Kết án tù người nước ngoài đến Indonesia 'khai thác trộm' hàng trăm cân vàng

Một người nước ngoài chỉ huy hoạt động khai thác vàng trái phép ở Tây Kalimantan, Indonesia đã bị tòa án nước này kết án 5 năm tù và phạt 50 tỷ rupiah (3,2 triệu USD). Nhóm 'vàng tặc' của kẻ này đã khai thác trộm khoảng 774 kg vàng và 938 kg bạc.

Theo Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia, công dân Trung Quốc này, được chính quyền Indonesia xác định tên là YH, đã bị bắt vào tháng 5 và sẽ phải chịu thêm 6 tháng tù nếu không nộp tiền phạt.

Nhà chức trách Indonesia cho biết, dưới tay YH có 80 người Trung Quốc làm việc cho hắn ta trong hoạt động bất hợp pháp ở huyện Ketapang (tỉnh Tây Kalimantan). Một số người trong số họ không có thị thực để làm việc tại Indonesia.

 Một thợ đào vàng trái phép trong đường hầm. Theo luật pháp Indonesia, những người bị kết tội khai thác mỏ mà không có giấy phép có thể bị phạt tù tới 5 năm. Ảnh: CNA

Một thợ đào vàng trái phép trong đường hầm. Theo luật pháp Indonesia, những người bị kết tội khai thác mỏ mà không có giấy phép có thể bị phạt tù tới 5 năm. Ảnh: CNA

Ông Sunindyo Suryo Herdadi, Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật và Môi trường, Tổng cục Than-Khoáng sản thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia, cho biết các nhà điều tra đã tìm thấy bằng chứng về hoạt động khai thác quặng vàng tại một địa điểm được cấp phép kinh doanh khai thác vàng tại huyện Ketapang.

Tuy nhiên, giấy phép này thuộc về hai công ty vàng không có phê duyệt hạn ngạch sản xuất từ năm 2024 đến năm 2026. Dựa trên các cuộc điều tra sơ bộ, hai công ty địa phương này không có bất kỳ mối liên hệ nào với YH.

Trang tin Kompas.com cho hay, nhà chức trách Indonesia ước tính thiệt hại là 1,02 nghìn tỷ rupiah (65,6 triệu USD) do hoạt động khai thác bất hợp pháp này, trong đó nhóm “vàng tặc” của YH đã khai thác trộm được 774,27 kg vàng và 937,7 kg bạc.

“Hoạt động khai thác ngầm bất hợp pháp (do YH thực hiện) liên quan đến các phương pháp nổ mìn để xử lý và chiết xuất vàng. Sau khi tinh chế vàng dưới lòng đất, vàng thỏi sau đó được tuồn ra khỏi đường hầm và bán”, Vụ trưởng Sunindyo cho biết.

 Một địa điểm khai thác vàng trái phép ở Trung Kalimantan, Indonesia. Theo nhà chức trách nước này, tại Indonesia hiện có hơn 2.700 địa điểm khai thác khoáng sản không phép. Ảnh: CNA

Một địa điểm khai thác vàng trái phép ở Trung Kalimantan, Indonesia. Theo nhà chức trách nước này, tại Indonesia hiện có hơn 2.700 địa điểm khai thác khoáng sản không phép. Ảnh: CNA

Các mỏ không có giấy phép rất phổ biến ở Indonesia, quốc gia sản xuất vàng lớn nhất khu vực. Người ta tin rằng có ít nhất 300.000 thợ mỏ quy mô nhỏ đang tham gia vào hoạt động này.

Theo Tổng cục Than-Khoáng sản thuộc Bộ năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia, vào tháng 12 năm ngoái, nước này có 2.741 địa điểm khai thác khoáng sản không có giấy phép - còn được gọi là Pertambangan Tanpa Izin hoặc PETI.

Các vụ tai nạn chết người cũng thường xuyên xảy ra tại các mỏ vàng trái phép.

Năm 2022, một vụ sập vách đá ở Mandailing Natal ở Bắc Sumatra đã giết chết 12 phụ nữ. Vào tháng 7 năm nay, ít nhất 27 người đã thiệt mạng sau một trận lở đất do mưa lớn gây ra gần một mỏ vàng trái phép ở Sulawesi.

Tuần trước, một vụ lở đất tại một mỏ vàng trái phép ở Tây Sumatra đã giết chết ít nhất 15 người và chôn vùi hàng chục người khác.

Nguyễn Khánh (theo CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ket-an-tu-nguoi-nuoc-ngoai-den-indonesia-khai-thac-trom-hang-tram-can-vang-post315393.html
Zalo