Kết nối, phát triển chuỗi nguyên liệu cho xuất khẩu nông sản
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với nhiều tỉnh, thành phố chủ động duy trì, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng, cấp giấy chứng nhận áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, phục vụ xuất khẩu nông sản... Qua đó, góp phần kết nối, phát triển chuỗi nguyên liệu cho xuất khẩu nông sản.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 1,932 tỷ USD
Theo Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và thương mại dịch vụ Lê Gia (Mắm Lê Gia, tỉnh Thanh Hóa) Lê Anh, sau 8 năm khởi nghiệp, Mắm Lê Gia có mặt tại hầu hết siêu thị lớn trên toàn quốc và xuất khẩu đến Hoa Kỳ, Australia, Singapore, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc... Doanh nghiệp xác định, xuất khẩu mắm truyền thống không chỉ là hoạt động kinh tế thương mại thuần túy mà còn là xuất khẩu giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống. Thời gian qua, doanh nghiệp được các ngành chức năng của thành phố Hà Nội hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 1,932 tỷ USD, trong đó, hàng nông sản thực phẩm đạt 1,3 tỷ USD, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện có 300 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đa số đặt nhà máy tại Hà Nội, thu mua nguyên liệu từ các tỉnh, thành phố để đóng gói, xuất khẩu. Đến nay, Hà Nội đang duy trì và phát triển 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung. Điều này góp phần đưa Hà Nội trở thành một trong những địa phương có nhiều tiềm năng xuất khẩu mặt hàng nông sản chủ lực ra thị trường nước ngoài.
Nhằm tăng giá trị xuất khẩu, thời gian qua, ngành Nông nghiệp chủ động tham mưu chỉ đạo, lồng ghép các kế hoạch tăng cường công tác bảo đảm sản xuất phục vụ tiêu thụ trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt quy định nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, hiện nay, trên địa bàn thành phố có một số sản phẩm nông sản xuất khẩu chính, là: Quế, hồi, gia vị (tỏi, gừng, ớt…), chè xanh, chè đen, cà phê, rau, củ, quả…
Đối với vùng nguyên liệu, ngành Nông nghiệp đang tích cực triển khai việc cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm nông sản nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và nâng cao chất lượng quản lý nông sản. Đến nay, Hà Nội đã được cấp 14 mã số vùng trồng cây ăn quả (bưởi, nhãn, chuối), rau và 4 cơ sở đóng gói với công suất 30-50 tấn/ngày/cơ sở phục vụ xuất khẩu. Các vùng trồng được cấp mã duy trì điều kiện đáp ứng yêu cầu nước nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, châu Âu, Anh, Australia, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Thời gian tới, thành phố tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu như: Hơn 7.000ha lúa Japonica; 3.200ha chuối tiêu hồng; trên 5.000ha rau an toàn; 50ha rau hữu cơ và nhiều sản phẩm chế biến có tiềm năng xuất khẩu…
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đang gặp khó khăn trong tiếp cận các vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế, đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường “kỹ tính” về tiêu chuẩn hữu cơ, GlobalGAP, HACCP, ISO 22000...
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội Lê Văn Tuấn cho biết, để xuất khẩu sản phẩm lúa gạo, các địa phương cần tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, khuyến khích doanh nghiệp và người dân liên kết với nhau; đẩy mạnh xây dựng các vùng trồng đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm gắn liền với vùng chuyên canh có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Thành phố Hà Nội cũng cần đẩy mạnh xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa an toàn gắn với mã số vùng trồng; chú trọng xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu cho mặt hàng nông sản chủ lực, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường xuất khẩu rau, củ, quả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại, rào cản thị trường trọng điểm, các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; phối hợp với các tỉnh, thành phố thực hiện việc bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu, có lợi thế sản xuất, xuất khẩu, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có khả năng đáp ứng quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường…
Còn theo Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Duy, thành phố Hà Nội cần lựa chọn sản phẩm có thế mạnh, xây dựng lộ trình sản xuất gắn với chế biến để xuất khẩu; xác định sản phẩm chủ lực có tiềm năng canh tác, đầu tư vùng nguyên liệu đủ lớn, liên kết với các tỉnh, thành phố đầu tư vùng nguyên liệu đưa về chế biến tại Hà Nội. Thành phố Hà Nội cũng cần đầu tư mới, nâng cấp chợ đầu mối, trung tâm logistics nông, lâm, thủy sản thu gom nguyên liệu từ các tỉnh đưa về bảo quản, chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, cung ứng dịch vụ triển lãm hội chợ, hội nghị hội thảo, đào tạo tập huấn nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp và hệ thống thực phẩm bền vững mở rộng thị trường xuất khẩu.