Kết nối biển, rừng với Net Zero (Bài 1)
Net Zero là mục tiêu toàn cầu chuyển đổi xanh, cân bằng giữa lượng khí CO2 thải ra và lượng khí CO2 tiêu hủy hoặc giảm trong môi trường qua từng giai đoạn sản xuất, kinh doanh. Trong tâm thế vươn mình cùng đất nước, đạt tăng trưởng chiến lược bền vững khi mở rộng không gian kết nối tiềm năng rừng vàng Tây Nguyên của Lâm Đồng, Đắk Nông với biển bạc Bình Thuận, tại một vùng nông nghiệp trọng điểm của Lâm Đồng có một nông hộ tuổi 8X đã miệt mài nghiên cứu hợp nhất các yếu tố biển và rừng gắn kết, thân thiện với nhau, giúp nhà nông cùng lên rừng xuống biển trồng trọt, chăn nuôi tuần hoàn, phát triển thu nhập và góp phần hiện thực hóa giải pháp kiến tạo thể chế xanh công bằng, lấy thị trường làm trung tâm điều tiết của cả nước. Trong nhiều giải thưởng khoa học trong những năm gần đây, nhà nông 8X này được tôn vinh là 'Nhà khoa học của Nhà nông' quốc gia năm .
Bài 1: Cây trồng, vật nuôi ở rừng, dinh dưỡng từ biển
Hai nhà nông tuổi đời cách nhau một phần tư thế kỷ ở hai xã Tân Hà và Hoài Đức, huyện Lâm Hà, nhưng đã cùng chung hướng xây dựng một vòng tuần hoàn sản xuất, chăn nuôi nguồn giống thuần dưỡng từ môi trường rừng núi Tây Nguyên, hấp thu chế phẩm dinh dưỡng từ miền biển, không chỉ tìm ra chìa khóa phát triển sinh kế mới mà khởi đầu cho mục tiêu bảo vệ hơi thở ruộng vườn cho hôm nay và mai sau.

Sử dụng dinh dưỡng phối trộn từ nguyên liệu biển và rừng, vườn bơ 034 của nông hộ Nguyễn Văn Huy ở xã Tân Hà, huyện Lâm Hà nắm chắc tăng sản lượng khoảng 30% so niên vụ trước đó
• HEO RỪNG UỐNG NƯỚC MUỐI, TINH ĐẠM CÁ BIỂN
Phóng viên về các vùng nông nghiệp trọng điểm của huyện Lâm Hà, cách TP Đà Lạt khoảng 80 km, độ cao 800 - 1.000 m so với mặt nước biển trong tháng 5/2025 giữa những không gian xanh bao la của cây trái mát lành. Đến thôn Minh Thành, xã Hoài Đức, phóng viên khá cuốn hút khi tham quan quy trình sản xuất, chăn nuôi khép kín liên tục của nông hộ trẻ Nguyễn Tiến Vinh, sinh năm 1997. Ở đây, dưới tán rừng 3 ha cà phê và các loại cây ăn trái xen canh giá trị cao, chủ vườn lắp đặt hàng rào 6.000 m2 nuôi thả rông và xây dựng chuồng trại 100 m2 nuôi nhốt giống heo rừng lai từ vùng đất Tánh Linh của xứ biển Bình Thuận phối giống heo rừng vùng núi đá Hà Giang phía Bắc, sinh ra thế hệ heo rừng lai mới thuần dưỡng thích nghi vùng đất cao nguyên Lâm Đồng từ hơn 2 năm trước.
Trời đang ngả về trưa, tại khu vực nuôi nhốt, Vinh nhổ mấy cây bắp và bụi cây cỏ mật, xuyến chi trồng xung quanh vừa đưa qua khỏi vách ngăn chuồng, lập tức 10 con heo rừng giống sinh sản chen nhau kéo từng cành lá xuống nhai nuốt sột sột ngon lành. Kế tiếp, Vinh lấy can nước tinh chất đạm cá chế biến từ vùng biển Bình Thuận đổ xuống máng, 10 con heo này được đà đua nhau chúc chiếc mõm dài nhọn xuống húp xì xụp có vẻ khoái khẩu lắm. Vinh cho hay: “Heo rừng lai nuôi nhốt và nuôi thả rông dưới tán cà phê và cây ăn trái xen canh 3 ha khu vườn nông hộ chúng tôi chỉ dùng nguồn thức ăn xanh tại chỗ như rau, cỏ, bắp và tinh chất đạm cá biển, nước muối tinh khiết để đảm bảo thể trạng sinh sản nhân đàn, tăng trọng khá nhanh mà không dùng bất cứ sản phẩm thức ăn nào khác mua từ bên ngoài hoặc thức ăn hỗn hợp đưa vào chế biến trực tiếp theo phương pháp cũ…”.
Tuyệt nhiên, đứng bên chuồng heo rừng lai của Vinh đến mấy mươi phút vẫn không nghe thấy mùi hôi chất thải, Vinh cho biết đã xử lý hàng ngày bằng men vi sinh bản địa, các loại than hoạt tính đốt từ vỏ trấu, vỏ cà phê, vỏ mắc ca chiết ra nước giấm phối trộn với dung dịch đạm cá biển biến phân heo tươi trở thành đệm lót sinh học, vài tháng sau thu gom thành phân hữu cơ dinh dưỡng đa canh cây trồng tại chỗ. Kết quả, tối ưu hóa chi phí đầu vào và tối đa hóa doanh thu đầu ra luân phiên trong một năm vừa qua, nông dân trẻ Nguyễn Tiến Vinh đã kết hợp các yếu tố rừng và biển chế biến và sử dụng khoảng 20 tấn dinh dưỡng hữu cơ vi sinh bón cho cây cà phê thu hoạch lên đến 6 tấn nhân/1,2 ha, tương ứng tăng gần 1 tấn nhân so với niên vụ năm trước đó. Bên cạnh các loại cây ăn trái giá trị cao như 50 cây bơ 034, 100 cây sầu riêng, 200 cây nhãn lồng đang bước vào mùa hoa lợi chính vụ đầu tiên, từng hàng trái phân bổ “đông đúc” trên cành nhánh ngày hè năm nay, báo hiệu những mùa thu dồi dào trong khu vườn ngập đầy khí oxy của Vinh…
• PHỐI TRỘN DINH DƯỠNG HỮU CƠ VI SINH TỪ NÚI VÀ BIỂN
Trên cùng vùng sinh thái nông nghiệp huyện Lâm Hà, nếu như quy mô nông hộ trẻ Nguyễn Tiến Vinh ở thôn Minh Thành, xã Hoài Đức sử dụng yếu tố biển ở giai đoạn đầu chủ yếu dinh dưỡng và chế phẩm dung dịch đạm cá phòng trừ bệnh đối với cây trồng, vật nuôi thì Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Huy Ngọc, thôn Đan Phượng 1, xã Tân Hà đã ổn định công thức phối trộn nguyên liệu phân chuồng heo, bò, gà, dê với các tỷ lệ nguyên liệu dinh dưỡng từ biển không chỉ có tinh chất đạm cá, mà còn có nhiều thành phần nan mực, vỏ sò, vỏ cua, vỏ tôm, rong biển, san hô. Trong đó, riêng tinh chất đạm cá biển, HTX còn phân phối kịp thời cho nông hộ thành viên hòa tan với nước sạch bơm phun trên lá và tưới gốc bảo vệ và tăng đề kháng cho cây trồng trên tổng diện tích hơn 13 ha quanh vùng trước các loài bệnh hại xâm nhập, nhất là thời điểm giao mùa giữa mùa khô sang mùa mưa và ngược lại.
Để trình bày chi tiết hơn, Giám đốc HTX Nguyễn Văn Huy (sinh năm 1972) đồng thời là nông hộ thành viên dẫn phóng viên ra khu vườn bơ 034 hơn 50 cây 6 - 7 năm tuổi để check in cây trái, cành, lá xanh thẫm, không gian khoáng đạt. Tổng thể thì cây trái xanh tươi với chức năng quang hợp đã giúp làm sạch không khí, giảm khí CO₂ gây hiệu ứng nhà kính và tăng lượng oxy rất có lợi cho con người và môi trường. Còn lợi ích thiết thực thì vườn bơ 034 năm nay, Giám đốc HTX Nguyễn Văn Huy cầm chắc doanh thu hơn 200 kg/cây trở lên, tăng khoảng 30% giá trị đầu ra và giảm khoảng 20% giá trị chi phí đầu vào…
“Đến nay, trên tổng diện tích 2,5 ha, nông hộ chúng tôi bố trí 1 ha diện tích ngoài trời canh tác cây trồng dài ngày và ngắn ngày, 1,5 ha lắp dựng nhà lưới chuyên canh cây rau, củ, quả. Hàng tháng với hàng chục tấn dinh dưỡng hữu cơ vi sinh xử lý tại vườn từ các nguyên liệu biển, rừng, khối lượng lớn đa dạng sản phẩm rau, trái, củ, quả tươi từ huyện Lâm Hà của tỉnh miền núi Lâm Đồng đã đóng gói, vận chuyển trong ngày đến người tiêu dùng trong cả nước…”, anh Nguyễn Văn Huy cho hay.
(CÒN NỮA)