Kết cục bi thảm của 'cái loa' tuyên truyền phát xít William Joyce

80 năm trước, ngày 30/4/1945, Adolf Hitler đã tự sát trong boongke ở Berlin. cùng ngày, từ nước Đức, nhà tuyên truyền của Đức Quốc xã, biệt danh là 'Lord Haw-Haw', lần cuối cùng lên đài phát thanh trò chuyện với người Anh. Vài tháng sau, y phải ra hầu tòa tại anh vì tội phản quốc và bị kết án treo cổ.

Vì sao các chương trình của "Lord Haw-Haw” lại được yêu thích?

Tên thật của "Lord Haw-Haw” (Lãnh chúa Haw-Haw) là William Joyce. Trong Thế chiến thứ hai, các chương trình phát thanh ban đêm bằng tiếng Anh của y đã thu hút hàng triệu thính giả Anh - chủ yếu là để giải trí, tuy nhiên chính quyền Anh lại rất lo ngại về ảnh hưởng tiềm tàng của tuyên truyền phát xít đối với tinh thần chiến đấu của quân đội Đồng minh.

William Joyce sau khi bị bắt vào tháng 5/1945.

William Joyce sau khi bị bắt vào tháng 5/1945.

Được pha trộn giữa những tin giả và chuyện đùa, các buổi phát thanh của Joyce đã mang lại một sự nhẹ nhõm nào đó. Đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh, khi các thành phố Anh hầu như ngày nào cũng bị máy bay Đức ném bom, hàng ngàn người bị gọi ra mặt trận, và các thực phẩm thiết yếu chỉ có thể mua bằng tem phiếu. Những nhận định hời hợt của y về tâm trạng xã hội Anh thường xa rời thực tế, ví dụ: "Người Anh sẽ tự nguyền rủa mình vì đã chọn những đống đổ nát của Churchill thay vì thế giới của Hitler".

Y chế giễu kế hoạch của chính quyền Anh trong việc chuẩn bị "mặt trận nội địa" bằng cách tổ chức huấn luyện quân sự cho dân thường, đề phòng trường hợp Đức Quốc xã đổ bộ.

"Các chương trình huấn luyện dân sự được Churchill phê duyệt, giống như tất cả những gì người Anh làm trong chiến tranh, là cực kỳ kém hiệu quả, tầm thường và ngớ ngẩn. Cảm giác như trên toàn nước Anh, người ta đang xây dựng các học viện tự sát", Joyce nói, khẳng định rằng việc chống lại quân đội Đức Quốc xã là vô ích.

"Trước một đội quân tiến công, chỉ trong vài ngày đã đánh bại tuyến phòng thủ Maginot (hệ thống công sự do Pháp xây dựng sau Thế chiến I dọc biên giới Đức), những người Anh, vốn chưa bao giờ cầm cái gì nặng hơn một tách trà, định bảo vệ mình bằng bom tự chế và những con chó chết! Ồ, điều này thật dễ hiểu: đến lúc phải tự bảo vệ mình, sức kháng cự của người Anh sẽ yếu ớt như mọi nỗ lực bảo vệ đồng minh của họ vậy".

Chứng minh thư của William Joyce được cấp ở Đức.

Chứng minh thư của William Joyce được cấp ở Đức.

William Joyce là ai?

William Joyce sinh năm 1906, nhưng không phải ở Anh, mà ở Brooklyn, bang New York, vì vậy y là công dân Mỹ. Cha mẹ của Joyce là người Ireland di cư sang Mỹ, nhưng năm 1909, cả gia đình trở về tổ quốc. Vào thời điểm đó, đảo Ireland vẫn thuộc Anh, và từ nhỏ, cuộc đời y đã trải qua nhiều điều tồi tệ.

Gia đình y kiên quyết phản đối việc trao quyền độc lập cho Ireland. Khi còn là một thiếu niên, Joyce đã bí mật hợp tác với "Black and Tans", đơn vị cảnh sát hỗ trợ của Anh được thành lập sau Thế chiến I để đàn áp phong trào dân tộc ở Ireland.

Năm 1922, Cộng hòa Ireland cuối cùng cũng được thành lập, và vì lo sợ bị trả thù, gia đình Joyce buộc phải chạy sang Anh.

Tại đây, Joyce tốt nghiệp Đại học London với điểm cao về các môn lịch sử và tiếng Anh. Sau đó, y nộp đơn gia nhập Quân đoàn huấn luyện Sĩ quan. Chính lúc bấy giờ, lần đầu tiên y tuyên bố mình không còn là công dân Mỹ, mà là thần dân của Hoàng gia Anh.

Năm 1923, Benito Mussolini, lãnh đạo phát xít Ý lên nắm quyền. Cùng năm đó, một tổ chức phát xít được thành lập tại Anh, và Joyce là một trong những người đầu tiên gia nhập tổ chức này.

Trong một cuộc ẩu đả trên đường phố với các nhóm chống phát xít, Joyce bị thương và để lại một vết sẹo dài trên má suốt đời.

Năm 1933, chính khách người Anh Oswald Mosley thành lập Liên minh Phát xít Anh mới. Joyce gia nhập tổ chức này và được bổ nhiệm làm phó của Oswald Mosley, đồng thời phụ trách công tác tuyên truyền.

Tuy nhiên, Joyce cho rằng lập trường của Mosley về “vấn đề Do Thái” chưa đủ cứng rắn. Y công khai chỉ trích thượng cấp nhu nhược, nên bị Mosley khai trừ ra khỏi đảng vào năm 1937.

Sau đó, Joyce thành lập tổ chức riêng có tên là Liên minh Quốc xã, nhưng không nhận được sự ủng hộ rộng rãi.

Năm 1933, y nhận được hộ chiếu Anh một cách bất hợp pháp, nói dối rằng mình sinh ra ở Ireland và là công dân Anh theo giấy khai sinh. Chỉ vài ngày trước khi Thế chiến II bùng nổ, vào tháng 8/1939, Joyce gia hạn hộ chiếu và cùng vợ là Margaret sang Đức. Một năm sau, năm 1940, y chính thức nhập quốc tịch Đức.

Trong cuốn tự truyện của mình "Hoàng hôn trên nước Anh", Joyce viết rằng y muốn đóng một vai trò “rõ ràng và dứt khoát” trong cuộc chiến sắp tới.

Chính khách Anh Oswald Mosley.

Chính khách Anh Oswald Mosley.

Joyce đã tuyên truyền gì cho Đức Quốc xã?

Ngay sau khi chiến tranh nổ ra, tháng 9/1939, Joyce bắt đầu dẫn các chương trình phát thanh đêm của bộ phận tuyên truyền trên Đài Phát thanh Quốc gia Đức.

Trong các buổi phát sóng, y công kích dữ dội chính sách của Thủ tướng Anh Winston Churchill - mỉa mai gọi ông là “lão già độc ác” - đồng thời chế giễu các biện pháp hạn chế thời chiến ở Anh, đặc biệt là việc phân phối lương thực theo tem phiếu.

Biệt danh "Lord Haw-Haw" do một nhà báo của tờ Daily Express đặt cho Joyce, mô tả giọng điệu mỉa mai, châm chọc đặc trưng của y. Phần lớn các “tin tức” của Joyce đều là bịa đặt. Y thường xuyên phóng đại mức độ thiệt hại hải quân Đức gây ra cho các tàu chiến Anh, hoặc tuyên bố một thành phố nào đó đã bị máy bay Đức xóa sổ hoàn toàn thậm chí đôi khi trước lúc xảy ra cuộc không kích.

Những tuyên bố lặp đi lặp lại của y về việc tàu sân bay hàng đầu của Hải quân Hoàng gia Anh “Ark Royal” tuồng như đã bị Đức đánh chìm dần dần trở thành trò đùa.

Người dân London chờ phiên tòa xét xử William Joyce.

Người dân London chờ phiên tòa xét xử William Joyce.

Tuy vậy, Joyce có hàng triệu thính giả ở Anh

Theo một cuộc khảo sát do BBC đặt hàng cho tổ chức nghiên cứu xã hội Mass Observation của Anh thực hiện vào tháng 1/1940, cứ 6 người trưởng thành thì có 1 người thường xuyên nghe các buổi phát thanh của Joyce, còn tính cả những người nghe không thường xuyên thì con số này lên tới 1/3 dân số.

Giải thích lý do của sự quan tâm này, một số thính giả nói họ thấy các chương trình của Joyce buồn cười; số khác nói họ muốn nghe “quan điểm của Đức” và muốn biết bất cứ thông tin nào bị kiểm duyệt cấm phát sóng trên đài phát thanh Anh trong thời chiến.

Các chương trình của Joyce còn thu hút khán giả, vì theo khuyến nghị của chính quyền, ngay từ đầu chiến tranh, BBC đã ngừng toàn bộ nội dung giải trí, chỉ phát các bản tin chính thức và nhạc cổ điển.

Chính phủ Anh khuyến cáo mạnh mẽ người dân không nên nghe Đức tuyên truyền, nhưng họ không trực tiếp cấm hoặc chặn sóng các buổi phát thanh của “Lord Haw-Haw”.

Tuy nhiên, dần dần, Joyce đánh mất phần lớn thính giả. Mội số người cho rằng chương trình của y đã lỗi thời, số khác thì nói y không còn giữ được khiếu hài hước như trước.

Một người dân Anh đang nghe William Joyce nói trên đài phát thanh.

Một người dân Anh đang nghe William Joyce nói trên đài phát thanh.

Joyce bị bắt như thế nào?

Ngày 30/4/1945, khi quân đội Liên Xô đã kiểm soát gần như toàn bộ Berlin và thất bại của Đức trở nên rõ ràng, Joyce lên sóng lần cuối. Qua giọng nói lè nhè, có thể đoán y đã uống khá nhiều rượu trước đó.

Y gọi Liên Xô là mối đe dọa mới, và nói: “Quả thật, tôi rất muốn biết liệu nước Anh giờ đây có thể trụ vững không? Cá nhân tôi tin chắc rằng nếu không có sự giúp đỡ của Đức, Anh khó có thể thành công”. Y kết thúc buổi phát thanh bằng câu nói: “Heil Hitler! Tạm biệt”.

Adolf Hitler tự sát ngay ngày hôm đó, chỉ sau vài giờ. Đô đốc Karl Donitz, được bổ nhiệm làm Quốc trưởng mới của Đệ tam Đế chế, đã lập tức ra lệnh chuyển chính phủ Quốc xã đến thành phố Flensburg, gần biên giới Đan Mạch. Joyce và vợ y cũng đi theo.

Ngày 28/5, tức 20 ngày sau khi Đức ký văn kiện đầu hàng vô điều kiện (và 5 ngày sau khi Donitz bị bắt), hai sĩ quan tình báo quân đội Anh phát hiện Joyce đang nhặt củi ở ngoại ô Flensburg. Họ đang truy tìm bọn tội phạm chiến tranh và nhận được thông tin về một “cặp đôi người Anh” nào đó mới chuyển đến một ngôi nhà nhỏ trong vùng.

Nghe thấy giọng nói quen thuộc, một trong hai sĩ quan, Trung úy Geoffrey Perry, hỏi người đàn ông có phải là Joyce không. Thay vì trả lời, Joyce đưa tay vào túi quần sau.

Nghĩ rằng y với tay lấy vũ khí, Perry nổ súng trước và bắn vào chân Joyce. Tuy nhiên, sau đó phát hiện ra Joyce không có súng: cái y định rút ra là tấm hộ chiếu giả để trình các sĩ quan.

Tại sao Joyce bị kết tội phản quốc?

Tháng 9/1945, Joyce được đưa về Anh để hầu tòa. Y bị buộc tội "phản quốc bằng việc câu kết với kẻ thù bên ngoài Liên hiệp Vương quốc Anh (ở Đức), vi phạm đạo luật phản quốc được ban hành năm 1351".

Trước tòa, Joyce tự bào chữa rằng y chưa bao giờ là thần dân của Anh, do đó, y không có nghĩa vụ trung thành với Hoàng gia Anh.

Tuy nhiên, Tổng Chưởng lý Hartley Shawcross, người đứng đầu bên công tố, đã thuyết phục được tòa án London rằng từ năm 1939 đến 1940, Joyce sống tại Đức với hộ chiếu Anh, tức là về mặt hình thức, vẫn nằm dưới sự bảo hộ của chính quyền Anh và hoàn toàn có quyền yêu cầu họ bảo vệ. Vì vậy, y cũng có nghĩa vụ trung thành với Hoàng gia Anh.

Trong lời nói sau cùng, Joyce tuyên bố: "Bằng cái chết của mình, cũng như bằng cuộc đời mình, tôi thách thức những người Do Thái đã gây ra cuộc chiến vừa qua, và các thế lực bóng tối mà họ đại diện. Tôi tự hào vì được chết cho lý tưởng của mình, và tôi vô cùng thương tiếc những người con của nước Anh đã thiệt mạng mà chẳng rõ vì điều gì".

Ngày 3/1/1946, Joyce bị treo cổ tại nhà tù Wandsworth ở London và được chôn cất trong một ngôi mộ vô danh.

Năm 1976, con gái của Joyce xin phép cải táng hài cốt của “Lãnh chúa How-How” tại Galway, Ireland, nơi y yên nghỉ đến ngày nay.

Trần Hậu

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/ket-cuc-bi-tham-cua-cai-loa-tuyen-truyen-phat-xit-william-joyce-i769241/
Zalo