Kết nối các sản phẩm khoa học công nghệ nông nghiệp với doanh nghiệp

Việc đầu tư vào hạ tầng và công nghệ cho sản xuất nông nghiệp bước đầu khá tốn kém, khiến cho nhiều doanh nghiệp còn e ngại. Chính vì vậy, việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức doanh nghiệp khoa học là tất yếu để tạo ra sức mạnh tổng thể, phát huy nguồn lực, xây dựng nền tảng để phát triển 'Nông nghiệp Xanh - Tuần hoàn - Bền vững'.

Khoa học công nghệ là khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển. Ảnh: Song Linh.

Khoa học công nghệ là khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển. Ảnh: Song Linh.

Gia tăng giá trị nhờ ứng dụng khoa học

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) được triển khai mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.

Trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận (hoặc tương đương) nhiều loại cây trồng đạt khá cao. Nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, việc tạo ra giống lúa mới đã trở nên hiệu quả hơn.

Ngày nay, các nhà khoa học chỉ cần 30 - 50 tổ hợp lai để chọn tạo ra một giống lúa mới, so với khoảng 100 tổ hợp lai như trước đây. Điều này giúp rút ngắn thời gian chọn giống xuống còn khoảng 5 năm, giảm đáng kể thời gian và công lao động, đồng thời đáp ứng được hầu hết các yêu cầu quan trọng đối với giống lúa như năng suất cao, chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và thích ứng rộng. Điển hình là cây cà phê, Việt Nam đã có những đột phá về năng suất, cao gấp 3 lần so với năng suất cà phê trên thế giới.

Một điểm nhấn của ngành chăn nuôi thú y, vaccine dịch tả lợn châu Phi “made in Vietnam” chính thức xuất khẩu sang 5 quốc gia, bao gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar là niềm tự hào lớn của ngành chăn nuôi nước nhà.

Bộ NNPTNT đánh giá, nếu như tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 2,62%/năm, thì đến giai đoạn 2021 - 2023 đã đạt 3,35%/năm. Trong đó, khoa học công nghệ là khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp Việt Nam có được kết quả này. Dự báo, xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 có thể chạm mốc 60 tỷ USD. Mặc dù đạt được kết quả trên song theo Bộ NNPTNT, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Con số này cho thấy, sự đóng góp của khoa học công nghệ vào sự phát triển nông nghiệp của nước ta hiện vẫn còn hạn chế, trong khi các nước phát triển có mức đóng góp lên tới trên 50%.

Hợp tác, liên kết để đi xa hơn

Nhận định về nguyên nhân khiến việc ứng dụng KHCN vào nông nghiệp chưa cao, theo Bộ NNPTNT, tại Việt Nam, các khu công nghệ cao và các vùng công nghệ cao trong nông nghiệp dù đã được xây dựng nhưng chưa hoạt động hiệu quả và chưa thu hút được doanh nghiệp vào hoạt động. Chưa thực sự tạo ra mạng lưới liên kết và sự hỗ trợ đầy đủ trong các khu vực này.

Việc chế biến nông sản bằng công nghệ cao để tạo ra giá trị gia tăng vẫn đang đối mặt với thách thức, các doanh nghiệp chế biến và các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp chưa thu hút được đầu tư và chưa có sự đổi mới công nghệ đáng kể.

Ngoài ra, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực KHCN trong nông nghiệp vẫn chưa đạt được những thành tựu như mong đợi. Việc đưa các sản phẩm KHCN vào thị trường đòi hỏi có mạng lưới tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm, cần có vai trò của các doanh nghiệp rất lớn.

Đề cập về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trăn trở với câu hỏi: Làm sao đưa doanh nghiệp - nhà khoa học gặp nhau ngay từ giai đoạn ban đầu? Ông Sơn cho rằng, thị trường chính là “bà đỡ” cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Không có thị trường thì không thể đưa các nghiên cứu này ứng dụng vào sản xuất.

Ở góc độ khác, theo GS.TS Võ Đại Hải - Giám đốc Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam, muốn kết nối sản phẩm khoa học công nghệ tốt, cần phải có nhiều sản phẩm tốt, mới. Để làm được điều này, Bộ NNPTNT đã liên tục đổi mới khâu xác định xây dựng nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó, các nhà khoa học, quản lý, đề xuất các nhiệm vụ và có sự tham gia của doanh nghiệp trong đề xuất kiến nghị.

Ông Hải kiến nghị Bộ NNPTNT hỗ trợ để số hóa các sản phẩm KHCN để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Đề nghị Bộ tiếp tục quan tâm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là trang thiết bị hiện đại để các tổ chức KHCN tiếp tục chủ động trong nghiên cứu công nghệ cao và cho ra đời những sản phẩm tốt.

Để kết nối các sản phẩm KHCN với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân, các chuyên gia cho rằng, hợp tác công - tư là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, kết nối nghiên cứu với thị trường.

Dẫn chứng về hiệu quả hợp tác công – tư đem lại trong quá trình hợp tác, bà Trần Kim Liên - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng (Vinaseed) thông tin ở các nước đang phát triển của châu Á, trung bình doanh nghiệp đầu tư vốn từ 50 - 70%, trong khi nhà nước đầu tư khoảng 30 - 50%. Với xu thế này, doanh nghiệp Vinaseed mong muốn tham gia sâu hơn trên toàn chuỗi giá trị sản xuất cây trồng, từ mua bản quyền, chuyển giao, khảo nghiệm giống, đến đưa vào sản xuất và đầu tư công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch.

Trong khi đó, ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng, muốn có một nền nông nghiệp thông minh cần phải có nguồn nhân lực thông minh.

Ông Thắng đánh giá, việc ứng dụng các tiến bộ KHCN mới vào tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở mức thấp, chưa có nhiều mô hình liên kết chặt chẽ và bền vững. Chính vì vậy, việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức doanh nghiệp khoa học là tất yếu để tạo ra sức mạnh tổng thể, phát huy nguồn lực, xây dựng nền tảng để phát triển nông nghiệp xanh - tuần hoàn - bền vững.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ket-noi-cac-san-pham-khoa-hoc-cong-nghe-nong-nghiep-voi-doanh-nghiep-10286802.html
Zalo