Kết cục của những TikToker 'gục ngã vì đám đông'

Chưa bao giờ ranh giới giữa 'đỉnh cao' và 'vực sâu' của các idol mạng lại mong manh đến vậy. Các nền tảng mạng xã hội như TikTok đã tạo ra một 'chiếc máy tốc độ' sản sinh người nổi tiếng chỉ sau vài clip viral.

Nhưng cũng chính tại đó, hàng loạt cái tên đình đám như Lê Việt Hùng, Tuấn "phò mã" hay Nam "Birthday" từng được tung hô, săn đón như thần tượng, giờ lại trở thành tâm điểm của sự chỉ trích, chế giễu, thậm chí là trừng phạt về pháp lý lẫn đạo đức. Phải chăng họ đã "gục ngã vì đám đông"?

Từ đám đông mà ra, cũng vì đám đông mà gục

Trong thời đại số, một chiếc điện thoại thông minh, một tài khoản TikTok và vài video "hot trend" đủ để biến một kẻ vô danh thành hiện tượng mạng chỉ sau một đêm. Hàng triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, cùng những tràng pháo tay từ đám đông có thể dựng nên "ngai vàng ảo" cho một TikToker mà không cần kiểm chứng, không cần giá trị. Nhưng cũng chính đám đông ấy, hôm nay tung hô, mai sẵn sàng nhấn chìm bằng những cú “ném đá hội đồng”.

Đối tượng Lê Việt Hùng tại cơ quan Công an.

Đối tượng Lê Việt Hùng tại cơ quan Công an.

Lê Việt Hùng - sinh năm 1987, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn - chính là sản phẩm của một thời đại như vậy. Từng được tung hô như “hiệp sĩ công lý mạng xã hội” với những video ghi lại cảnh dẹp bãi xe trái phép, phản ánh tiêu cực đô thị, Hùng nhanh chóng sở hữu lượng người theo dõi lớn. Các clip của hắn thu hút hàng triệu lượt xem, tạo dựng hình ảnh một “người giám sát công quyền” tự phong. Nhưng ánh hào quang mạng ảo sớm biến thành ảo tưởng quyền lực. Khi không còn chịu sự kiểm soát, Hùng bắt đầu trượt dài: từ phản ánh bất cập xã hội sang công kích cá nhân, từ livestream "chống tiêu cực" thành dàn dựng, kích động, thách thức lực lượng chức năng.

Hắn thường xuyên xuất hiện tại các điểm kiểm tra giao thông với lý do "giám sát", dùng điện thoại quay hình, kèm theo những lời lẽ thiếu chuẩn mực, thách thức công quyền. Clip ngày 7/4 là một ví dụ điển hình: khi bị dừng xe kiểm tra nồng độ cồn trên cao tốc Lạng Sơn - Bắc Giang, Hùng viện cớ “quên giấy tờ ở nhà”, gây khó dễ cho lực lượng chức năng, dù xe không có tem kiểm định. Nhưng thay vì hợp tác, hắn ghi hình, phát tán lên mạng, rồi viết đơn "yêu cầu Cục CSGT làm rõ" như một màn trình diễn chính nghĩa nửa mùa.

Sự lệch chuẩn tiếp tục thể hiện rõ trong các vụ việc như ép nhân viên bảo vệ, nhân viên nhà thuốc Long Châu, rồi công khai "khoe chiến tích" đẩy người khác mất việc vì vài lời nhắc nhở. Những hành vi đó được cộng đồng mạng chia sẻ, tranh cãi, và đáng buồn thay - có cả sự tung hô.

Tuy nhiên, sự thật luôn có cách phơi bày. Tối 7/5, Công an tỉnh Lạng Sơn xác nhận đã bắt giữ Lê Việt Hùng để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Việc bắt giữ được tiến hành với sự phối hợp của nhiều đơn vị nghiệp vụ, đồng thời khám xét nhà riêng, thu giữ một ôtô và nhiều tài liệu liên quan. Trước đó, Công an TP Hà Nội cũng từng phát thông báo kêu gọi người dân cung cấp tài liệu liên quan đến hành vi gây rối, cản trở giao thông của Hùng từ đầu năm 2024 đến nay. Đại diện chính quyền địa phương cho biết, Hùng hiếm khi có mặt tại nơi cư trú; mỗi lần xuất hiện đều kèm theo điện thoại quay phim, giọng điệu thách thức và hành vi gây cản trở người thi hành công vụ.

Lê Việt Hùng không ngã vì một lỗi giao thông. Hắn ngã vì đã sống quá lâu trong sự tung hô mù quáng của đám đông ảo tưởng. Một đám đông không cần sự thật - chỉ cần kịch tính; không cần đạo lý - chỉ cần “ai đó dám nói” dù là nói sai. Một cộng đồng mạng nơi sự thật bị coi là “đuối lý”, còn hỗn xược được tung hô là “bản lĩnh” đã khiến một con người bình thường ảo tưởng mình là luật pháp, là công lý, là truyền thông, là thẩm phán... ngồi phán xử từ khoang xe không đăng kiểm.

Cú ngã hôm nay bắt đầu bằng lệnh khám nhà - không phải để trấn áp, mà để đối diện. Đối diện với những clip dàn dựng, những lời vu khống, những giọng cười khinh miệt, và một quá khứ sống nhờ sự “like - share” lệch chuẩn. Những chiếc điện thoại từng quay cảnh “anh hùng” giờ là tang vật, những tài khoản từng đòi công lý giờ là chứng cứ. Và cú ngã ấy không chỉ dành riêng cho một TikToker, mà còn là cú cảnh tỉnh cho cả một hệ sinh thái đang đảo lộn giá trị: nơi ngu dốt được tung hô, nơi đạo lý bị chà đạp, nơi cái sai được cổ xúy nếu biết… quay clip đúng lúc.

Hy vọng rằng, trong căn phòng tạm giam lạnh lẽo, giữa bốn bức tường không còn lượt xem hay bình luận, Hùng sẽ có đủ thời gian để suy nghĩ - không phải về “cách trở lại mạnh mẽ”, mà là: “Tôi đã trở thành thứ gì khi tưởng mình là tất cả?”.

Đám đông ảo - Thẩm phán thời đại số?

Câu chuyện chẳng có gì mới, nhưng cứ như vở kịch “xem đi xem lại vẫn bán vé” - lần này với vai chính là Tuấn “phò mã”, một nhân vật bước ra từ cõi mạng với đầy đủ yếu tố của một thảm họa kỹ thuật số: trang điểm lòe loẹt, phục trang ngỡ như cosplay cải lương phiên bản lỗi, và đặc biệt là lối nói chuyện nửa vời giữa "quý tộc thời cổ" và "diễn viên tấu hài cấp làng". Không nổi tiếng vì tài năng, cũng chẳng vì trí tuệ, Tuấn trở thành “hiện tượng” chỉ nhờ vào sự lố lăng được gói ghém dưới cái tên mỹ miều: “nội dung giải trí độc lạ”.

Tuấn “phò mã” bị khởi tố về tội đánh bạc.

Tuấn “phò mã” bị khởi tố về tội đánh bạc.

Trong vai trò “hoàng tử mạng”, Tuấn tự xưng là người thanh tao, gọi người xem là “thường dân”, còn bản thân thì không ngại khoe thân, phô diễn chất “phi giới tính” một cách kệch cỡm. Sự dung tục trộn lẫn giả tạo ấy, thật bất ngờ, lại được tung hô nhiệt liệt. Một bộ phận cư dân mạng vốn yêu sự ngược đời đã không chỉ xem, mà còn follow, chia sẻ, bình luận đầy hào hứng. Họ nâng Tuấn lên thành “biểu tượng hài mới”, biến kênh TikTok của anh ta thành mỏ vàng triệu view. Cho đến khi vỏ bọc quý tộc vỡ tan bởi vài clip hậu trường cùng tin nhắn nhạy cảm và phát ngôn không thể kém văn hóa hơn.

Nhưng bi hài kịch chưa dừng lại. Sau lớp hóa trang và hiệu ứng mạng, Tuấn hiện nguyên hình là một kẻ từng mang hai tiền án: làm giả con dấu và lừa đảo. Và rồi, vừa qua, anh "hoàng tử TikTok" tiếp tục viết thêm trang mới cho lý lịch: bị khởi tố về tội đánh bạc, cùng các chiến hữu miệt mài sát phạt trong quán bida suốt đêm. Ván cược từ 5 triệu đến 20 triệu - tổng cộng hơn 1 tỷ đồng. Một sự nghiệp... “hoàng gia” thật sự, chỉ có điều lại là hoàng gia trên mặt báo Công an.

Tuấn "phò mã" từng sở hữu hơn 300.000 lượt theo dõi, và có lẽ anh ta cũng tin rằng mình là “ngôi sao mạng” thực thụ, anh ta thường đăng video lái xe qua các tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng... và "giao lưu" với CSGT. Anh ta xuất hiện với trang phục quần cộc, mũ cối, lái xe bán tải và nổ “có quan hệ mật thiết với lực lượng CSGT” nên thường có hành vi "can thiệp" giúp người vi phạm giao thông không phải kí vào biên bản chỉ nhờ vào mấy chiêu trò độc lạ.

Cho đến khi dư luận nổi giận - như một cơn lốc quay đầu. Những người từng thích thú trước màn diễn “cao quý giả cầy” của Tuấn, nay quay sang report, chửi rủa, tẩy chay. Từ “idol độc lạ”, Tuấn hóa thành trò cười quốc dân, bị vùi dập không thương tiếc.

Nhưng đáng hỏi hơn cả không phải là “Tuấn sai ở đâu?”, mà là: Vì sao một nhân vật như thế lại được tung hô? Câu trả lời, thật tiếc, lại nằm trong chính hành vi của cộng đồng mạng - những "đạo diễn không tên", luôn háo hức với sự lố lăng, thích giải trí sốc hơn là suy nghĩ nghiêm túc. Họ chính là người nhào nặn ra hiện tượng Tuấn "phò mã" và cũng chính họ là thẩm phán không cần tòa, đao phủ vung đao không cần luật.

Nam “birthday” tại cơ quan Công an.

Nam “birthday” tại cơ quan Công an.

Và Tuấn không cô đơn trong “vũ trụ lố bịch” ấy. Một ngôi sao khác, Nam "Birthday" - tên nghe có vẻ hài hước, nhưng lại là chủ nhân của hơn một tài khoản có triệu follow trên TikTok. Không nhờ vào học thức, không nhờ vào tài năng, mà nhờ vào… livestream lúc bị CSGT xử phạt vì vi phạm giao thông. Không những chống đối, Nam còn phát trực tiếp, nói lời thiếu chuẩn mực với lực lượng chức năng, như thể mình đang casting cho vai chính trong “Thánh livestream phản kháng”.

Kết quả, như thường lệ, là một quyết định khởi tố từ cơ quan điều tra. Và cũng như Tuấn, Nam đi qua con đường danh vọng kiểu mạng xã hội: leo lên bằng chiêu trò, rơi xuống bởi sự ngán ngẩm tập thể. Những người từng gọi là “idol hài hước”, “người thật việc thật”, nhanh chóng quay sang kết luận: “bệnh hoạn”, “vô học”, “phản cảm”. Vòng xoáy tung hô - vùi dập tiếp tục lặp lại, không cần logic, không cần công lý - chỉ cần cảm xúc và... nút share.

Vậy rốt cuộc ai tạo ra những hiện tượng mạng này? Không chỉ là các “diễn viên chính” ham nổi tiếng, mà còn là một lực lượng hùng hậu đứng sau - các nhà đầu tư cảm xúc không cần kiểm duyệt. Họ like vì tò mò, share vì buồn chán, comment vì muốn “cà khịa”, rồi bỗng hóa thành quan tòa khi scandal bùng nổ. Họ dựng nên sân khấu, đổ tiền vào view, cổ vũ những hành vi lệch chuẩn... và đến khi mọi thứ vỡ lở, họ lại xông lên phán xét, như thể chính họ chưa từng vỗ tay cổ vũ một lần nào.

Đáng sợ nhất không phải là những Tuấn hay Nam - mà là cái chu kỳ lệch chuẩn được mạng xã hội nuôi sống: từ khen ngợi đến phẫn nộ, từ tung hô đến đạp đổ, không cần thời gian, không cần lý trí. Một ngày trước là thần tượng, hôm sau đã là đề tài đàm tiếu. Trong một thế giới nơi mọi danh tiếng có thể được xây bằng hiệu ứng đám đông, thì cũng chính đám đông ấy là tay đập phá nhanh nhất. Và ở đó, thứ hiếm hoi nhất, có lẽ chính là sự tử tế và tỉnh táo.

Mỗi TikToker đều phải chịu trách nhiệm về nội dung họ chia sẻ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò tiêu cực của "đám đông mạng" và các nền tảng mạng xã hội cho phép nội dung độc hại lan truyền quá nhanh chóng.

Vấn đề cần đặt ra là: Ai đang định nghĩa "nội dung tốt"? Nếu một video vô bổ lại thu hút hàng triệu lượt xem, liệu có phải lỗi hoàn toàn của người đăng tải, hay chính hệ sinh thái mạng xã hội đang nuôi dưỡng một gu thưởng thức lệch lạc?

Đừng quên rằng, phía sau sự nổi tiếng là những thuật toán, cơ chế đề xuất và nhu cầu của chính người xem. Người nổi tiếng có thể chỉ là sản phẩm của một xã hội tiêu thụ thông tin dễ dãi, nơi những yếu tố giật gân, thô tục lại được ưa chuộng hơn giá trị thực sự.

Đối với giới trẻ, việc học cách miễn nhiễm với nội dung độc hại, rèn luyện khả năng truyền thông số và biết lựa chọn thông tin là cần thiết để tránh trở thành công cụ tiêu thụ "rác số".

Còn đối với những người làm nội dung, cần nhận thức rằng sự nổi tiếng từ thị hiếu thấp không thể là nền tảng vững bền. Một khi thiếu đi giá trị cốt lõi, mọi vinh quang ảo sẽ sớm trở thành tai họa thực tế.

Với các nhà quản lý, đã đến lúc cần siết chặt việc kiểm duyệt, điều chỉnh và định hướng nội dung trên mạng xã hội, không để các nền tảng trở thành "sân chơi không luật lệ".

Nói về vấn đề này, luật sư Nguyễn Quang Vinh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, mọi phát ngôn và hành vi của công dân trên mạng xã hội đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội, người sử dụng cần bảo đảm tính trung thực, chính xác; tuyệt đối không lan truyền, chia sẻ các nội dung sai sự thật, bịa đặt hay có tính chất vu khống đối với cá nhân, tổ chức hoặc sự kiện bất kỳ.

Đồng thời, pháp luật nghiêm cấm các hành vi xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân - bao gồm cả cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Liên quan đến một số trường hợp như Lê Việt Hùng và hàng loạt Tiktoker nổi tiếng bị bắt, luật sư Vinh cho rằng người dân không được phép cản trở hoặc gây rối hoạt động của lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Việc ghi hình, quay phim chỉ được thực hiện nếu không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân và phải tuân thủ đúng quy định pháp luật; tuyệt đối không sử dụng lời nói, hành vi mang tính thách thức, khiêu khích hay gây rối trật tự công cộng.

Bảo Phương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/ket-cuc-cua-nhung-tiktoker-guc-nga-vi-dam-dong-i768303/
Zalo