Kết nối du lịch 'biển xanh - đại ngàn' mở ra cơ hội mới

Việc Phú Yên và Đắk Lắk sáp nhập đang được dư luận quan tâm không chỉ ở góc độ hành chính mà còn mở ra những tiềm năng phát triển KT-XH đa ngành, đặc biệt là ngành Du lịch. Trong đó, việc xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng 'biển xanh - đại ngàn' sẽ trở thành điểm nhấn, góp phần hình thành tuyến du lịch đông - tây độc đáo, gắn kết thiên nhiên, văn hóa và khí hậu giữa vùng duyên hải và Tây Nguyên.

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật của Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk thu hút khán giả tại Hội chợ du lịch Phú Yên diễn ra hồi tháng 4/2025. Ảnh: TRẦN QUỚI

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật của Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk thu hút khán giả tại Hội chợ du lịch Phú Yên diễn ra hồi tháng 4/2025. Ảnh: TRẦN QUỚI

Biển gọi rừng - cánh cửa du lịch hai chiều

Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, sở hữu bờ biển dài 189km với nhiều vịnh, gành, đảo, bãi tắm đẹp như: Gành Đá Đĩa, Bãi Xép, vịnh Xuân Đài, Vũng Rô, Bãi Môn - Mũi Điện - nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam. Trong khi đó, Đắk Lắk lại nổi tiếng với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, những cánh rừng nguyên sinh, thác nước hùng vĩ như Dray Nur, Yok Đôn, Hồ Lắk - nơi gắn với sử thi, truyền thuyết huyền thoại của người Ê Đê, M’Nông...

Nếu như Phú Yên có mùa nắng kéo dài gần như quanh năm thì Tây Nguyên, đặc biệt là Đắk Lắk, lại có mùa mưa rõ rệt và đặc biệt là đối nghịch nhau: Phú Yên vào mùa nắng cao điểm thì Đắk Lắk đang là mùa mưa kéo dài. Sự đối lập này không phải là trở ngại, mà ngược lại, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng sản phẩm du lịch bổ sung theo mùa giữa hai khu vực. Khi mùa mưa bắt đầu trút xuống Tây Nguyên cũng là lúc biển Phú Yên bước vào mùa nắng đẹp, sóng yên biển lặng - một điểm đến lý tưởng cho du khách từ vùng cao nguyên xuống biển “trốn mưa”.

Ngược lại, khi miền biển Phú Yên bắt đầu vào mùa gió chướng, du khách từ Tuy Hòa hoàn toàn có thể ngược tuyến quốc lộ 29 hoặc quốc lộ 25 để khám phá đại ngàn Đắk Lắk - nơi mùa đông không sụt sùi mưa gió mà nắng đẹp kéo dài cho đến mùa xuân xanh mướt rừng, cà phê trổ bông và rực rỡ sắc hoa dã quỳ.

Du khách Đắk Lắk thích thú với slogan du lịch “Đi Phú Yên đi”. Ảnh: TRẦN QUỚI

Du khách Đắk Lắk thích thú với slogan du lịch “Đi Phú Yên đi”. Ảnh: TRẦN QUỚI

Phú Yên - cửa ngõ biển Đông

Đắk Lắk - tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất vùng Tây Nguyên, dân số đông và nhu cầu du lịch biển ngày càng tăng mạnh. Với khoảng cách từ trung tâm TP Buôn Ma Thuột đến Tuy Hòa chỉ khoảng 200km theo tuyến quốc lộ 29, tương đương khoảng 4 giờ xe chạy, đây là tuyến ngắn nhất để cư dân Đắk Lắk tiếp cận biển.

Theo thống kê của Sở VHTT&DL, trong dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, toàn tỉnh đón khoảng 85.000 lượt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượt khách lưu trú ước đạt 52.700 lượt khách, tăng 42% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng thị trường khách các tỉnh Tây Nguyên chiếm phần lớn. Các khách sạn ven biển như: Sala Grand Tuy Hòa, Rosa Alba Resort, Stelia Beach Resort, Sao Mai Beach Resort, Mandala Hotel & Spa Phú Yên, các khách sạn, homestay khu vực gần biển đạt công suất phòng 100% trong những ngày cao điểm của kỳ nghỉ. Các điểm đến dịch vụ du lịch biển như Long Thủy, Bãi Xép, bãi biển Tuy Hòa, Bãi Môn - Mũi Điện, Vũng Rô... đều đông nghịt du khách mang biển số xe từ Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum...

“Gia đình tôi ở Buôn Ma Thuột, cứ hè hoặc dịp lễ là lại xuống Tuy Hòa vì biển ở đây đẹp, chi phí hợp lý, đồ ăn ngon, bây giờ chuẩn bị sáp nhập về chung một nhà càng gần gũi và thân thiết hơn”, anh Trần Văn Nhân, một du khách Đắk Lắk cho biết. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều người dân xứ sở cà phê hiện nay: lựa chọn Phú Yên là điểm du lịch biển thân thiện, gần gũi, dễ đi.

Xây dựng sản phẩm liên kết biển - rừng

Thật ra không phải đến thời điểm này những người làm du lịch hai địa phương mới nghĩ đến việc liên kết vùng, xây dựng các sản phẩm du lịch bổ trợ, mà điều này đã được đặt ra và triển khai thực hiện khá sớm. Nghĩa là từ khi chưa có chủ trương Phú Yên và Đắk Lắk sáp nhập, thì việc phát triển sản phẩm du lịch biển - rừng giữa hai địa phương đã được xem như một mô hình mẫu của liên kết phát triển vùng. Đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh khách du lịch ngày càng ưa chuộng trải nghiệm tổng hợp, đa dạng cảnh quan, khí hậu và văn hóa.

Căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2022, lãnh đạo UBND 6 tỉnh (Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Kon Tum và Phú Yên) đã thống nhất ký kết hợp tác phát triển du lịch, giai đoạn 2022-2027. Mục tiêu là phát huy tối đa tài nguyên du lịch của từng địa phương, khai thác nguồn lực hợp lý, tạo động lực phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cộng đồng dân cư các địa phương. Đồng thời hình thành các tour du lịch chung, mang đặc trưng riêng của mỗi địa phương, nhằm xây dựng thương hiệu chung; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người từng địa phương đến với du khách trong và ngoài nước nhằm mở rộng, phát triển thị trường.

Để tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp du lịch Phú Yên và Đắk Lắk, cuối tháng 5 này, Hiệp hội Du lịch Phú Yên thống nhất phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk tổ chức đoàn famtrip Đắk Lắk 3 ngày (từ 30/5-1/6). Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, quà tặng rất quan tâm và đăng ký khá đông trong chuyến famtrip này để tăng cường kết nối, hợp tác, mở ra cơ hội mới...

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên Hồ Văn Tiến

Trong bối cảnh hiện nay, mối liên kết này thay đổi lớn khi hai địa phương về chung một nhà thì việc phát huy lợi thế biển - rừng để tạo nên những sản phẩm du lịch là điều hiển nhiên.

Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Sở VHTT&DL cho hay: Những năm gần đây, ngành Du lịch Phú Yên và Đắk Lắk cùng các tỉnh trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có sự hợp tác, nhằm phát huy thế mạnh đặc trưng của mỗi địa phương. Đơn cử như trong các hội chợ du lịch quốc tế tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, nhóm các tỉnh trong cụm liên kết xây dựng gian hàng chung để giới thiệu sản phẩm liên kết vùng “đại dương hòa với đại ngàn”.

Chị Nguyễn Thị Lan Vy, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Biển Việt tour (Phú Yên) cho biết: “Lâu nay các doanh nghiệp lữ hành chúng tôi vẫn duy trì tour liên kết hai tỉnh Phú Yên - Đắk Lắk với sản phẩm du lịch biển - rừng, nay cơ hội càng rõ ràng hơn để thu hút du khách ngay trong nội tỉnh giữa hai vùng. Đối với du khách các tỉnh, Biển Việt tour đang mở rộng xây dựng nhiều tour kết hợp giữa tham quan lễ hội và khám phá thiên nhiên Đắk Lắk nhằm mang đến những trải nghiệm trọn vẹn nhất cho du khách”.

Có thể nói, sự hợp tác phát triển du lịch giữa Phú Yên và Đắk Lắk đang mở ra nhiều cơ hội lớn, giúp khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của hai tỉnh. Việc tiếp tục đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và cải thiện hạ tầng sẽ giúp Phú Yên và Đắk Lắk mở ra một “trục du lịch biển - rừng” đặc sắc ở miền Trung - Tây Nguyên. Việc cụ thể hóa liên kết không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, mà còn khẳng định vai trò trung tâm của liên vùng trong phát triển du lịch bền vững, trở thành thương hiệu du lịch hấp dẫn, nâng lên một tầm cao mới trong bản đồ du lịch Việt Nam.

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/du-lich/202505/ket-noidu-lich-bien-xanh-dai-ngan-mo-ra-co-hoi-moi-f6a15e0/
Zalo