Kết nối giao thông nông thôn đồng bộ, hiệu quả - Bài cuối: Bài học kinh nghiệm về khơi sức dân

Nhờ những nghị quyết đột phá về hạ tầng nông thôn của những nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt là Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh, những tuyến đường thôn, đường nội đồng được bê tông hóa, những cây cầu xi măng cốt thép chắc chắn thay thế dần những cây cầu tạm đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của người dân. Có được kết quả đó chính là bài học về khơi sức dân.

>> Bài 1: Đột phá về hạ tầng giao thông

>> Bài 2: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu

Cầu, đường cho làng, đất “vàng” cũng hiến

Kể từ khi tuyến đường liên thôn Cây Chanh - Quang Sơn, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) được hoàn thành, cuộc sống của người dân đã thay đổi hẳn. Theo lời của đồng chí Mông Thanh Vấn, Chủ tịch UBND xã, để có được tuyến đường này sức dân là vô cùng lớn. Họ sẵn sàng hiến những tấc đất vàng, những bờ xôi, ruộng mật tài sản quý giá nhất của người nông dân để đơn vị thi công thực hiện theo đúng kế hoạch mà không mong chờ một điều gì từ cộng đồng.

Gia đình ông Lương Văn Oánh là 1 trong 15 hộ dân thôn Cây Chanh xung phong hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng đường thôn. Ông Oánh chia sẻ: Chỉ một năm trước thôi tuyến đường này được người dân thôn ví là đường đau khổ, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù trời, đã vậy đường lại nhỏ hẹp.

Cây cầu thôn Bản Tha, xã Hồng Quang (Lâm Bình) đã được xây dựng nhờ sự đồng lòng của người dân.

Cây cầu thôn Bản Tha, xã Hồng Quang (Lâm Bình) đã được xây dựng nhờ sự đồng lòng của người dân.

Giao thông đi lại khó khăn nên nông sản bà con làm ra cũng khó tiêu thụ nên cuộc sống khốn khó mãi. Năm 2023, tỉnh cho chủ trương bê tông hóa đường thôn đúng như ý nguyện cả thôn Cây Chanh ai cũng mừng. Để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công ông đã hiến 360 m2 đất bao gồm cả đất vườn trồng cây ăn quả và đất rừng, ông cũng không quên trách nhiệm đóng góp kinh phí để làm đường.

Từ những “tấc vàng” đóng góp của người dân thôn Lẹm cũng đã hình thành nên con đường được đánh giá là đẹp nhất xã Kháng Nhật (Sơn Dương). Theo lời của người dân thôn Lẹm thì đường thôn đạt tiểu chuẩn kỹ thuật cao nhất của đường nông thôn, với chiều ngang đường 5 m, trong đó 3 m đường bê tông, 2 hành lang và rãnh thoát nước.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường vừa mới hoàn thành, ông Dương Minh Hà không giấu nổi niềm tự hào. Ông Hà chia sẻ: Ông rất toại nguyên khi Nhà nước cho người dân thôn ông làm lại con đường, quê hương ông cũng đổi mới từ đây. Đường được mở rộng không chỉ đời ông mà đời con cháu mình cũng được hưởng nên việc hiến 650 m2 đất, hay nhiều hơn nữa vì sự phát triển của thôn ông cũng rất sẵn lòng - ông Hà cười mãn nguyện.

Phong trào hiến đất làm đường, xây cầu trên đường giao thông nông thôn đã và đang lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều địa phương, người dân hiểu rằng đây chính là cơ hội để họ đóng góp xây dựng quê hương. Đồng chí Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải khẳng định: Mỗi đoạn đường nông thôn, mỗi cây cầu nối liền các khu vực ở các thôn bản được dựng lên là công, là của của rất nhiều người dân đóng góp.

Bài học từ khơi sức dân

Thực tiễn triển khai chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn và làm cầu trên đường giao thông nông thôn thời gian qua đã chứng minh một bài học quý báu là: Khi chủ trương đúng với ý nguyện của nhân dân sẽ nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao từ người dân. Từ đó, cũng dễ dàng khơi dậy được sức dân trong quá trình thực hiện. Nhiều nơi, trong quá trình triển khai thực hiện, Nhân dân đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất rừng, đất vườn, đất ở, tham gia tích cực giải phóng các công trình, hoa màu, tài sản trên đất để làm đường, làm cầu. Đồng thời đóng góp tiền của để thuê máy móc, thiết bị thi công.

Vật liệu được tập kết để hoàn thành những mét đường giao thông nông thôn cuối cùng tại thôn Lẹm, xã Kháng Nhật (Sơn Dương).

Vật liệu được tập kết để hoàn thành những mét đường giao thông nông thôn cuối cùng tại thôn Lẹm, xã Kháng Nhật (Sơn Dương).

Đồng chí Vũ Hữu Minh, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Lẹm, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) chia sẻ: Năm 2023, 2024 huyện triển khai mở rộng 2 tuyến đường và xây dựng cầu trên đường thôn với tổng chiều dài khoảng 4,4 km, liên quan đến hơn 10 hộ dân nằm dọc theo trục đường. Theo lời của đồng chí Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Lẹm, khi có chủ trương mở đường, ông cũng mất ăn, mất ngủ, chỉ lo, đường mở rộng sẽ ăn sâu vào đất của dân khó có thể thực hiện.

Ấy vậy mà chỉ sau 1 - 2 lần gặp gỡ các hộ nằm dọc trên trục đường, nói về lợi ích của con đường khi được mở rộng, ông Minh đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của tất cả người dân. Ông Minh phấn khởi bảo, hơn 10 hộ dân nằm dọc theo trục đường cùng đồng tâm ký vào bản giao ước sẵn sàng hiến đất, tất cả vì lợi ích của cả cộng đồng. Riêng năm 2023 và 10 tháng của năm 2024, người dân thôn Lẹm đã hiến gần 4.000 m2 đất, bê tông 2 tuyến ngõ, tổng chiều dài 4,4 km. Thôn Lẹm là thôn khó khăn, với chiều dài tuyến đường nhiều nhất song đã bê tông hóa được toàn bộ tuyến đường thôn - ông Minh tự hào.

Trưởng thôn Cây Chanh, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) Lục Thế Anh cũng chia sẻ: Muốn làm được đường, điều quan trọng là phải làm tốt công tác tuyên truyền đến từng người dân về mục đích, ý nghĩa của việc hoàn thiện, tu sửa và nâng cấp. Qua mỗi buổi họp xóm, anh đã thực hiện tốt công việc này và làm cho mọi người dân đồng tình ủng hộ. Do được biết, được bàn, được làm và được hưởng lợi, nên người dân tham gia làm đường rất nhiệt tình, với tinh thần đoàn kết, tự nguyện, tự giác, có ý thức giúp đỡ lẫn nhau, tích cực tham gia lao động. Huy động được sức dân và tinh thần đoàn kết toàn dân sẽ làm được đường giao thông nông thôn.

Theo đồng chí Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Công sức, tiền của của người dân và sự hỗ trợ từ Nhà nước đã bê tông hóa được gần 900 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 431,96 km đường thôn; 468,95 km đường nội đồng, đạt 83,41% kế hoạch; 161 cầu dân sinh, đạt 80,5% kế hoạch. Kế hoạch bê tông hóa 1.080 km đường giao thông nông thôn và xây dựng 200 cầu dân sinh trên đường giao thông nông thôn chắc chắn sẽ về đích, hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối nội tỉnh, nội vùng, liên tỉnh, liên vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/ket-noi-giao-thong-nong-thon-dong-bo-hieu-qua-bai-cuoi-bai-hoc-kinh-nghiem-ve-khoi-suc-dan-202535.html
Zalo