm được điều này, ngoài sự chủ động của các đơn vị, chúng tôi cũng rất mong từ phía cơ quan quản lý, Cục Xuất bản, In và Phát hành có sự chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị xuất bản để đưa ra một chiến lược kết nối và hội nhập với thị trường xuất bản quốc tế, đồng thời phát triển mạnh mẽ các sản phẩm xuất bản trong nước, để ngành xuất bản Việt Nam phát triển bền vững, và khẳng định vị thế của mình trên bản đồ xuất bản thế giới.

Một số vấn đề gặp phải trong khi tham gia vào thị trường xuất bản quốc tế

1. Khai thác bản quyền

Khai thác bản quyền trong lĩnh vực xuất bản không chỉ là việc mua bán quyền dịch và phát hành tác phẩm từ quốc gia này sang quốc gia khác mà còn là nền tảng quyết định đến sự bền vững và phát triển của ngành xuất bản nói riêng, và cả ngành công nghiệp tri thức nói chung. Nếu không khai thác và bảo vệ bản quyền tốt, ngành xuất bản rất có thể sẽ khó phát triển, bị đẩy ra ngoài thị trườngthế giới, ảnh hường đến khả năng tiếp cận tri thức, văn hóa của người đọc.

Dưới đây là một số vấn đề của các đơn vị xuất bản Việt Nam khi kết nối giao dịch bản quyền với các đối tác nước ngoài:

Thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về thị trường quốc tế: Nhiều đơn vị xuất bản Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức về thị trường bản quyền quốc tế, cũng như kỹ năng đàm phán và định giá bản quyền, thậm chí không biết, không tìm được người nắm giữ bản quyền để đàm phán

Rào cản ngôn ngữ và văn hóa: Ngôn ngữ và văn hóa là rào cản lớn trong việc tìm kiếm các tác phẩm hấp dẫn, tiếp cận và đàm phán bản quyền với các đối tác nước ngoài.

Chênh lệch về giá bản quyền: Giá bản quyền ở các quốc gia phát triển thường cao hơn nhiều so với khả năng chi trả của các nhà xuất bản Việt Nam, khiến việc đàm phán mua bản quyền trở nên khó khăn hơn, hạn chế khả năng mua bản quyền của các tác phẩm chất lượng cao.

Vấn đề bảo hộ bản quyền: Việt Nam vẫn còn đối mặt với các vấn đề liên quan đến vi phạm bản quyền, làm ảnh hưởng đến uy tín và khả năng đàm phán bản quyền với các đối tác nước ngoài.

Cạnh tranh giữa các đơn vị Việt Nam: Cạnh tranh giữa các đơn vị Việt Nam khiến giá bản quyền một số đầu sách tăng cao quá mức, dẫn đến giá sách cũng tăng lên, làm độc giả khó tiếp cận hơn.

2. Nhập khẩu sách ngoại văn

Việc nhập khẩu xuất bản phẩm vào Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng kiến thức và tầm nhìn cho độc giả Việt Nam, giúp độc giả có thể tiếp cận được với những ấn phẩm nổi bật, mới nhất trên thế giới, đồng thời góp phần làm phong phú thêm nguồn tài liệu đọc trong nước. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Lựa chọn nội dung phù hợp: Việc lựa chọn sách nhập khẩu cần phải dựa trên các tiêu chí về giá trị nội dung, sự phù hợp với văn hóa, giáo dục và nhu cầu đọc của công chúng trong nước.

Đa dạng hóa nguồn sách: Cần mở rộng và đa dạng hóa nguồn sách nhập khẩu từ nhiều quốc gia và ngôn ngữ khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách ngày càng cao và đa dạng của độc giả Việt Nam.

Bảo vệ bản sắc văn hóa: Cần có sự cân nhắc khi nhập khẩu sách có nội dung nhạy cảm hoặc không phù hợp với giá trị văn hóa, đạo đức của Việt Nam.

Để giải quyết được các vấn đề trên thì các đơn vị nhập khẩu cần có nguồn lực để thẩm định nội dung, tìm kiếm các nhà cung cấp mới có giá cả cạnh tranh, nguồn hàng phong phú, chính sách hợp lý và linh hoạt.

3.Tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm sách quốc tế

Tham gia vào các hội chợ và triển lãm sách quốc tế như Frankfurt Book Fair, London Book Fair, và các sự kiện tương tự khác là một phần quan trọng trong chiến lược quảng bá và mở rộng thị trường cho ngành xuất bản. Đây không chỉ là cơ hội để giới thiệu xuất bản phẩm của mình đến với độc giả và các nhà xuất bản quốc tế mà còn là dịp để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Đồng thời, việc tổ chức hội chợ sách tại Việt Nam và mời các nhà xuất bản quốc tế đến tham dự để giới thiệu, giao dịch bản quyền cũng có tác dụng tương tự, góp phần nâng cao uy tín cho xuất bản Việt Nam, tạo điều kiện cho các đơn vị xuất bản chưa có điều kiện tham gia hội chợ quốc tế có thể tiếp xúc, trao đổi, mua bán bản quyền với các nhà xuất bản quốc tế, để hội chợ sách Việt Nam thực sự là nơi để giao lưu trao đổi về nội dung chứ không chỉ là hội chợ dành cho độc giả.

Tham gia các hội chợ, triển lãm sách quốc tế là cơ hội quan trọng để các nhà xuất bản Việt Nam quảng bá sách, mở rộng mạng lưới hợp tác và cập nhật xu hướng mới trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, các đơn vị xuất bản Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về mặt tài chính và tổ chức.

Kinh phí tham gia cao: Kinh phí tham gia một hội chợ sách quốc tế không hề nhỏ, bao gồm chi phí cho việc thuê gian hàng, in ấn và vận chuyển sách vở tài liệu trưng bày, cũng như chi phí đi lại, lưu trú cho đội ngũ tham gia. Đối với nhiều đơn vị nhỏ và vừa tại Việt Nam, việc này có thể trở thành một rào cản không nhỏ.

Visa và thủ tục đi lại: Việc xin visa để tham gia các sự kiện quốc tế ở một số quốc gia có thể trở nên phức tạp và mất thời gian, nhất là đối với những người lần đầu tiên tham gia hoặc không có đủ tài liệu chứng minh mục đích chuyến đi. Điều này có thể làm chậm trễ hoặc thậm chí ngăn cản quá trình tham gia của các đơn vị.

Khó khăn trong việc đặt hẹn: Một số gian hàng của các nhà xuất bản lớn và quan trọng thường yêu cầu phải đặt hẹn trước. Nếu không có hẹn, việc vào tham quan gian hàng và trao đổi thông tin, thảo luận là điều không thể. Điều này đòi hỏi các đơn vị phải có sự chuẩn bị và lên kế hoạch cụ thể từ rất sớm, vì lịch hẹn của các nhà xuất bản này thường kín từ trước hội chợ vài ba tháng.

4. Quảng bá tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài

Quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế là một bước đi quan trọng, nhằm nâng cao vị thế của văn hóa và xuất bản Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt việc này thì cần giải quyết được các vấn đề như sau.

Catalog giới thiệu: Catalog là công cụ quảng bá quan trọng giới thiệu xuất bản phẩm đến đối tác và độc giả quốc tế. Việc soạn thảo một catalog hấp dẫn đòi hỏi sự tỉ mỉ trong thiết kế, lựa chọn nội dung sao cho phản ánh được giá trị và đặc trưng của từng cuốn sách, đồng thời cần phải dễ hiểu và thu hút người đọc quốc tế. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về thị trường mục tiêu và khả năng sáng tạo cao trong việc truyền đạt thông điệp.

Cách thức pitching và giới thiệu xuất bản phẩm: Pitching là quá trình giới thiệu và thuyết phục đối tác quốc tế quan tâm đến sản phẩm của mình. Việc này đòi hỏi kỹ năng giao tiếp, thuyết trình tốt, cũng như sự am hiểu về văn hóa kinh doanh và thị hiếu của từng thị trường. Ngoài ra, việc lựa chọn nội dung phù hợp để giới thiệu, cách thức trình bày sao cho ngắn gọn, rõ ràng nhưng vẫn đủ sức thuyết phục là một khó khăn không nhỏ, đặc biệt với những nền xuất bản không có nhiều kinh nghiệm bán bản quyền cho nước ngoài như Việt Nam.

Kinh phí dịch thuật sample: Một trong những bước quan trọng để quảng bá sách ra thị trường quốc tế là phải có bản dịch mẫu (sample) chất lượng cao. Việc dịch thuật đòi hỏi kinh phí không nhỏ, nhất là khi cần dịch thuật chính xác những tác phẩm có giá trị văn hóa, ngôn ngữ đặc biệt hoặc chứa nhiều yếu tố tinh tế. Kinh phí cho dịch thuật và biên tập bản dịch để đạt được chất lượng tốt nhất có thể trở thành gánh nặng cho các nhà xuất bản Việt Nam.

Đề xuất, kiến nghị:

- Cơ quan quản lý và hội Xuất bản tổ chức các khóa đào tạo về luật bản quyền quốc tế, kỹ năng đàm phán và quản lý bản quyền cho các cá nhân và tổ chức trong ngành xuất bản. Có thể mời chuyên gia trong và ngoài nước đến giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm.

- Phát triển một hệ thống thông tin bản quyền chuyên nghiệp, giúp các nhà xuất bản dễ dàng tìm kiếm, chia sẻ thông tin một cách hiệu quả.

- Tăng cường thực thi pháp luật về bảo hộ bản quyền nhằm bảo vệ uy tín của ngành xuất bản Việt Nam.

- Đề xuất nhà nước có chính sách hỗ trợ tài chính cho các nhà xuất bản tham gia hội chợ quốc tế, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc này các nước như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm rất tốt.

- Hỗ trợ các đơn vị nhập khẩu xuất bản phẩm bằng các chính sách về thuế, hỗ trợ thẩm định (nếu cần), tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để các đơn vị nhập khẩu mới có cơ hội tìm hiểu, mở rộng mạng lưới nhà cung cấp nước ngoài.

- Tổ chức workshop hoặc khóa học về kỹ năng pitching và giao tiếp quốc tế, giúp các nhà xuất bản và tác giả trang bị đủ kỹ năng thuyết trình và giới thiệu sản phẩm một cách hiệu quả.

- Lập quỹ hỗ trợ dịch thuật, hỗ trợ kinh phí dịch sample, tài trợ xuất bản đối với các tác phẩm Việt Nam xuất bản ở nước ngoài.

Nhã Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/ket-noi-thi-truong-de-xuat-ban-hoi-nhap-quoc-te-post1467124.html
Zalo