Kết nối điện ảnh và du lịch: Bước đệm để Việt Nam thành điểm đến mới của điện ảnh thế giới
Ngày 10/9/2024, tại trụ sở báo Nhân Dân, tọa đàm với chủ đề 'Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới' diễn ra với sự tham gia của nhiều diễn giả và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực du lịch và điện ảnh.
Đây là một bước đi chiến lược nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các đoàn làm phim quốc tế. Các diễn giả tham gia không chỉ nêu bật tiềm năng mà còn nhấn mạnh những thách thức và giải pháp cần thiết để biến điều này thành hiện thực.
Những góc nhìn mới về du lịch-điện ảnh
Tọa đàm đã mở ra nhiều góc nhìn mới về việc khai thác tiềm năng kết hợp giữa du lịch và điện ảnh tại Việt Nam. Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh mục tiêu của tọa đàm là thu thập và lan tỏa những ý kiến, chia sẻ từ các chuyên gia, nhà quản lý để thúc đẩy sự phát triển du lịch thông qua điện ảnh và văn hóa. Ông khẳng định, điện ảnh không chỉ là một công cụ quảng bá hiệu quả mà còn là một phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia.
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chỉ ra rằng điện ảnh và du lịch là hai lĩnh vực có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp đáng kể. Ông nhấn mạnh sự thành công của các bộ phim như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Kong: Skull Island, cho thấy bối cảnh tuyệt đẹp tại Phú Yên, Ninh Bình, và Quảng Bình đã thu hút sự quan tâm lớn từ du khách quốc tế. Bộ trưởng cho rằng, việc quảng bá điểm đến qua điện ảnh cần được thực hiện bài bản, đồng bộ và có sự tham gia của các cơ quan truyền thông.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc sở Du lịch Ninh Bình khẳng định điện ảnh góp phần không nhỏ trong việc quảng bá danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa, di sản của các vùng miền tới du khách trong và ngoài nước, giúp thu hút khách du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Ông cho biết, năm 1992, bộ phim Pháp Indochine (Đông Dương) có một số cảnh quay ở Việt Nam trong đó có Tam Cốc-Bích Động ở Ninh Bình. Đây chính là bộ phim quay tại Việt Nam thành công nhất khi giành giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Theo ông Mạnh, sau khi bộ phim Indochine được công chiếu, khu du lịch Tam Cốc-Bích Động (Ninh Bình) được nhiều du khách quốc tế biết đến, đặc biệt là khách du lịch Pháp. Hiện nay khách du lịch Pháp, châu Âu chiếm 80% lượng khách đến khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, làm thay đổi cơ cấu khách du lịch nơi đây.
Ông cho biết thêm, gần đây Ninh Bình chứng kiến sự gia tăng đáng kể lượng khách du lịch sau khi các bộ phim như Kong: Skull Island được quay tại đây. Hiện Ninh Bình đang tiếp tục phối hợp với các đoàn làm phim để phát triển du lịch theo cách hiệu quả nhất.
Phát biểu tại tòa đàm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong khẳng định, liên kết giữa điện ảnh và du lịch là xu hướng tất yếu và còn nhiều dư địa để khai thác. Chúng ta cần tiếp tục cải thiện cơ chế, chính sách và tận dụng sức mạnh truyền thông để quảng bá hiệu quả về điện ảnh và du lịch Việt Nam.
Cơ hội và thách thức
Bàn về triển vọng trong việc phát triển du lịch kết hợp điện ảnh, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam: "Chúng ta có nền văn hóa và tài nguyên thiên nhiên phong phú. Vì thế, chúng ta cần tiếp tục khai thác sức mạnh của điện ảnh để quảng bá du lịch quốc gia. Những bộ phim nổi tiếng như Kong: Skull Island đã chứng minh khả năng của chúng ta trong việc thu hút khách du lịch thông qua điện ảnh".
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết ngành Điện ảnh đã chủ động xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Những cải cách trong Luật Điện ảnh sửa đổi 2022 sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc hợp tác giữa du lịch và điện ảnh.
Đánh giá về sự kết hợp giữa du lịch và điện ảnh, bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA), nhấn mạnh sự cần thiết của việc không “du lịch hóa” các tác phẩm điện ảnh. Bà cho rằng: "Điện ảnh cần giữ nguyên giá trị nghệ thuật của nó. Sự kết hợp giữa điện ảnh và du lịch phải được thực hiện một cách tinh tế, không làm giảm chất lượng của tác phẩm".
Bà Ngô Phương Lan cũng nhấn mạnh vai trò của cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các đoàn làm phim quốc tế. Bà cho biết, ngoài việc cấp phép nhanh chóng và linh hoạt, chính phủ cần tạo ra các ưu đãi thuế, hỗ trợ hậu cần và bảo mật để thu hút các dự án lớn. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo cơ hội để quảng bá đất nước trên trường quốc tế qua các tác phẩm điện ảnh.
Về vấn đề này, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chia sẻ thêm: "Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch điện ảnh. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có một chiến lược dài hạn, bao gồm cả việc đào tạo nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp".
Đây cũng là ý kiến của Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình: "Chúng ta cần có chiến lược từ đầu. Chúng tôi mong muốn qua diễn đàn có được chiến lược tổng thể, từ cơ chế chính sách của Trung ương đến địa phương. Cần hỗ trợ tối đa cho các đoàn phim như thế nào, cần có chiến lược tổng thể hơn. Từ thực tế phát triển du lịch ở Ninh Bình, tôi đề xuất cần có giải pháp tổng thể về phát triển, hỗ trợ tối đa cho các đoàn làm phim đồng thời có những chính sách giới thiệu, thu hút các đoàn làm phim một cách bài bản".
Tạo điểm nhấn qua các chương trình xúc tiến
Một điểm nhấn quan trọng của tọa đàm là thông tin về Chương trình Xúc tiến Du lịch-Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ, dự kiến diễn ra từ ngày 21-28/9/2024. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho biết, sự kiện này sẽ giúp giới thiệu tiềm năng du lịch và bối cảnh quay phim của Việt Nam tới các hãng phim Hollywood và các nhà làm phim nổi tiếng. Ông nhấn mạnh, sự kết hợp giữa bối cảnh Việt Nam và tinh hoa điện ảnh thế giới chắc chắn sẽ tạo ra những giá trị và cơ hội lớn.
Thứ trưởng Hồ An Phong nhận định, chương trình “Xúc tiến Du lịch-Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ” dự kiến sẽ có sự tham gia của nhiều đạo diễn nổi tiếng, các hãng phim, công ty điện ảnh và những diễn viên có tầm ảnh hưởng của Hollywood. Đây là cơ hội để chúng ta giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người, bối cảnh làm phim, du lịch, hợp tác... Đặc biệt, chương trình lần này sẽ tiến hành quảng bá gắn liền với các sản phẩm du lịch, văn hóa, thương hiệu quốc gia.
“Chúng ta mong đợi các dự án phim lớn sẽ được thúc đẩy, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ. Việt Nam cũng có dịp để “khoe” những sắc thái hấp dẫn, cuốn hút và sẵn sàng mở rộng cánh cửa, tạo điều kiện thu hút các nhà làm phim quốc tế...”, Thứ trưởng bày tỏ.
Thông tin thêm về công tác tổ chức Chương trình Xúc tiến Du lịch-Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Châu Á, (CEO Chua me đất Quảng Bình), chia sẻ, sự kiện tại Hoa Kỳ nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà làm phim và đạo diễn nổi tiếng.
CEO Chua me đất Quảng Bình dự đoán, điều này sẽ không chỉ thúc đẩy quảng bá hình ảnh Việt Nam mà còn tạo cơ hội thu hút các dự án phim lớn, góp phần vào sự phát triển du lịch quốc gia. Sự kết hợp giữa điện ảnh và du lịch là một chiến lược lâu dài và cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía. Cùng với các chương trình xúc tiến khác, sự kiện này hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới cho ngành du lịch Việt Nam, đưa quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ điện ảnh thế giới.
Kết thúc tọa đàm, các chuyên gia đều đánh giá, sự kiện đã mở ra những cơ hội mới cho ngành du lịch và điện ảnh Việt Nam. Với sự kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, cùng với các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các đoàn làm phim quốc tế trong tương lai.