Kết nối doanh nghiệp Việt với thị trường Halal hàng nghìn tỷ USD
Việt Nam đang từng bước tham gia chuỗi giá trị Halal toàn cầu. Nhằm kết nối doanh nghiệp Việt với thị trường này, Trường Đại học Thương mại tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế đổi mới sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững, với chủ đề năm 2025 là phát triển kinh tế và thương mại Halal của Việt Nam.
Cơ hội vàng tham gia thị trường Halal
PGS.TS Đinh Công Hoàng - Viện nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi - cho biết, theo thông tin từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Halal của Việt Nam sang thị trường Trung Đông và châu Phi trong năm 2024 ước đạt gần 700 triệu USD.
Các quốc gia nhập khẩu lớn bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Nam Phi và Nigeria. Đặc biệt, khoảng 50% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này là sản phẩm Halal (thực phẩm Halal là những sản phẩm được cho phép, hợp pháp để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển).
Thị trường Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô và mức tăng dân số, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng ngày càng lớn trong tương lai.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10 (năm 2023) phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030"; thúc đẩy xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia - TCVN về lĩnh vực Halal và thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia.
Trường Đại học Thương mại, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc tế để tạo diễn đàn quy tụ các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà ngoại giao, giới doanh nhân đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các bộ ban ngành, đại sứ quán, các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế trao đổi kinh nghiệm, thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế và thúc đẩy thị trường xuất khẩu hàng hóa Halal.
Các nhà khoa học, đại biểu đề xuất bản kiến nghị chính sách gửi đến Ban Chính sách, Chiến lược T.Ư; Văn phòng Chính phủ; Bộ Công Thương, Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ; các địa phương…

Các đại biểu góp ý cho cơ hội tham gia thị trường Halal toàn cầu.
PGS.TS Nguyễn Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại - cho biết, thị trường Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn xét về quy mô, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng trong tương lai.
Hiện nay, hơn 2 tỷ người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, chiếm 25% dân số thế giới, trong đó tập trung số đông ở khu vực châu Á (62%), nhất là trong khối ASEAN.
Báo cáo từ nền tảng nghiên cứu thị trường MMR dự báo tổng doanh thu của thị trường thực phẩm Halal đến năm 2030 đạt khoảng 5.284,96 tỷ USD và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.
Trong vài năm trở lại đây, ngành kinh tế Halal đã trở thành phân khúc phát triển nhanh nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 5,2%, có lợi nhuận và sức ảnh hưởng nhất trong kinh doanh thực phẩm toàn cầu.
Sự gia tăng giá trị thị trường này cho thấy, Halal đã phát triển từ một dấu hiệu nhận dạng tuân thủ tôn giáo đến trở thành một mô hình kinh tế mang tính toàn cầu - niềm tin vào chất lượng và tính bền vững của sản phẩm Halal trong bối cảnh mối lo ngại về sức khỏe và an toàn ngày càng tăng cũng như sự lan rộng của thương mại điện tử và tiếp thị kĩ thuật số.
Gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp Việt
Việt Nam đang nổi lên như là một ngôi sao kinh tế mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có nhiều điều kiện để phát triển ngành Halal như vị trí địa lí thuận lợi, thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Cơ hội khi tham gia vào thị trường Halal toàn cầu là rất lớn, không chỉ đa dạng hóa thị trường, phát triển du lịch, mà còn mở ra việc xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh và thu hút đầu tư tài chính của các tập đoàn quốc tế, khu vực vào Việt Nam, góp phần giúp doanh nghiệp, địa phương Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển… đạt tiêu chuẩn Halal.



Việt Nam đang có nhiều cơ hội tham gia thị trường Halal toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới xuất khẩu được khoảng 20 mặt hàng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN mới chỉ đạt trên 26,37 tỷ USD chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Thực trạng này do nhiều điểm nghẽn, rào cản cả khách quan và chủ quan từ hiểu biết về thị trường, tiêu chuẩn chặt chẽ và phức tạp, quy trình sản xuất độc lập, chi phí đầu tư cao.
Ông Võ Kim Cự - Chủ tịch Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam - chia sẻ, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu đảm bảo, đơn vị này nghiên cứu văn hóa, tôn giáo của người Hồi giáo trước khi gia nhập thị trường Halal. Ông Cự đánh giá đây là thị trường tiềm năng nhưng tương đối đặc thù, yêu cầu cao.
Ông Ali Akbar Nazari - Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran - cho biết, thị trường Halal có giá trị khoảng 8.000 tỷ USD, dự kiến sẽ mở rộng lên mức ấn tượng là 12.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Sự tăng trưởng đáng chú ý này phản ánh nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm Halal.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương nơi có dân số Hồi giáo lớn nhất toàn cầu, đóng vai trò trung tâm trong thị trường năng động này, tiêu thụ ước tính 63,3% hàng hóa Halal. Những con số này nhấn mạnh những cơ hội to lớn mà nền kinh tế Halal mang lại, không chỉ cho các quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi mà còn cho các quốc gia như Việt Nam, nơi có vị thế chiến lược để phục vụ thị trường đang phát triển này.