Kết nghĩa bản - bản góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào

Những ngày hạ tuần tháng 8, chúng tôi trở lại xã Thanh, 1 trong 11 xã biên giới của huyện Hướng Hóa, chứng kiến niềm vui của cán bộ, Nhân dân các thôn, bản đối diện biên giới hội tụ đông đủ tại trụ sở UBND xã Thanh để dự hội nghị sơ kết 15 năm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới Việt - Lào.

Biểu diễn văn nghệ tại Hội nghị sơ kết 15 năm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới Việt - Lào ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa -Ảnh: N.Đ.P

Biểu diễn văn nghệ tại Hội nghị sơ kết 15 năm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới Việt - Lào ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa -Ảnh: N.Đ.P

Chủ tịch UBND xã Thanh Hồ A Cất cho biết, được sự nhất trí của chính quyền các cấp hai bên, đặc biệt là chính quyền của 2 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam), Savannakhet (Lào) và 2 huyện Hướng Hóa, Noòng, ngày 14/8/2009, các cặp bản gồm: thôn A Ho với bản Đenvilay; Thanh 1 với Pa Riềng; Thanh Ô với Pa Lọ Cô tổ chức kết nghĩa. Sau 15 năm thực hiện 12 nội dung Quy chế phối hợp, các thôn, bản hai bên biên giới đã tổ chức giao ban hằng quý theo quy định, trao đổi tình hình, phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân hai bên biên giới thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của hai Đảng, hai Nhà nước, nhất là các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới, tạo điều kiện cho Nhân dân qua lại thăm thân, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, cùng nhau phối hợp giải quyết tốt các vấn đề về phong tục, tập quán, xâm canh, xâm cư, hôn nhân và gia đình, trao đổi thông tin tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

Đặc biệt, các thôn, bản hai bên thường xuyên thăm hỏi, tặng quà nhân các sự kiện trọng đại của hai nước, hai địa phương, như tổ chức thăm hỏi chúc mừng tết Nguyên đán Việt Nam và tết cổ truyền Bun Pi May (Lào), ngày hội đại đoàn kết toàn dân; ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3)...Theo đó, 15 năm qua, hai bên phối hợp với lực lượng biên phòng mỗi bên tổ chức hơn 140 đợt tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, với hơn 1.900 lượt người tham gia, tổ chức giao ban định kỳ 52 buổi; đột xuất 14 buổi, với 3.460 lượt người tham gia.

Nhân dân các thôn, bản hai bên biên giới đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp các lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh, triệt phá thành công 11 vụ án, gồm 13 đối tượng; đặc biệt năm 2023, Nhân dân các thôn, bản giúp đỡ Đồn Biên phòng Thanh và lực lượng bảo vệ biên giới của Lào triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam, bắt 1 đối tượng cùng tang vật hàng nghìn viên ma túy. Qua đó, góp phần phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới hai bên.

Các cặp bản cũng tổ chức hơn 60 buổi tuyên truyền tập trung, với hơn 13.000 lượt người tham gia, tuyên truyền lưu động được 37 đợt, với 288 lượt người tham gia; tuyên truyền trên loa phát thanh nội bộ các thôn, bản hai bên hơn 2.248 giờ; cấp phát hơn 12.600 tờ rơi và treo nhiều băng rôn, khẩu hiệu tại các khu vực công cộng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân sống hai bên biên giới về ý thức quốc gia, quốc giới, trách nhiệm đối với chủ quyền an ninh biên giới.

Nhân dân các thôn A Ho, Thanh 1, Pa Lọ Cô đã hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng cho các bản bạn Lào phát triển kinh tế, gồm 47.000 hom sắn KM94, hơn 4.500 con gia cầm các loại, tạo điều kiện tiêu thụ hơn 45 nghìn tấn sắn củ tươi; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ; trạm quân dân y kết hợp, Trạm y tế xã Thanh tổ chức thăm khám, cấp phát thuốc và điều trị miễn phí cho hơn 3.200 lượt bệnh nhân là người dân Lào, trị giá trên 150 triệu đồng, hỗ trợ, giúp đỡ nhau về vật chất và tinh thần những lúc khó khăn, hoạn nạn với hàng trăm suất quà, trị giá gần 300 triệu đồng...

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ cho biết, huyện Hướng Hóa có đường biên giới dài 126,638km, tiếp giáp với các huyện Sê Pôn, Noòng, tỉnh Savannakhet; huyện Sa Muội, tỉnh Salavan, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Trong những năm qua, huyện Hướng Hóa luôn quan tâm đến công tác đối ngoại đối với các huyện bạn Lào, đặc biệt từ sáng kiến mô hình “Kết nghĩa bản - bản” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, ngày 28/4/2005, bản Ka Tăng (Việt Nam) và bản Densavanh (Lào) là cặp bản đầu tiên của tỉnh tổ chức Lễ kết nghĩa ký kết Quy chế phối hợp bản - bản, đến nay, toàn huyện có 19 cặp bản đối diện qua biên giới kết nghĩa.

Thực tiễn qua triển khai mô hình kết nghĩa bản - bản đối diện hai bên biên giới đã khằng định vị trí, vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của hai nước Việt Nam - Lào.

Kết quả mô hình này đã góp phần giữ vững ổn định chính trị ở khu vực biên giới, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa hai nước, Nhân dân các dân tộc có chung đường biên giới; phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống Nhân dân hai bên biên giới và góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam - Lào nói chung, kết nghĩa giữa tỉnh Quảng Trị với tỉnh Savannakhet, huyện Hướng Hóa với các huyện Lào có chung đường biên giới nói riêng ngày càng gắn bó bền chặt và phát triển.

Với tình cảm trân trọng về mối quan hệ giữa huyện Hướng Hóa với huyện Noòng và kết nghĩa bản - bản của các thôn, bản đối diện qua biên giới, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Noòng Tha Sau Bút Tha Vong chia sẻ, thông qua quy chế kết nghĩa bản - bản, Nhân dân hai bên biên giới cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, góp phần xây đắp tình hữu nghị Lào - Việt mãi mãi vững bền.

Nguyễn Đình Phục

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ket-nghia-ban-ban-gop-phan-vun-dap-tinh-doan-ket-huu-nghi-viet-lao-188672.htm
Zalo