Kết hợp điều trị Đông – Tây y - Thêm cơ hội chữa bệnh về tiêu hóa

Nếu điều trị kết hợp Tây y với Đông y sẽ tạo thêm cơ hội chữa bệnh tốt hơn cho người bệnh. Tây y chẩn đoán chính xác bệnh hơn với bằng chứng khoa học rõ ràng hơn và khi kết hợp Đông y sẽ điều trị một số bệnh triệt để hơn.

Kết hợp điều trị Đông – Tây y, thêm cơ hội chữa bệnh - Ảnh: VGP/HM

Kết hợp điều trị Đông – Tây y, thêm cơ hội chữa bệnh - Ảnh: VGP/HM

Theo thống kê của Hội Nội khoa Việt Nam năm 2022, có khoảng 7 triệu người Việt bị trào ngược dạ dày – thực quản, trong đó có khoảng 60% người bệnh không điều trị kịp thời, dẫn đến biến chứng nguy hiểm như hẹp thực quản, ung thư thực quản…

Con số này vẫn đang có xu hướng gia tăng do lối sống nhanh, bận rộn của nhiều người nên chưa dành thời gian để ăn uống khoa học, hợp lý, do những rối loạn về tiêu hóa liên đến cách chế biến, rã đông thực phẩm chưa đúng cách, do thói quen sử dụng thực phẩm không được bảo quản khoa học…

Theo các chuyên gia, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản dễ xuất hiện ở những người thừa cân, béo phì, căng thẳng kéo dài, viêm loét dạ dày tá tràng hay có thói quen ăn uống không lành mạnh và sử dụng một số loại thuốc.

Tại Hội nghị khoa học toàn quốc kết hợp Đông – Tây y trong chẩn đoán, điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản và các bệnh tiêu hóa khác do Hội Đông y tổ chức ngày 31/7, nhiều chuyên gia cho rằng, cần kết hợp điều trị Đông y – Tây y trong điều trị một số mặt bệnh về tiêu hóa, trong đó có bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, nhằm đem lại hiệu quả điều trị bền vững cho người bệnh.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam chia sẻ, mỗi người dân cần lắng nghe cơ thể của mình, nếu thấy khó chịu về đường tiêu hóa với các triệu chứng kéo dài 1-2 ngày thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Cụ thể, người bệnh cần khám Tây y trước tiên để được chẩn đoán chính xác bệnh, vì các phương pháp chẩn đoán bệnh của Tây y đã được khoa học chứng minh rất rõ ràng. Từ đó, có thể loại trừ các vấn đề về tổn thương dạ dày, trực tràng.

Nếu người bệnh chỉ đơn thuần bị rối loạn chức năng tiêu hóa, thì lúc này nên sử dụng phương pháp Đông y, sẽ giúp điều trị bệnh rất hiệu quả.

Tuy nhiên, PGS Đậu Xuân Cảnh cũng khuyến cáo người bệnh, khi chọn sử dụng phương pháp Đông y phải có sự thăm khám, chỉ định của các bác sĩ đông y đã được cấp giấy phép, có kinh nghiệm hành nghề.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HM

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HM

Sử dụng nghệ và mật ong tự điều trị bệnh về tiêu hóa?

Một ví dụ khác từ thực tế cho thấy, khi chẩn đoán bị viêm dạ dày cấp, trào ngược dạ dày cấp mà có nồng độ PH thấp, việc sử dụng các phương pháp Tây y để điều trị bệnh rất hiệu quả.

Tuy nhiên, với một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Tây y không có hiệu quả như mong muốn thì việc phối hợp với các phương pháp của Đông y lại đem đến những hiệu quả rất tốt.

Liên quan đến thói quen sử dụng nghệ và mật ong để tự điều trị các bệnh về tiêu hóa của người dân, PGS Đậu Xuân Cảnh cho biết, việc sử dụng nghệ và mật ong rất tốt đối với một số rối loạn về tiêu hóa như bệnh về ứ huyết, viêm cấp.

Tuy nhiên, các bệnh liên quan về tiêu hóa khác như dạ dày bị bệnh thể hư hàn, suy nhược cơ thể, bệnh nhân đái tháo đường mà dùng kéo dài thì sẽ không đem lại hiệu quả điều trị bệnh. Vì vậy, người bệnh không nên tự dùng và cần thăm khám, chẩn đoán bệnh, sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để đem lại hiệu quả tốt hơn.

Tiếp tục khai thác các tiềm năng lớn từ Đông y nước nhà

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, từ lâu, nền Đông y nước ta đã chứng minh chữa được nhiều bệnh, góp phần không nhỏ vào phòng và chữa bệnh cho nhân dân, làm giàu cho kho tàng y học nước nhà.

Mới đây, Đông y Việt Nam đã tích cực chủ động tham gia và có đóng góp to lớn trong kiểm soát bệnh dịch, như dịch sốt xuất huyết, đại dịch COVID-19.

Với sự ưu đãi của thiên nhiên, nước ta có trên 5.000 cây thuốc cho nhiều vị thuốc, bài thuốc hiệu quả, để phòng và chữa bệnh, nâng cao sức khỏe của người dân.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức cũng cho rằng, hiện tại vẫn còn rất nhiều cây thuốc mà chúng ta chưa được khai thác sưu tầm, nghiên cứu, vì vậy, các nhà khoa học cần nhận rõ tiềm năng này để làm giàu kho tàng tri thức về thuốc Đông y của dân tộc ta, tiến tới giảm và hạn chế nhập khẩu thuốc từ nước ngoài.

Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng nhấn mạnh, phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y và dân y; phát triển dược liệu, công nghiệp dược và thiết bị y tế.

Kết luận số 86-KL/TW, ngày 10/7/2024 mới đây của Ban Bí thư về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới cũng nhấn mạnh các chủ trương của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để xây dựng, phát triển y học cổ truyền và Hội Đông y Việt Nam.

Thúy Hà

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/ket-hop-dieu-tri-dong-tay-y-them-co-hoi-chua-benh-ve-tieu-hoa-102240731133229138.htm
Zalo