Kết luận của UBTVQH về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh vừa ký ban hành Kết luận số 1043/KL-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Kết luận nêu rõ, chiều ngày 3/11/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và kết luận như sau:
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tinh thần khẩn trương, tích cực, phối hợp của Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế cùng Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 để chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ các tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật thể hiện tại Báo cáo số 3068/BC-UBXH15 của Ủy ban Xã hội và các tài liệu kèm theo để tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ trình Quốc hội xem xét thông qua, lưu ý một số nội dung sau:
(1) Về hiệu lực thi hành của Luật, đề nghị rà soát lại khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật quy định một số nội dung có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 là chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật; trường hợp cần quy định hiệu lực thi hành của một số nội dung từ ngày 01/01/2025 thì báo cáo rõ để Quốc hội xem xét, quyết định.
(2) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật trên cơ sở bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, những vấn đề mới, chưa ổn định thì chỉ quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, các Bộ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn; bảo đảm thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị:
(1) Thường trực Ủy ban Xã hội: (i) Chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Thường trực Ủy ban Pháp luật dự thảo văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cho ý kiến về nội dung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực dược (Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tiếp thu như phương án 1 tại khoản 1 Điều 8 (sửa đổi)); (ii) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua; (iii) Thực hiện xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội bằng phiếu trong trường hợp còn nội dung có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan.
(2) Chính phủ khẩn trương có ý kiến chính thức về dự thảo Luật, các nội dung tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật theo quy định của pháp luật, trong đó lưu ý nội dung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực dược; quan tâm chỉ đạo rà soát khi sửa đổi pháp luật về thuế, trong đó có dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) để xử lý đồng bộ, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực dược.