Kết nối sức mạnh, lan tỏa giá trị nhân văn của tín dụng chính sách
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH) cho thấy 'ý Đảng hợp với lòng dân'.
Chỉ thị số 40-CT/TW đã kết nối và phát huy sức mạnh to lớn của cả hệ thống chính trị, đồng sức đồng lòng thực hiện hoạt động tín dụng chính sách mang đậm tính nhân văn. Tất cả vì mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đổi mới từ tư duy đến hành động
Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch hành động nhằm triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời phổ biến, quán triệt đến đội ngũ cán bộ chủ chốt, tập trung tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trong tỉnh nắm vững những nội dung cơ bản, ý nghĩa, tầm quan trọng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng CSXH; gắn công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW với giáo dục, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội đối với tín dụng CSXH; lãnh đạo, chỉ đạo đưa hoạt động tín dụng CSXH thành nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và 5 năm (2021-2025).
Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW đã làm thay đổi một cách sâu sắc về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội đối với tín dụng CSXH. Phát huy sức mạnh to lớn của cả hệ thống chính trị, hoạt động tín dụng CSXH không ngừng được hoàn thiện về mọi phương diện, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, tạo được lòng tin của người dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của Ngân hàng CSXH.
Những năm qua, mặc dù kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, Ngân hàng CSXH tỉnh tranh thủ nguồn vốn trung ương, đẩy mạnh huy động nguồn vốn địa phương. Hàng năm, đơn vị chủ động tham mưu UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên dành nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn, mở rộng hoạt động cho vay. Tính đến ngày 30-6-2024, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 7.305 tỷ đồng, tăng 4.504 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Trong đó, nguồn vốn trung ương đạt 5.798 tỷ đồng, chiếm 79,4% tổng nguồn vốn, tăng 3.185 tỷ đồng so với cuối năm 2014 (tăng 2,2 lần); nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 1.037 tỷ đồng, chiếm 14,2% tổng nguồn vốn, tăng 878 tỷ đồng so với cuối năm 2014 (tăng 6,5 lần).
Từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã ưu tiên dành một phần ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH, năm sau cao hơn năm trước. Tổng nguồn vốn ủy thác đạt 470 tỷ đồng, chiếm 6,4% tổng nguồn vốn, tăng 440 tỷ đồng (tăng gấp 15,6 lần) so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW (trong đó, ngân sách tỉnh tăng 254 tỷ đồng, ngân sách huyện tăng 186 tỷ đồng). Đây là những minh chứng cụ thể cho thấy Chỉ thị số 40-CT/TW đã đi vào cuộc sống. Từ đó, tạo ra những bước chuyển biến đột phá đối với tín dụng CSXH, huy động và xây dựng nguồn lực cần thiết để phát huy vai trò chủ lực, trụ cột của tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Lan tỏa giá trị nhân văn
Tỉnh Gia Lai có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số hơn 1,6 triệu người. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 46,3%, chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar. Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp huyện, 220 đơn vị hành chính cấp xã, 1.576 thôn, làng, tổ dân phố (trong đó có 1 huyện nghèo, 43 xã đặc biệt khó khăn, 7 xã biên giới, 384 thôn, làng đặc biệt khó khăn). Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 31.502 hộ nghèo, chiếm 8,11%; 35.749 hộ cận nghèo, chiếm 9,21%; trong đó có 28.173 hộ nghèo người dân tộc thiểu số, chiếm 17,05% số hộ người dân tộc thiểu số.
Qua 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW đã thể hiện rõ sự đồng hành, thấu hiểu giữa “ý Đảng với lòng dân”, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Thực tiễn cho thấy sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của Ngân hàng CSXH tỉnh.
Tín dụng CSXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành nguồn động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, là công cụ hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Điều này một lần nữa khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, tạo sự đột phá mạnh mẽ; đồng thời, việc cho vay thông qua các hội, đoàn thể không những tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi mà còn được các hội, đoàn thể hướng dẫn, giúp đỡ cách thức sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo; thể hiện sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách của Đảng với tình hình kinh tế-xã hội tại địa phương, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, được người dân đồng tình ủng hộ.
Giai đoạn 2014-2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 23,73% xuống còn 11,36%; giai đoạn 2016-2021 giảm từ 19,71% xuống còn 16,55%; giai đoạn 2021-2023 giảm từ 12,09% xuống còn 8,11%. Đến nay, toàn tỉnh có 91 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngân hàng CSXH đã khẳng định địa vị pháp lý là một tổ chức tín dụng đặc biệt của Nhà nước. Với mô hình tổ chức, phương thức hoạt động đặc thù, đơn vị đang phát huy hiệu quả thiết thực, đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Trong 10 năm qua, việc sử dụng công cụ tín dụng chính sách hiệu quả là “đòn bẩy” mềm giúp cho các đối tượng chính sách, người yếu thế phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Toàn tỉnh có 532.257 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; giúp cho 55.555 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 15.357 học sinh, sinh viên khó khăn có điều kiện đi học; tạo điều kiện cho 53.968 lao động vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tăng thu nhập; giúp 235 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng 242.017 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia; hỗ trợ xây dựng 3.022 căn nhà cho hộ nghèo và người dân tộc thiểu số.
Tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho tín dụng chính sách
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, Ngân hàng CSXH tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số văn bản khác có liên quan về tín dụng CSXH đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH các cấp. Xác định công tác tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/NQ-QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Xác định nội dung, nhiệm vụ, bố trí đủ, kịp thời nguồn tài chính tín dụng CSXH theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng CSXH trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.
Tập trung rà soát, có kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách liên quan, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng CSXH mở rộng huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và xã hội. Hàng năm và trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác và các nguồn vốn hợp pháp khác sang Ngân hàng CSXH. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 15% tổng nguồn vốn tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội là lực lượng nòng cốt thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động tín dụng CSXH; triển khai có hiệu quả các nội dung chương trình phối hợp, công tác nhận ủy thác. Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện tốt công tác huy động vốn, sử dụng vốn hiệu quả, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi đặc thù của tỉnh đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.