Kết hợp chặt chẽ viện - trường, đổi mới đào tạo bác sĩ nội trú để nâng chất lượng nhân lực y tế

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mô hình bệnh tật thay đổi, già hóa dân số, cùng với sự phát triển nhanh chóng về khoa học công nghệ, nhu cầu về một đội ngũ y tế giỏi chuyên môn và vững kỹ năng, thích ứng với tình hình mới là vô cùng quan trọng.

GS.TS Lê Quang Cường - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Y học Giáo dục Việt Nam đã nhấn mạnh những thông tin này tại phiên khai mạc hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ VIII do Hội Giáo dục Y học Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học VinUni tổ chức hôm nay - 16/11 với chủ đề "Liên minh chiến lược: Từ Giáo dục Y học tới thực hành hghề nghiệp".

Cơ sở giáo dục và bệnh viện thực hành phối hợp chặt chẽ, đào tạo nhân lực càng hiệu quả, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân càng nâng cao

Theo GS.TS Lê Quang Cường, hội nghị Giáo dục Y học Toàn quốc lần thứ VIII là sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với ngành y tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh y học hiện đại đang phát triển nhanh chóng vượt bậc.

GS.TS Lê Quang Cường - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Y học Giáo dục Việt Nam phát biểu.

GS.TS Lê Quang Cường - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Y học Giáo dục Việt Nam phát biểu.

Sự kiện này cũng là cơ hội để các nhà quản lý, hoạch định chính sách về y khoa, các nhà trường đào tạo nhân lực y tế và cơ sở thực hành - bệnh viện cùng thảo luận về các phương pháp giáo dục y học tiên tiến, ứng dụng phát triển công nghệ và trí tuệ nhân tạo vào đào tạo y học, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ y bác sĩ, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngày càng cao trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, hội nghị năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng và sự khăng khít của liên kết chiến lược từ giáo dục tới thực hành.

Trong phát biểu tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Ngô Quang - Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế nêu rõ, bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng với thế giới, với định hướng của Đảng và Nhà nước, ngành y tế và giáo dục y học càng phải khẳng định vai trò tiên phong.

"Để đạt được điều này, một trong những yếu tố cốt lõi là chất lượng nguồn nhân lực, và sự liên kết chiến lược giữa các trường đào tạo ngành y và các bệnh viện thực hành đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình đào tạo để tạo ra các thế hệ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế có năng lực vượt trội"- TS Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh.

Phân tích thêm, TS Quang nêu rõ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục và các bệnh viện thực hành là yếu tố quyết định để tạo ra môi trường học tập thực tiễn và toàn diện. Sự kết hợp này giúp các học viên, sinh viên không chỉ hiểu sâu lý thuyết mà còn sớm trải nghiệm thực tiễn.

"Họ được làm quen với quy trình lâm sàng, phát triển các kỹ năng thực hành cần thiết để ứng dụng trong bối cảnh thực tế. Đây là một phương pháp tiếp cận mang tính đột phá, khắc phục những hạn chế trong việc đào tạo lý thuyết đơn thuần mà chúng ta từng gặp phải"- TS.BS Nguyễn Ngô Quang nói.

TS.BS Nguyễn Ngô Quang - Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế tham luận tại hội nghị.

TS.BS Nguyễn Ngô Quang - Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế tham luận tại hội nghị.

TS Quang cũng khẳng định, sự liên kết này đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp và phát triển nhân lực y tế quốc gia. Các bệnh viện tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo không chỉ giúp học viên, sinh viên có cơ hội học tập chất lượng cao mà còn là cơ hội để phát hiện những cá nhân có tiềm năng, từ đó hướng các em vào các chuyên ngành phù hợp với khả năng và đam mê của mình.

Đây là nền tảng để đảm bảo hệ thống y tế ở nước ta có đội ngũ nhân lực phù hợp, có thể thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Đồng thời, Cục trưởng Nguyễn Ngô Quang cũng nhấn mạnh sự hợp tác này còn góp phần thúc đẩy các dự án nghiên cứu y học và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Nhờ vào sự tham gia trực tiếp của các giảng viên, nhà khoa học từ trường đại học và các chuyên gia lâm sàng từ bệnh viện, nhiều dự án nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo đã và đang được phát triển.

Điều này không chỉ giúp các học viên học tập, nghiên cứu mà còn đóng góp vào việc tìm kiếm các giải pháp mới, hiệu quả hơn trong chăm sóc sức khỏe.

Hơn 800 đại biểu, bao gồm các lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng đại diện từ các tổ chức quốc tế như WHO, USAID; 30 chuyên gia quốc tế đến từ các trường đại học hàng đầu như Harvard, Charite Berlin, và trường Đại học Pennsylvania đã đến tham dự hội nghị và cùng tham gia trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm.

Hơn 800 đại biểu, bao gồm các lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng đại diện từ các tổ chức quốc tế như WHO, USAID; 30 chuyên gia quốc tế đến từ các trường đại học hàng đầu như Harvard, Charite Berlin, và trường Đại học Pennsylvania đã đến tham dự hội nghị và cùng tham gia trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm.

Đẩy mạnh ứng dụng AI, huy động vai trò y tế tư nhân trong đào tạo nhân lực y tế

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam mạnh 3 cơ hội chính để giải quyết những thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe ở nước ta hiện nay từ chủ đề của hội nghị lần này. Thứ nhất, trong lĩnh vực hợp tác. Đây lần đầu tiên, Hội nghị giáo dục Y học toàn quốc được tổ chức tại một trường đại học tư nhân không vì lợi nhuận.

"Sự hợp tác với VinUni nhấn mạnh tầm quan trọng của các quan hệ đối tác và vai trò của các đơn vị tư nhân trong giáo dục y khoa. Sự hợp tác giữa các chuyên gia y tế, giới học thuật, mạng lưới chuyên gia, các đối tác kỹ thuật, và trong trường hợp của Tổ chức y tế thế giới là mạng lưới các Trung tâm Cộng tác, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta thực hiện cam kết mang lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho tất cả mọi người'- TS Angela Pratt nói.

Thứ hai, theo TS Angela Pratt là sự đổi mới. Các chuyên gia đã cùng thảo luận xoay quanh ứng dụng AI, các công cụ kỹ thuật số, học tập dựa trên mô phỏng và trò chơi — những công nghệ đang định hình lại cả giáo dục y khoa và việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

"Những đổi mới như vậy có thể thu hẹp khoảng cách trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe và giúp tìm ra các giải pháp cho những thách thức của ngành y tế Việt Nam như dân số già hóa, sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm (NCDs), và các tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe"- TS Angela Pratt cho hay.

Thứ ba, là về dữ liệu và bằng chứng. Để cải thiện kết quả chăm sóc sức khỏe, chúng ta cần tiếp tục thu thập và phân tích những bằng chứng về những phương pháp hiệu quả trong giáo dục và thực hành y khoa. Đồng thời, cần khai thác tối ưu những dữ liệu mà chúng ta đã có để nâng cao sự an toàn và chất lượng của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Các diễn giả tham gia phiên toàn thể và thảo luận tại hội nghị.

Các diễn giả tham gia phiên toàn thể và thảo luận tại hội nghị.

Các yếu tố về hợp tác, đổi mới và dữ liệu chính là trọng tâm trong những nỗ lực của WHO, khi hợp tác cùng các quốc gia thành viên để định hình lực lượng y tế tương lai với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo rằng mọi chuyên gia y tế đều được trang bị đầy đủ kỹ năng và năng lực để phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

Trong phiên toàn thể thảo luận được dẫn dắt bởi GS.TS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược TPHCM, các diễn giả là các nhà quản lý, quản lý nhà trường, quản lý bệnh viện hạng đặc biệt: Bạch Mai và Chợ Rẫy, Trung ương Huế đã mang đến góc nhìn đầy đủ hơn về sự cần thiết phải phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và bệnh viện thực hành.

Các chuyên gia cũng đồng thời nhấn mạnh cần huy động vai trò của y tế tư nhân trong mối quan hệ viện trường để có thêm môi trường đào tạo, thực hành cho các học viên, sinh viên ngành y. Cùng đó các chuyên gia cũng cho rằng hiện nay chỉ số bác sĩ/trên vạn dân ở nước ta (vốn có thu nhập trung bình thấp) cuối năm 2023 là 12,5 bác sĩ/ vạn dân, đã ngang bằng các nước có thu nhập trung bình cao, do vậy cần nghiên cứu việc tăng quy mô, mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú, đồng thời chú trọng hơn đến chất lượng đào tạo, thay vì yếu tố số lượng.

TS Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học VinUni phát biểu.

TS Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học VinUni phát biểu.

Lãnh đạo nhiều cơ sở đào tạo, bệnh viện cũng đánh giá cao mô hình đào tạo nhân lực y khoa chú trọng thực hành của VinUni. Theo đó, ngoài những thiết bị hiện đại, Trung tâm Mô phỏng Y khoa - Trường Đại học VinUni còn là nơi học viên trải nghiệm nhiều tình huống tái hiện như ở bệnh viện, mang lại kỹ năng, kiến thức và sự thấu cảm của người làm ngành y.

Chương trình hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ VIII mang đến 19 phiên hội thảo chuyên sâu, hơn 30 bài trình bày khoa học, và 50 poster khoa học về các chủ đề tiên tiến trong giáo dục y khoa.

Trong phiên toàn thể hai bài trình bày chính của GS Harm Peters - Chủ tịch Hiệp hội Các Trường Y khoa Châu Âu (AMSE và PGS. John Patrick T. Co - Phó Chủ tịch Giáo dục Y khoa Sau đại học, Bệnh viện Mass General Brigham, Trường Y Harvard về chủ đề giáo dục y khoa bậc đại học và hoạt động liên kết trường viện nhằm cải tiến chất lượng chăm sóc đã được nhiều đại biểu quan tâm.

Trong phiên thảo luận chuyên đề, với những nghiên cứu mới nhất về đổi mới phương pháp giảng dạy y khoa và tích hợp công nghệ vào giáo dục y học và thực hành lâm sàng, các báo cáo đề cập đến thực trạng, tương lai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hỗ trợ dạy học, mô phỏng, lượng giá sinh viên, quản trị hành chính... và các hoạt động cần thiết để phát triển hiệu quả sử dụng AI trong giáo dục y học ở Việt Nam.

Những bài trình bày khoa học và tham luận đã mang đến những kinh nghiệm và giải pháp đột phá cho giáo dục y khoa tại Việt Nam.

Thái Bình/ Ảnh: Thanh Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ket-hop-chat-che-vien-truong-doi-moi-dao-tao-bac-si-noi-tru-de-nang-chat-luong-nhan-luc-y-te-1692411162029571.htm
Zalo