Kết nối giao thông tại Khu Kinh tế Dung Quất
(Báo Quảng Ngãi)- Dung Quất là KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, được xác định là nơi hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia; là trung tâm logistics, trung tâm đô thị, dịch vụ lớn của tỉnh và khu vực. Vì vậy, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông vành đai, giao thông nội vùng cho KKT Dung Quất là vấn đề hết sức cần thiết để phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững.
Kết nối giao thông vành đai
Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Trần Văn Mẫn cho biết, hiện nay KKT Dung Quất có hệ thống giao thông vành đai khá thuận tiện, bao gồm cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không và đường sắt. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đặc biệt là cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai đang giữ vai trò là đầu mối vận chuyển hàng hóa và giao thương quốc tế cho cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Đây cũng là “điểm cộng” để nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào KKT Dung Quất.
Theo công bố của Bộ Xây dựng, hiện nay ở cảng nước sâu Dung Quất có 7 bến cảng nằm trong danh mục các cảng biển Việt Nam, gồm: Bến xuất sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; bến cảng PTSC Quảng Ngãi; bến cảng Germadept Dung Quất; bến cảng tổng hợp- container Hòa Phát Dung Quất; bến cảng Doosan - Dung Quất; bến cảng Tổng hợp Hào Hưng; bến cảng chuyên dùng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Với hệ thống cảng biển thuận lợi, DN đầu tư tại đây đã được thụ hưởng chi phí vận chuyển giá rẻ đối với nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên liệu và khi xuất hàng đi, có điều kiện để hạ giá thành sản phẩm do chi phí vận chuyển thấp.

Thi công nâng cấp đường giao thông trong Khu Kinh tế Dung Quất.
Về kết nối đường bộ, cùng với Quốc lộ (QL) 1 là các tuyến đường đã và đang xây dựng như Hoàng Sa - Dốc Sỏi (tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng), đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng). Ngoài ra còn có cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, tuyến đường vành đai Trì Bình - cảng Dung Quất hiện chưa khớp nối với cao tốc. Hy vọng, khi nút giao Dung Quất - Trì Bình được xây dựng hoàn thành sẽ là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối trực tiếp KKT Dung Quất với cao tốc Bắc - Nam. Từ đó, hình thành các trục giao thông động lực đông - tây theo đúng định hướng của Đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 đã được phê duyệt.
Hoàn thiện giao thông nội vùng
Theo báo cáo của Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh (Ban Quản lý), hiện toàn KKT Dung Quất có 29 tuyến giao thông, với tổng chiều dài gần 50km. Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường đều được xây dựng đã lâu, quy mô đầu tư tương đối nhỏ, thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao. Một số tuyến có độ dốc lớn, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông cho người dân và DN trong vận chuyển hàng hóa.
Năm 2024, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn KKT Dung Quất, với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Dự án do Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh làm chủ đầu tư; thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2027. Dự án có quy mô đầu tư, gồm nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới tuyến đường Trì Bình - vòng xoay Thiên Đàng (khoảng 3,4km); tuyến vòng xoay Thiên Đàng - Chu Lai (dài khoảng 1,8km); tuyến nối QL1- Tịnh Phong - Bình Tân, giai đoạn 1 (khoảng 1,5km); tuyến Lâm Viên - Vạn Tường (đầu tư mới đoạn cuối tuyến khoảng 1,1km).
Theo Ban Quản lý, dự án này đã được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2025, tỉnh đã bố trí 100 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để thực hiện dự án; còn 250 tỷ đồng sẽ tiếp tục bố trí trong những năm tiếp theo. Hiện Ban Quản lý đang tiến hành tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập thiết kế, bản vẽ thi công dự án, quyết tâm khởi công trước tháng 6/2025. Mục tiêu của dự án này nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, đảm bảo kết nối thông suốt trong KKT Dung Quất và các khu vực xung quanh.
Mới đây, Ban Quản lý tiếp tục kiến nghị tỉnh bổ sung tuyến đường QL24C (đoạn từ ngã tư Bình Thuận đến cảng Dung Quất) vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tạo tiền đề đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030. Hiện nay tuyến đường này chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng trọng tải cho việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng qua cảng Dung Quất đi đến QL1 và tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng. Trong khi đó, tại đây hiện có các dự án lớn như Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, Cảng tổng hợp - container; các dự án cơ khí, dịch vụ cảng, nhất là dự án Sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt đang triển khai xây dựng, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng, thiết bị sẽ tăng lên đột biến. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông tại KKT Dung Quất là rất cần thiết.